Phụ nữ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển đất nước

18/10/2019 15:55

Phụ nữ có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia và đạt nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.


Tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia thị trường lao động khá cao, đạt 73%

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp hết sức to lớn, góp phần quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên truyền thống vẻ vang: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Vai trò ngày càng quan trọng

Chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia và đạt nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong đời sống chính trị-xã hội, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 cấp tỉnh đạt 13,3%, cấp huyện 14,3%, cấp cơ sở 19,69%, đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cả 3 cấp đều đạt trên 26%. Những nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm gần 27%, cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á (19,9%) và toàn thế giới (24,3%). Đặc biệt, lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ, là 1 trong 4 chức danh cao nhất trong hệ thống chính trị của nước nhà.

Trong lĩnh vực kinh tế, nghiên cứu mới nhất về "Phụ nữ trong kinh doanh" do Grant Thornton quốc tế thực hiện cho thấy, tại khu vực châu Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp thuộc nhóm khá cao trên thế giới, và Việt Nam đứng thứ hai châu Á với tỷ lệ khoảng 36%, đứng sau Philippines (37,46%) và trước Singapore (33,04 %). Lao động nữ tại Việt Nam đã tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Trong khoa học-công nghệ, phụ nữ tham gia gần 40%, tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Trong giáo dục đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn, nhiều người có trình độ cao. Đặc biệt, giáo viên nữ chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở hệ mẫu giáo; 71% ở bậc phổ thông và gần 49% giảng viên ở bậc đại học, cao đẳng… Đồng thời, phụ nữ còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Sự trưởng thành của phong trào phụ nữ, những đóng góp xứng đáng của phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; hàng nghìn chị em được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú; nhà giáo, thầy thuốc nhân dân; nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân... Nhiều tấm gương thầm lặng làm nhiều việc tốt, việc thiện đã tô đẹp thêm hình ảnh cao quý của phụ nữ Việt Nam.

Những trở ngại lớn

Đất nước chuyển mình trong thời kỳ mới, vừa tạo ra thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ từ 15 tuổi trở lên có việc làm chiếm 48,1% tổng số người có việc làm - một trong những tỷ lệ cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tiềm năng của lực lượng lao động này vẫn chưa được phát huy tối đa, do sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong cơ hội việc làm, quyền lựa chọn công việc, các gánh nặng không cân xứng trong trách nhiệm chăm sóc gia đình và nhiều nguyên nhân khác. Theo khảo sát, tại Việt Nam, với công việc có cùng trình độ, thu nhập trung bình của lao động nữ luôn thấp hơn nam khoảng 10,7%. Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao. Nếu như thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1%, thì ở nhóm trình độ đại học trở lên, mức chênh lệch lên tới 19,7%.

Mặc dù số lượng phụ nữ hiện diện trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đang dần tăng nhưng sự bình đẳng giới tại vị trí chủ chốt vẫn còn khá xa. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trở ngại đối với nhà lãnh đạo cấp cao nữ ở Việt Nam như thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp, cơ hội xây dựng các mối quan hệ, trách nhiệm chăm lo gia đình ngoài công việc và có thêm thời gian cho công việc chủ chốt. Đây đều là những thách thức ngăn cản phụ nữ trau dồi thêm kỹ năng và đạt được thành công trong công việc của mình.

Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cũng đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, định kiến giới còn tồn tại càng khiến đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật thêm khó khăn.

Tháng 12.2017, Việt Nam đã ký Tuyên bố chung về Trao quyền kinh tế và thương mại của phụ nữ tại Buenos Aires của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng là Tuyên bố đầu tiên của tổ chức này với mục đích cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động thương mại. ASEAN cũng đã nhất trí hợp tác cùng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cam kết loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam ngày nay đang không ngừng tiến lên, tiếp tục có vai trò và đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển đất nước