Lãng phí trong sử dụng trụ sở công. Bài cuối: Đâu là giải pháp?

22/06/2018 19:05

Cần kiên quyết đề nghị thu hồi, điều chuyển đối với các trường hợp dôi dư, sử dụng không đúng mục đích...


Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh khảo sát việc quản lý, sử dụng trụ sở tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 8.3 (Hội Phụ nữ tỉnh)

Làm thế nào để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trụ sở công? Đây là vấn đề đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.

Tăng cường quản lý 

Thời gian qua, các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công không ngừng được hoàn thiện, trở thành công cụ quan trọng đưa việc sử dụng, quản lý tài sản công đi vào nền nếp. Các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất liên quan gồm: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018; Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định 152/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại tài sản công. Đây là hành lang pháp lý giúp ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng, xâm phạm tài sản công, góp phần khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả, gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để tạo lập nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng lãng phí trụ sở công, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Trên cơ sở những quy định mới, cơ quan quản lý nhà nước về trụ sở công sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, sử dụng tài sản công. Nên phân cấp quản lý và gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công cần xây dựng quy chế nội bộ và kiểm soát thực hiện thường xuyên tại cơ quan, đơn vị mình. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, Sở Tài chính hiện là cơ quan quản lý về công sản, với nguồn nhân lực có hạn lại thực hiện nhiệm vụ quản lý nhiều vấn đề về tài chính mà quản lý cả một hệ thống khổng lồ về tài sản công thì khó mà làm tốt được. Vì vậy, phân cấp quản lý tài sản công, giao trách nhiệm về cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức sẽ giúp quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả hơn. 

Nhiều ý kiến cho rằng để chấn chỉnh, chấm dứt và ngăn chặn sai phạm tiếp diễn cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sử dụng trụ sở làm việc. Cụ thể, cần tăng cường kiểm tra, rà soát cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, kiên quyết đề nghị thu hồi, điều chuyển đối với các trường hợp dôi dư, sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy định như bỏ trống, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết… không đúng thẩm quyền. 

Không để thất thu

Quy định không cấm việc sử dụng trụ sở làm việc vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng thực hiện như thế nào bảo đảm đúng quy định và mang lại hiệu quả thì không phải tổ chức, đơn vị nào cũng làm được. 

Điều 47, Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết trong trường hợp: Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư; việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Theo đó, những đơn vị được giao trụ sở làm việc chưa sử dụng hết công suất phải lập đề án sử dụng theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công khai thực hiện theo quy định.

Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn cụ thể, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của các đơn vị. Khi lựa chọn đối tác cho thuê, liên doanh, liên kết phải tính bài toán kinh tế tốt nhất, đồng thời có cơ chế kiểm soát hợp đồng, đơn giá, thời hạn cho thuê để tránh thất thoát nguồn thu. 

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa trong hoạt động nghiệp vụ quản lý tài sản công là biện pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công trong giai đoạn hiện nay. “Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, cung cấp đầy đủ thông tin, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về tài sản công sẽ giúp cơ quan quản lý dễ kiểm soát, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp đối với mỗi cơ quan, đơn vị. Đây cũng là công cụ hữu ích trong quản lý và minh bạch công tác quản lý, sử dụng tài sản công”, ông Ngọc nói. 

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng phí trong sử dụng trụ sở công. Bài cuối: Đâu là giải pháp?