Xử lý nghiêm việc làm chậm, vi phạm về giải ngân vốn đầu tư công

21/08/2020 14:46

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc sớm giải ngân các nguồn vốn còn lại của năm 2020 là động lực quan trọng trong tăng trưởng và khôi phục nền kinh tế.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Sáng 21.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương nhằm đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.  

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 8 tháng năm 2020, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện những tháng còn lại trong năm 2020. Theo đánh giá của bộ này, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp và thường có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Giải ngân nguồn vốn ODA chậm. 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương đã có văn bản đề nghị chuyển trả lại 6.338 tỷ đồng kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31.7 là 193.040 tỷ đồng, đạt gần 41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước giải ngân đến ngày 31.8.2020 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47%, trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch. Có 5 bộ, cơ quan quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; còn 15 bộ, cơ quan trung và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Còn có tình trạng dự án lớn, quan trọng quốc gia có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt thấp...


Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực trong công tác giải ngân VĐTC tại các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Chính phủ đã có nhiều giải pháp đưa ra để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã có cách làm mới đem lại hiệu quả giải ngân như: lãnh đạo tỉnh định kỳ kiểm tra, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn của từng công trình; điều chuyển vốn đầu tư, đưa ra chế tài mạnh đối với các dự án chậm giải ngân; đề nghị trả lại vốn khó giải ngân để Chính phủ điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng công tác giải ngân VĐTC thời gian qua vẫn còn có những hạn chế như: việc giao kế hoạch vốn còn bất cập, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân dẫn đến không phân bổ được hết vốn kế hoạch. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù. Quy trình, thủ tục đầu tư, thanh quyết toán còn phức tạp. Một số nơi cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm; vai trò của người đứng đầu chưa được đề cao…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2020 rất nặng nề. Việc sớm giải ngân các nguồn vốn còn lại là động lực quan trọng trong tăng trưởng và khôi phục nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm; rà soát, chấn chỉnh ngay và có biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp chỉ đạo giải ngân. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn theo kế hoạch giao. Tổ chức, cá nhân nào làm chậm, vi phạm phải xử lý nghiêm.

Thủ tướng đồng ý thành lập riêng các tổ công tác do lãnh đạo có thẩm quyền của địa phương, các bộ, ngành để trực tiếp xử lý, giải quyết vấn đề giải ngân đối với công trình, dự án quan trọng. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng phải bảo đảm chất lượng, khối lượng, tránh tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quá trình giải ngân VĐTC. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần kiểm tra, rà soát lại vốn kế hoạch giao chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương trong năm 2020, không để tồn đọng vốn không tiêu được. Các bộ, Văn phòng Chính phủ phải rà soát, không để hồ sơ giải ngân bị chậm trễ. Trường hợp không hoàn thành giải ngân theo tiến độ đề ra phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân có liên quan.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nghiêm việc làm chậm, vi phạm về giải ngân vốn đầu tư công