Không để ai bị bỏ lại phía sau

21/04/2020 08:45

Việc Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền lên tới 62.000 tỷ đồng là giải pháp thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ngày 9.4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về gói hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền lên tới 62.000 tỷ đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Cụ thể có 7 nhóm đối tượng thụ hưởng là người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động và hộ kinh doanh cá thể doanh thu dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là giải pháp thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Gói hỗ trợ được triển khai sẽ đem đến sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Việc triển khai gói hỗ trợ chứng tỏ Chính phủ đã hành động nhanh chóng, nắm bắt trúng, kịp thời tâm tư nguyện vọng của người dân trong bối cảnh cả nước đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Chương trình cũng thể hiện rõ tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ.

Để Nghị quyết của Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm ở mức cao nhất của cả hệ thống chính trị. Việc bỏ ra một số tiền khổng lồ với lượng người thụ hưởng quá lớn, đối tượng rộng trong bối cảnh kinh tế suy giảm, thu ngân sách được dự báo giảm sâu đã thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Dư luận cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ phải thực sự công bằng, minh bạch, công khai nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm mục tiêu đề ra. Lo lắng của dư luận về việc tiền hỗ trợ không được trao đúng đối tượng không phải không có cơ sở khi chúng ta đã từng nhiều lần chứng kiến những đàn gà, đàn dê, đàn bò hỗ trợ “đi lạc”, những ngôi nhà tình nghĩa trao nhầm cho người không xứng đáng. Nếu tiền hỗ trợ bị trục lợi, trao không đúng đối tượng hoặc bỏ sót người đáng được hưởng sẽ làm mất đi ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ.

Hơn lúc nào hết, cái tâm cùng tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương phải thể hiện rõ nhất để đồng bào mình “ai cũng có cơm ăn, áo mặc” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Và việc cần làm ngay là nhanh chóng rà soát, lập danh sách những người thụ hưởng bảo đảm không bỏ lọt, bỏ sót hoặc đưa vào danh sách không đúng đối tượng. Cần phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu để tiền hỗ trợ sớm đến tận tay người dân, không lãng phí dù chỉ một đồng. Có như vậy, ý nghĩa cao đẹp của chương trình hỗ trợ mới được thể hiện trọn vẹn và cũng chính là hành động “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” như tiền nhân từng căn dặn.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhân dân ta luôn có lòng bao dung, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn với tinh thần: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”… Số tiền hỗ trợ đến với mỗi người có thể không nhiều nhưng cũng đủ làm ấm lòng những người yếu thế trong xã hội, xây đắp thêm niềm tin, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống dịch bệnh ngày càng cam go, phức tạp. 

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để ai bị bỏ lại phía sau