Ấn Độ trúng cử Hội đồng Bảo an giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc

18/06/2020 09:46

Ấn Độ sẽ đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữ ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2022.


Bàn họp hình móng ngựa của các nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã trở thành hình ảnh quen thuộc khi thế giới đối mặt với những vấn đề nóng. Ảnh: REUTERS

Theo Hãng thông tấn AFP, Ấn Độ đã giành được 184 phiếu ủng hộ từ 192 nước tham gia phiên bỏ phiếu ngày 17.6 (giờ Mỹ). Kết quả này đồng nghĩa New Delhi sẽ có một ghế cùng bàn với Bắc Kinh (Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an) chỉ vài ngày sau cuộc đụng độ chết người ở biên giới hai nước.

Mặc dù quyền hạn không bằng nước thường trực như Trung Quốc, nhưng vị trí ủy viên không thường trực cho phép Ấn Độ thảo luận và thể hiện quan điểm về các vấn đề quan trọng của quốc tế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ).

Tờ India Today cho biết đây là lần thứ 8 Ấn Độ trúng cử ghế ủy viên không thường trực của cơ quan quyền lực nhất LHQ. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã nhiều lần thúc giục mở rộng số thành viên thường trực của HĐBA cùng với một số cường quốc hạng trung khác nhưng không thành công.

Ngoài Ấn Độ, Mexico, Na Uy và Ireland cũng trúng cử vị trí ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2021-2022. Theo AFP, bất chấp chiến dịch vận động mạnh mẽ, Canada đã thua cuộc khi để mất ghế đại diện phương Tây vào tay Na Uy và Ireland.

Trong khi đó, các quốc gia châu Phi vẫn chưa có đại diện nào cho nhiệm kỳ 2021-2022. Djibouti và Kenya đều không nhận được số phiếu cần thiết nên sẽ phải bước vào bỏ phiếu vòng hai dự kiến diễn ra trong ngày 18.6 (giờ Mỹ).

Djibouti thuộc cộng đồng Pháp ngữ và Kenya, quốc gia nói tiếng Anh, đều tự nêu bật vai trò của mình trong việc tìm kiếm hòa bình ở vùng Sừng châu Phi. Djibouti là nơi có các căn cứ của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp với khoảng cách giữa những nơi này chỉ vài chục kilomet.

Theo AFP, lo sợ gian lận hoặc thao túng kết quả, Đại hội đồng LHQ đã quyết định không lựa chọn ủy viên không thường trực bằng phiếu bầu điện tử. Thay vào đó, đại diện các nước thành viên sẽ lần lượt bỏ phiếu kín trực tiếp tại phòng họp Đại hội đồng.

Để trúng cử, mỗi ứng viên cần giành được tối thiếu 128/192 sự ủng hộ của các nước thành viên. HĐBA LHQ có tổng cộng 15 nước, bao gồm 5 nước thường trực có quyền phủ quyết là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ trúng cử Hội đồng Bảo an giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc