Tạm giãn tiến độ sáp nhập trường mầm non, phổ thông

02/07/2021 14:54

Sáng 2.7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp thường kỳ tháng 7 (Hội nghị lần thứ 28) để xem xét, cho ý kiến về một số đề án, phương án quy hoạch, dự án.


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Nâng cao chất lượng giáo dục sau sáp nhập

Phát biểu kết luận về  Đề án "Tổ chức sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh giai đoạn 2019-2021", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận kết quả sáp nhập các trường mầm non, phổ thông công lập cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, việc sáp nhập đã bộc lộ những hạn chế là chỉ giảm cơ học số lớp, số trường, cán bộ quản lý, cán bộ phục vụ, chưa nâng cao chất lượng một cách rõ rệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chỉ đạo tiếp tục triển khai đề án đến hết năm 2021, kiên định chủ trương tiến hành sáp nhập, sắp xếp làm giảm bớt đầu mối nhưng phải nâng cao chất lượng giáo dục rõ rệt. Các trường đã sáp nhập kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, tăng cường đoàn kết nội bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để đáp ứng quy mô trường mới, khắc phục những bất cập đặt ra. Các cấp, ngành quan tâm đầu tư để các điểm trường của trường sáp nhập có cơ sở vật chất tương đồng, tránh điểm trung tâm tốt hơn nơi khác.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian tới tạm giãn tiến độ sáp nhập trường mầm non, phổ thông do nguyên nhân khách quan về quy mô số lớp đã vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở vật chất không bảo đảm yêu cầu. Các trường THPT trong diện chuyển đổi mô hình tạm dừng để chờ hướng dẫn, quy định mới. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý đối với trường thuộc diện chờ sáp nhập. UBND tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư cho các trường sau sáp nhập để bảo đảm tiêu chí chuẩn quốc gia. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình biên chế giáo viên ở các cấp, bậc học chuẩn bị cho năm học mới; nghiên cứu cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư thành lập trường tư thục. Ngành giáo dục khẩn trương đánh giá kỹ từng trường liên cấp và việc thí điểm tự chủ một phần kinh phí đối với Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) để có phương hướng giải quyết hợp lý.


Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình thực hiện đề án Tổ chức sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh giai đoạn 2019-2021

Tính đến hết tháng 3.2021, toàn tỉnh đã giảm 97 trường, đạt tỷ lệ 11,19%. Trong đó, giảm 34 trường mầm non, 40 trường tiểu học, 33 trường THCS, 1 trường THPT, tăng 11 trường liên cấp tiểu học và THCS do sáp nhập liên cấp.

Xem xét quy hoạch vùng huyện Kim Thành

Phát biểu kết luận về phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Thành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá đồ án quy hoạch công phu, có nhiều đột phá để phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là kết nối giao thông đường thủy, đường bộ trong huyện với các khu vực kinh tế phát triển ở trong và ngoài tỉnh. Tập thể lãnh đạo huyện cần đánh giá rõ hơn tiềm năng, lợi thế, mạnh dạn chỉ ra các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng và cả tư duy, công tác lãnh đạo, điều hành. Huyện cần xác định công nghiệp là mũi nhọn dẫn dắt kinh tế - xã hội phát triển. Quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông cần có tư duy đột phá, mạnh dạn mở ra tuyến mới để tháo gỡ các nút thắt. Các tuyến đường trọng điểm là trục bắc - nam, đông - tây cần mở rộng tính kết nối với các vùng trong tỉnh và các quốc lộ để tạo sự liên thông, nhất là với TP Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, vận tải lớn của cả nước. Để làm được việc này, UBND tỉnh sớm có văn bản trao đổi, thống nhất với TP Hải Phòng để tạo sự thuận lợi trong việc kết nối.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu ý kiến về phương án quy hoạch vùng và dự án xây dựng nút giao thông lập thể

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất với phương án thành lập 5 phân khu chức năng, trong đó ưu tiên chú trọng phát triển về công nghiệp tại 2 vùng giáp với các khu công nghiệp Tràng Duệ (TP Hải Phòng), Kim Xuyên - Tuấn Việt. Huyện cần quan tâm quy hoạch một số cụm công nghiệp để đưa các doanh nghiệp nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư vào trong cụm. Công tác quy hoạch, phát triển nông nghiệp chú trọng vào những vùng, sản phẩm mang hiệu quả, giá trị cao. Các vùng sản xuất đặc hữu không được chuyển đổi mục đích sử dụng, giảm diện tích đất nông nghiệp ở vùng kém lợi thế. Công tác quy hoạch, phát triển các đô thị phải đồng bộ, hiện đại, cảnh quan đẹp, có quy mô đủ lớn, không xây dựng nhỏ lẻ. Đặc biệt, chú trọng phát triển các khu đô thị dịch vụ phục vụ cho các khu công nghiệp. Địa phương tiếp tục nghiên cứu phát triển, khai thác lợi thế của các dòng sông, quản lý chặt chẽ hoạt động bến bãi, quan tâm xây dựng các bến cảng, dịch vụ logistics; bố trí đất thỏa đáng cho các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, nhất là dành quỹ đất, có cơ chế để thu hút tư nhân vào đầu tư.


Lãnh đạo huyện Kim Thành trình bày về một số nội dung liên quan đến phương án quy hoạch vùng và dự án xây dựng nút giao lập thể

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhất trí với phương án dời vị trí xây dựng nút giao thông lập thể vượt quốc lộ 5 từ xã Cổ Dũng sang vị trí xã Kim Xuyên (Kim Thành); đồng ý giữ nguyên quy hoạch khu vực ở xã Cổ Dũng để đầu tư, xây dựng phát triển sau này. Thời gian tới, tỉnh và huyện sẽ dành nguồn ưu tiên để xây dựng nút giao lập thể và trục bắc - nam. Đặc biệt, huyện cần có phương án, kế hoạch chuẩn bị nguồn lực từ đấu giá khu vực hai bên trục đường bắc - nam...

Quy hoạch vùng huyện Kim Thành được lập trên phạm vi toàn bộ diện tích tự nhiên của địa phương sau khi điều chỉnh địa giới hành chính là 11.507 ha, với 1 thị trấn và 17 xã. Theo quy hoạch, đến năm 2030, huyện có 6 đô thị; dự kiến đất phát triển công nghiệp đến năm 2030 là 1.450 ha, năm 2050 là 1.960 ha. Nông nghiệp phát triển gắn với sản xuất, tạo đột phá theo hướng sản xuất an toàn, bền vững...

DT

(0) Bình luận
Tạm giãn tiến độ sáp nhập trường mầm non, phổ thông