''Đưa người vào Việt Nam trái phép là vô trách nhiệm với dân tộc''

03/08/2020 11:27

Lo ngại dịch bệnh lây lan từ người không được kiểm soát được các đại biểu Quốc hội đề cập khi hàng loạt đường dây nhập cảnh trái phép bị phát hiện những ngày qua.

"Đưa người vào Việt Nam trái phép khi dịch bùng phát là hành vi mất đạo đức, vô trách nhiệm với dân tộc và vi phạm pháp luật nghiêm trọng", đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa nhận định khi cơ quan chức năng liên tiếp xử lý các đường dây đưa người nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Lên án hành vi này, ông Hòa cùng một số tướng lĩnh quân đội và đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý thích đáng người vi phạm để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Xử nghiêm những kẻ "vì tiền mất hết lương tâm"

“Sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở giai đoạn trước, chúng ta quyết liệt thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Song dường như chúng ta lại tập trung phát triển kinh tế nhiều hơn là chú ý cảnh giác với dịch bệnh”, trung tướng Nguyễn Kim Khoa (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội), chia sẻ với phóng viên.

Theo ông Khoa, việc hàng loạt đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị phát hiện đã làm rấy lên lo ngại về nguy cơ dịch có thể lây lan từ các đối tượng không được kiểm soát này.

duong day dua nguoi nhap canh trai phep vao Viet Nam anh 1

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khi dịch đang bùng phát là hành vi vô trách nhiệm với dân tộc

Ông Khoa đề nghị phải xử lý nghiêm người dẫn dắt, môi giới, đưa người vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cũng như các đối tượng nhập cảnh trái phép.

“Cần phát động phong trào nhân dân phát hiện, tố giác những người nghi nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các vụ vi phạm ở biên giới và nội địa mới tạo được sự răn đe và nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội góp ý.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật) lo ngại tình trạng một số người vì tiền mà tiếp tay cho đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

“Đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khi dịch đang bùng phát không chỉ là hành vi mất đạo đức, vô trách nhiệm với dân tộc, mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật", ông Hòa nói.

Vị đại biểu đề nghị phải nghiêm trị và xử lý thích đáng với người tổ chức và cả những người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chưa có kết luận nhưng ông Hòa cho rằng không loại trừ khả năng người nhập cảnh trái phép là nguồn lây lan, làm dịch tái phát ở Việt Nam.

Khi đã qua biên giới, rất khó kiểm soát

Đề cập đến việc vừa qua, số người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là người Trung Quốc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng nguyên nhân một phần do Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên bộ khá dài, địa hình rất phức tạp. Khoảng cách giữa các đồn, trạm biên phòng ở khu vực biên giới rất xa nên việc quản lý khó khăn.

Tình trạng nhiều người vượt biên trái phép vào Việt Nam bị phát hiện thời gian qua cho thấy việc phối hợp quản lý đã có phần chủ quan, dẫn đến bị lợi dụng.

duong day dua nguoi nhap canh trai phep vao Viet Nam anh 2

Cơ quan chức năng trao trả nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

“Chúng ta quản lý rất tốt đường hàng không, không để lây lan trong nội địa hơn 3 tháng qua. Nhưng đường biển, đường bộ lại có hàng chục, hàng trăm người nhập cảnh trái phép thì nguy cơ lây lan dịch trong nước vô cùng lớn. Một khi họ qua biên giới, chúng ta không thể nào kiểm soát vì họ di chuyển qua rất nhiều nơi”, ông Khoa nhận định.

Ông Khoa cảnh báo nếu chủ quan, lơ là, các đối tượng này lọt vào vào Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn đe dọa về an ninh quốc phòng.

Về việc các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể đi qua rất nhiều cửa, thậm chí di chuyển sâu vào nội địa, ông Khoa cho rằng những đường dây này chính là tội phạm, luôn tìm mọi thủ đoạn né tránh cơ quan chức năng của Việt Nam. Hơn nữa, khi đã qua biên giới, việc đi lại rất khó kiểm soát và càng khó hơn khi có đối tượng dẫn dắt.

Tăng cường quản lý hộ tịch, hộ khẩu

Đề cập những khó khăn trong việc quản lý nhập cảnh, đại biểu Quốc hội, thiếu tướng Sùng Thìn Cò (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2) cho rằng đường biên giới của Việt Nam là đường biên giới mở chứ không khép kín.

Các đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thường sẽ không đi qua các cửa khẩu chính và đường tiểu ngạch, mà thường đi qua rừng núi, sông suối, những nơi khó khăn nhất mà các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, nhân dân ít chú ý.

duong day dua nguoi nhap canh trai phep vao Viet Nam anh 3

Lực lượng chức năng chốt chặt ở đèo Hải Vân để kiểm soát dịch bệnh

Muốn ngăn chặn tình trạng này, tướng Sùng Thìn Cò cho rằng trước hết phải tăng cường tuyên truyền cho nhân dân vùng biên giới cũng như vùng lân cận để người dân hiểu biết, nâng cao cảnh giác. Còn lực lượng chức năng trực tiếp quản lý biên giới là bộ đội biên phòng cần tăng cường tuần tra để phát hiện vi phạm.

“Phải xác định toàn bộ tuyến biên giới của từng đồn biên phòng quản lý, phụ trách để biết đường biên giới đó dài bao nhiêu, chỗ nào xung yếu, nguy hiểm nhất mà các đối tượng có thể đưa người nhập cảnh trái phép qua, từ đó lên phương án ngăn chặn và truy bắt”, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 nêu ý kiến.

Trong nội địa, ông Cò lưu ý phải tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu và tăng cường quản lý các đối tượng nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của bộ đội biên phòng, công an để theo dõi, quản lý.

Về đối ngoại, cần yêu cầu các xã, huyện, tỉnh biên giới, các đồn biên phòng có hàm thư gửi sang Trung Quốc về việc các đối tượng xấu 2 nước cấu kết đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, ảnh hưởng đến công tác chống dịch Covid-19 và đề nghị phía bạn phối hợp tuần tra, kiểm soát ở các khu vực xung yếu.

“Khi một người thoát qua biên giới, họ không thể ngủ đường ngủ chợ mà phải đến các cơ sở lưu trú nên cần xem lại lỗ hổng trong quản lý các cơ sở này", ông Trường nói và dẫn quy định chủ cơ sở lưu trú phải có trách nhiệm cung cấp thông tin người đến lưu trú trong vòng 24 giờ với vùng đồng bằng và 48 giờ với vùng biên giới, hải đảo.Đánh giá tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hết sức nghiêm trọng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường nhận định phải có những lỗ hổng thì những đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam mới có thể tồn tại, đi sâu vào nội địa qua nhiều địa phương khác nhau.

"Nhưng thực tế vừa qua dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở mất nguồn thu, nên giờ họ bằng mọi cách kiếm thu nhập để tồn tại, bất chấp quy định”, ông Trường phân tích và đề nghị phải xử lý nghiêm các vi phạm này.

duong day dua nguoi nhap canh trai phep vao Viet Nam anh 5
Một nhóm người bị Bộ đội biên phòng Quảng Ninh bắt khi đang vượt biên trái phép vào Việt Nam

Theo Zing


(0) Bình luận
''Đưa người vào Việt Nam trái phép là vô trách nhiệm với dân tộc''