Bầu cử Myanmar: Đảng của bà Aung San Suu Kyi tuyên bố chiến thắng

10/11/2020 08:45

37 triệu cử tri Myanmar đi bầu cử và ưu thế thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền do Cố vấn Cấp cao Nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Cuộc bầu cử diễn ra hôm 8.11 đã kết thúc với tuyên bố chiến thắng thuộc của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền do Cố vấn Cấp cao Nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Monywa Aung Shin, người phát ngôn của Ủy ban thông tin đảng NLD, cho biết: “Bây giờ tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đang đảm bảo hơn 322 ghế. Có 642 ghế trong Quốc hội. Chúng tôi đã đặt mục tiêu đảm bảo tổng cộng 377 ghế. Nhưng có thể (kết quả) còn hơn thế nữa”, Monywa Aung Shin nói.

Việc đảng NLD cầm quyền chiếm ưu thế đã được dự báo từ trước do vẫn nhận được sự ủng hộ lớn của cử tri. Theo quy định, để duy trì thế đa số trong quốc hội, NLD phải giành được 2/3 số ghế cạnh tranh ở cả 2 viện, trong khi 1/4 số ghế đã được dành cho quân đội Myanmar.


Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền do Cố vấn Cấp cao Nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo giành chiến thắng bầu cử Myanmar năm 2020

Với kết quả này, đảng NLD cầm quyền do Cố vấn Cấp cao Nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo sẽ tiếp tục nắm quyền ở Myanmar trong vòng 5 năm tới.

Năm nay là lần thứ 3 tổng tuyển cử diễn ra theo Hiến pháp năm 2008 của Myanmar. Các cuộc tổng tuyển cử, được tổ chức 5 năm một lần, sẽ chọn ra đại diện cho nhiệm kỳ tiếp theo của quốc hội, bầu Tổng thống, hai Phó Tổng thống và hình thành một nhiệm kỳ chính phủ mới.

Theo Hiến pháp năm 2008, bên cạnh các đại biểu được bầu, quân đội sở hữu 25% số ghế nghị viện không được bầu ở mỗi cấp của cơ quan lập pháp do Tổng Tư lệnh Bộ Quốc phòng trực tiếp đề cử.

Trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2015, đảng NLD cầm quyền đã giành được số ghế quốc hội tuyệt đối và điều hành chính phủ từ năm 2016. Nhiệm kỳ 5 năm của đảng NLD đương nhiệm sẽ kết thúc vào tháng 3.2021.

Bầu cử năm nay là phép thử đổi với NLD và bà Aung San Suu Kyi - Ngoại trưởng và Cố vấn Nhà nước. Sau khi NLD giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, tiến trình hòa bình và hòa giải nhằm chấm dứt xung đột tại Myanmar được xem là ưu tiên hàng đầu đối với bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD.

Thời gian qua, vai trò của bà Aung San Suu Kyi trong tiến trình hòa bình cũng ngày càng rõ nét. Aung San Suu Kyi vừa là người khởi xướng Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21, vừa là Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp đối thoại hòa bình liên bang (UPDJC) - cơ quan gồm đại diện chính phủ, các nhóm vũ trang sắc tộc, đảng phái chính trị, chịu trách nhiệm kiến tạo các cuộc đối thoại hòa bình.

Cuộc bầu cử năm nay tại Myanmar diễn ra trong bối cảnh nước này đang đối mặt với sự bùng phát dịch COVID-19. Theo Bộ Y tế Myanmar, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới gần 60.000 trường hợp và đã có hơn 1.000 người chết.

Đây không phải là một con số quá lớn so với các quốc gia như Mỹ hay châu Âu tuy nhiên với một đất nước bị đánh giá là y tế còn chậm phát triển như Myanmar thì đó là một điều đáng báo động.

Theo VTC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bầu cử Myanmar: Đảng của bà Aung San Suu Kyi tuyên bố chiến thắng