Tấm huân chương của lòng biết ơn

28/02/2021 10:30

Tuần qua, nhiều người ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) và những người biết chuyện ông Chủ tịch xã Phan Thanh Miên cảm thấy xúc động khi ông được truy tặng Huân chương

Tấm huân chương của lòng biết ơn - Ảnh 1.

Ông Miên, cố Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch (đứng trước), cùng nhóm cán bộ xã đẩy ghe mang mì tôm đến cứu trợ người dân khi lũ dâng - Ảnh: L.T

Với những người dân Bắc Trạch, đây như là cái kết có hậu nhất mà họ đang mong chờ vì những tình cảm của ông Miên dành cho người dân. Và với họ, đây còn là tấm huân chương của lòng biết ơn.

Dầm mình giúp dân trong lũ

Ngôi nhà cấp 4 của ông Miên nằm sâu trong xóm nhỏ ở cuối thôn 4, xã Bắc Trạch hiện tại vẫn nghi ngút khói hương. Đã ba tháng trôi qua, nỗi đau của mọi người đã có phần nguôi ngoai nhưng những ấn tượng tốt đẹp về một vị Chủ tịch xã vì dân vẫn luôn hiện hữu.

Bà Phan Thị Xuân, trú thôn 4, xã Bắc Trạch nói mấy hôm nay bà và những người hàng xóm vẫn lui tới thắp hương cho ông Miên. Với những người như bà, một nén tâm nhang chính là lời tri ân với vị Chủ tịch xã tận tụy.

Bà Xuân đã ngoài 60 tuổi, đang nuôi 4 cháu nhỏ khi các con đang làm việc trong miền Nam, vẫn chưa quên thời điểm giữa tháng 10.2020 khi nước sông Gianh dâng vào nhà. 

"Mưa thì xối xả. Nước ngập từ ngoài vườn rồi bắt đầu dâng vào nhà. Tui thì già cả, các cháu nhỏ thì hoảng hốt. Đang chưa biết mần răng thì thấy chú Miên cùng một số cán bộ xã đẩy ghe tới trước ngõ. Cả 5 mệ (bà) cháu được đưa lên ghe ra tránh lũ tại trụ sở ủy ban xã" - bà Xuân nhớ lại.

Ông Phan Văn Đồng, Trưởng thôn 4 kể ngày lũ dâng, ông Miên cùng cán bộ xã đẩy ghe đi khắp các ngõ ngập nước. Trên ghe có sẵn mì tôm và nước uống. Cả nhóm cán bộ xã do ông Miên dẫn đầu mang mì tôm đến từng nhà để người dân có cái ăn khi nước lũ dâng. 

Sau đó, ông cùng anh em lại đẩy ghe đến những nhà ở vùng trũng thấp có người già cả, neo đơn để đưa từng người ra trụ sở ủy ban tránh lũ.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Trạch kể trước ngày lũ dâng, xã mượn được 2 thuyền thúng và một chiếc ghe rồi phân cho từng tổ đi cứu trợ lương thực và di tản dân ở vùng trũng thấp. 

Ông Miên đi cùng nhóm có chiếc ghe, nhưng khi lội nước chân ông va vào hàng rào bị xước nhẹ ở đầu gối. Nghĩ chỉ là vết xước nhẹ như bình thường nên ông Miên chỉ kịp về trạm xá băng bó tạm bợ, sau đó lại đẩy ghe đi cứu hộ tiếp.

"Ai ngờ vết thương bị nhiễm trùng rồi lan vào máu và không cứu được nữa", ông Vui lặng người đau xót.

Làm lãnh đạo xã thì việc dân trọng hơn việc nhà

Ba tháng kể từ ngày chồng mất, bà Nguyễn Thị Oanh (47 tuổi, vợ ông Miên) vẫn buồn rười rượi. Thi thoảng nhìn lên di ảnh chồng hay nhìn đứa con út tên Phan Hiền Nhi, mới học lớp 2, thì lại ứa nước mắt.

Bà Oanh kể ngày lũ dâng ông Miên chỉ kịp ghé nhà một lúc rồi đẩy ghe cùng nhóm cán bộ xã đi giúp dân. Ông chỉ kịp ngoái lại dặn vợ chịu khó lo dọn dẹp, kê đặt trong nhà vì đang có nhiều gia đình ở vùng thấp cần chính quyền đến hỗ trợ gấp trong lũ. Ông đi một mạch từ sáng đến tận tối hôm sau mới về.

Một hôm về nhà, thấy ông bắt đầu có sốt nhẹ từng cơn, bà Oanh thương chồng, dặn ở nhà nghỉ ngơi nhưng ông không chịu. Ông nói nước lũ vẫn đang cao nên không thể ở nhà được. Phải đến bốn ngày sau khi người sốt cao lắm ông Miên mới chịu đến Bệnh viện Bố Trạch điều trị. 

Sau đó, chuyển biến bệnh tình trở nặng nên ông được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Nhưng cho đến khi đưa tiếp vào Bệnh viện Trung ương Huế, gia đình mới biết ông bị nhiễm khuẩn withmore (loại khuẩn tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm).

Hai vợ chồng bà Oanh có ba đứa con. Hai người con gái lớn đang làm việc ở miền Nam. Ngày sốt cao nhập viện, ông Miên vẫn dặn vợ không cho con biết để con khỏi lo lắng. 

"Khi chuẩn bị vào Bệnh viện Trung ương Huế, lo mọi người trong cơ quan không kịp nhận lương, anh còn gọi kế toán mang tập hồ sơ đến, tay vừa ký vừa run", bà Oanh ứa nước mắt thương nhớ chồng.

Người Chủ tịch xã tận tụy

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư xã Bắc Trạch cho biết ông Miên mới giữ chức Chủ tịch xã được 3 tháng thì không may lâm bệnh rồi mất.

"Những ngày bình thường anh ấy lăn xả vào công việc và luôn dặn anh em lấy dân làm gốc. Ngày lũ thì anh ấy dầm mình cả mấy ngày nước lũ dâng để hỗ trợ người dân, bảo đảm không để ai thiếu ăn hay ở lại vùng nguy hiểm", ông Vui nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Tấm huân chương của lòng biết ơn