Sức vươn thị xã trẻ Kinh Môn

28/12/2019 06:27

Từ một huyện khi chia tách năm 1997 còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, giao thông cách trở đò giang, nay Kinh Môn đã vươn mình trở thành thị xã.

Thị xã Kinh Môn có tốc độ đô thị hóa nhanh và ngày càng phát triển toàn diện

Dấu mốc đáng tự hào này ghi nhận sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của những con người và vùng đất địa linh trong suốt chiều dài lịch sử.

Mảnh đất lịch sử, văn hóa

Ngày 11.9.2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 768/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Kinh Môn và các phường, xã thuộc thị xã. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.11.2019.

Đây là dấu mốc đặc biệt thể hiện sự trưởng thành vượt bậc, là bước ngoặt quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn trong quá trình xây dựng và phát triển.

Niềm vui được nhân lên gấp đôi khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thị xã Kinh Môn vốn là vùng đất có bề dày lịch sử. Từ thực tiễn lao động, sản xuất, nhân dân Kinh Môn đã tiếp nối, chắt lọc, nuôi dưỡng, bồi đắp nên những nét văn hóa đặc sắc, trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Kinh Môn là mảnh đất từng ghi dấu ấn của nhiều nhân vật lịch sử lẫy lừng như An Sinh vương Trần Liễu, danh sĩ Phạm Sư Mệnh, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Húc hay Nguyễn Đại Năng - ông tổ nghề châm cứu Việt Nam...

Nơi đây có 202 di tích, trong đó có 37 di tích được xếp hạng. Nổi bật nhất là quần thể di tích quốc gia đặc biệt với đỉnh non thiêng đền Cao An Phụ và chùa Tường Vân cổ kính, khu hang động Kính Chủ được mệnh danh “Nam Thiên đệ lục động” - nơi lưu giữ hệ thống bia Ma Nhai đã trở thành bảo vật quốc gia, di tích khảo cổ học chùa Nhẫm Dương - nơi phát tích, chốn tổ của thiền phái phật giáo Tào Động Việt Nam.

Người dân Kinh Môn sớm giác ngộ ánh sáng cách mạng của Đảng. Khi thời cơ đến, nhân dân Kinh Môn đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền góp phần đưa Hải Dương trở thành một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 23.10.1945, Chi bộ Đảng đầu tiên ở Kinh Môn được thành lập. 

Bứt phá vươn lên

Kinh Môn có nhiều đặc sản nông nghiệp. Trong ảnh: Vùng trồng cam, hành ở phường Thất Hùng

Bằng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, thị xã Kinh Môn không ngừng bứt phá vươn lên. Từ một huyện miền núi với nhiều khó khăn về kinh tế, núi sông cách trở, thị xã Kinh Môn đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, kinh tế phát triển nhanh nhất tỉnh.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì trên 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đạt 58,2 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Là địa phương nằm liền kề hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nên có điều kiện để phát triển kinh tế. Đặc biệt từ khi có tuyến quốc lộ 17 B chạy qua thị xã nối liền giữa quốc lộ 5 với quốc lộ 18 đã mở ra cơ hội mới cho Kinh Môn phát triển.

Tới đây, nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu mới được xây dựng như đường trục Bắc Nam, cầu Mây, cầu Triều, cầu Dinh, cầu Vạn tạo thuận lợi cho Kinh Môn đón nhận cơ hội đầu tư, giao thương phát triển kinh tế với các vùng miền trong cả nước.

Với lợi thế riêng có về địa lý và tài nguyên khoáng sản, Kinh Môn có ngành công nghiệp phát triển với 7 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn như các Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, CP Thép Hòa Phát Hải Dương, CP Năng lượng Hòa Phát, CP Vật liệu xây dựng Thành Công III, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương... Các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo việc làm cho gần 30.000 lao động, đóng góp tới 30% ngân sách của tỉnh.

Không chỉ là một trung tâm công nghiệp, thị xã Kinh Môn còn được cả nước biết đến là địa phương có nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Riêng diện tích cây vụ đông của thị xã đã đạt trên 4.200 ha với vùng hành tỏi tập trung có quy mô lớn nhất nhì cả nước. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” là nếp cái hoa vàng, hành tỏi, sắn dây...

Năm 2017, Kinh Môn là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và là huyện nông thôn mới thứ 38 trong cả nước. Thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo thuận lợi để Kinh Môn vươn lên trở thành thị xã vào năm 2019, sớm hơn 1 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương. 

Đến với thị xã Kinh Môn hôm nay, hình ảnh về một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu không còn nữa mà thay vào đó là hình ảnh một đô thị công nghiệp hối hả và năng động. Những nhà máy hiện đại, những khu đô thị, thương mại sầm uất xen giữa màu xanh của cây trái và những cánh đồng. Đến với thị xã, du khách còn được đắm mình trong không gian uy linh, nghiêm trang, tĩnh tại của khu di tích lịch sử An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương linh thiêng, thấm đẫm giá trị nguồn cội.

Với vị thế và tầm cao mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã tiếp tục ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng Kinh Môn trở thành đô thị công nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm xanh - sạch - đẹp - văn minh, thân thiện với môi trường, xứng tầm là đô thị động lực phía đông bắc của tỉnh. Kinh Môn phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại III và đề nghị thành lập thành phố trước năm 2030.

NGUYỄN MINH HÙNG, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Kinh Môn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức vươn thị xã trẻ Kinh Môn