Xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, giá trị cao, thương hiệu mạnh

29/04/2021 14:33

Sáng 29.4, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị lần thứ 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng dự.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học-công nghệ báo cáo dự thảo Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng đề án cập nhật quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và các chủ trương mới của Trung ương về sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chỉ ra những hạn chế, thách thức, điểm nghẽn, cơ hội phát triển nông nghiệp tỉnh hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định định hướng phát triển nông nghiệp trong những năm tới là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cùng với bám sát định hướng, mục tiêu phát triển của Trung ương, của tỉnh, ngành nông nghiệp phải đặt ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Trong 5-10 năm tới phải xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù, giá trị cao, thương hiệu mạnh, lan tỏa trong thị trường trong và ngoài nước. Đề án phải có những giải pháp đột phá, trọng tâm, trọng điểm, nhất là tạo nguồn lực tài chính để thực hiện.

Các ngành, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương để xây dựng quy hoạch sản xuất, tạo ra các vùng chuyên canh. Quy hoạch các vùng sản xuất lớn để thu hút đầu tư, trong đó chú ý quy hoạch các vùng để phát triển nông nghiệp sinh thái. Tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất. Tập trung hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ mới về khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị nông sản Hải Dương.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cũng lưu ý phải đẩy mạnh số hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp cần gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Việc hỗ trợ phải thiết thực, dành nguồn lực hỗ trợ một số giải pháp tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... để nông nghiệp Hải Dương cất cánh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành.


Đại diện Ban Chỉ đạo trình bày dự thảo Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Dự thảo Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 thu nhập của cư dân nông thôn trong tỉnh tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân 3% mỗi năm; phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn; giá trị sản xuất mỗi ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 210 triệu đồng.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, giá trị cao, thương hiệu mạnh