Báu vật khảo cổ Việt Nam: Lịch sử trên con tàu đắm

22/04/2018 16:35

Từ thế kỷ XIV, Việt Nam đã là trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gốm của khu vực châu Á và cũng sớm tham gia vào con đường gốm sứ trên biển của thế giới.

Đầu thập kỷ 90, ngư dân vùng biển Hội An (Quảng Nam) đã phát hiện một con tàu cổ chở đầy đồ gốm Việt Nam bị đắm ở ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm khoảng 20 km về phía Đông. Những đồ gốm cổ bị dính theo lưới được mang về bày bán ở các quầy hàng lưu niệm ở phố cổ ở Hội An.

Báu vật trên con tàu cổ

Do vẻ đẹp và niên đại cổ kính, chúng ngay lập tức đã tạo nên cơn sốt đồ cổ ở đây. Điều đó càng kích thích ngư dân đi vớt đồ gốm của con tàu và vô tình tàn phá con tàu nghiêm trọng. Nhiều lưới quét đặc chủng dài hàng ngàn mét để cào quét đồ gốm từ độ sâu 70 m khiến hàng vạn đồ gốm bị vỡ nát. Hàng ngàn di vật quý rơi vào tay những người buôn đồ cổ và vượt biên giới lưu lạc khắp nơi.

Cuộc khai quật con tàu đắm kéo dài suốt 4 năm, từ năm 1997 đến năm 2000 đã thu được hơn 240.000 di vật, chủ yếu là gốm Việt Nam thế kỷ XV. Các đồ gốm này thuộc nhiều dòng gốm như gốm hoa lam, gốm vẽ nhiều màu, gốm men xanh ngọc, gốm men xanh dương sẫm, gốm men trắng, gốm men trắng mỏng văn in, gốm men nâu, gốm sành. Các nhà khảo cổ đã phân loại chúng thành 18 loại hình chính và hơn 100 loại phụ căn cứ vào kích thước và công năng sử dụng. Trong các loại hình này, loại lớn nhất cao 56,8 cm, đường kính miệng 24 cm; loại rất nhỏ chỉ cao 2,7 cm.

Báu vật khảo cổ Việt Nam: Lịch sử trên con tàu đắm - Ảnh 1.

Báu vật khảo cổ Việt Nam: Lịch sử trên con tàu đắm - Ảnh 2.

Đĩa gốm vẽ xanh trắng mang biểu tượng linh vật và ấm đựng rượu được tìm thấy trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Hà Đặng

Hoa văn trên gốm được PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam miêu tả là cực kỳ phong phú gồm các đề tài về con người, động vật, hoa, phong cảnh hay nhà cửa, đền đài. Mỗi loại đề tài lại được thể hiện nhiều kiểu, nhiều tư thế, nhiều đồ án biến ảo tạo nên sự phong phú đa dạng chưa từng thấy.

Trung tâm xuất khẩu gốm sứ

Ông Ngô Thế Bách, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long khi đánh giá về đồ gốm thương mại thế kỷ XIV - XVII đã cho rằng Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia ở châu Á có truyền thống sản xuất đồ gốm sứ lâu đời và nổi tiếng. Việt Nam cũng đồng thời là một trong 3 quốc gia (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản) có nền xuất khẩu đồ gốm sứ phát triển mạnh.

Nghề gốm ở Việt Nam đã có cách ngày nay hàng chục ngàn năm nhưng đồ gốm men chính thức ra đời từ những năm đầu Công nguyên. Từ thời Lý trở đi, việc chế tạo đồ gốm sứ Việt Nam không ngừng phát triển và có bước tiến vượt bậc trong công nghệ sản xuất, loại hình sản phẩm và nghệ thuật trang trí hoa văn. Các nghiên cứu cho thấy thế kỷ XIV - XV, nghề gốm Việt Nam đã có bước phát triển mạnh không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Nhiều trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu mới ra đời và phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ. Thời kỳ này có rất nhiều làng gốm chuyên làm đồ gốm men; riêng ở Hải Dương có 7 làng là Chu Đậu, Mỹ Xá (huyện Nam Sách), Ngói, Cậy, Láo, Bá Thủy, Hợp Lễ (huyện Bình Giang). Trung tâm gốm Bát Tràng (Hà Nội) cũng phát triển khá phồn thịnh trong giai đoạn này.

PGS Tống Trung Tín cho biết khi đem so sánh số đồ gốm Việt Nam trên con tàu cổ ở Cù Lao Chàm với những đồ gốm phát hiện ở trên đất liền thì nhìn chung đa số đều tương tự như các loại hình đã tìm thấy ở các lò gốm cổ thuộc Hải Dương.

Dưới thời nhà Trần (1226 - 1400), quan hệ giao thương giữa Đại Việt với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Đông Á rất mật thiết. Việc giao thương buôn bán dưới thời Trần còn cho phép thuyền buôn Trung Quốc vào cập bến sông ở phường Yên Hoa của Thăng Long.

Thư tịch cổ và các ký sự đương thời đã cho thấy thế kỷ XV mạng lưới thương mại ở Đông Nam Á được mở rộng từ Malacca tới khu bờ biển Bắc Java với sự tham gia tích cực của các thương nhân Hồi giáo tại các hải đảo.

Tư liệu thư tịch cổ Việt Nam cũng xác nhận trong thế kỷ XIV - XV, thuyền buôn của nhiều nước Đông Nam Á thường đến các thương cảng ở Bắc Bộ Việt Nam để buôn bán, trao đổi bạch đàn, trân châu và hương liệu. Ông Ngô Thế Bách cho rằng mặc dù những ghi chép này không nói đến mặt hàng gốm nhưng số lượng đáng kể đồ gốm tìm thấy trong nhiều di tích bến bãi ở Việt Nam như khu vực thương cảng Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hội Thống (Nghệ An)... cũng đã xác nhận chắc chắn về những mặt hàng gốm Việt Nam xuất khẩu trong thời kỳ này. 

Con đường gốm sứ trên biển

Cuộc phát hiện và khai quật khảo cổ học dưới nước con tàu đắm Cù Lao Chàm được cho là minh chứng sinh động về sự tham gia của Việt Nam vào con đường gốm sứ trên biển. Theo PGS Tống Trung Tín, với hàng trăm ngàn hiện vật trục vớt được từ con tàu đắm (được cho là do người Xiêm chế tạo, hoạt động trên tuyến đường thủy từ kinh đô Ayutthaya - Thái Lan đến Đông Kinh - Nhật Bản) ở Cù Lao Chàm có thể khẳng định gốm là mặt hàng sản xuất và xuất khẩu quan trọng một thời của người Việt cổ.

Còn ông Ngô Thế Bách đánh giá những cổ vật được phát hiện đã phác họa sinh động về bối cảnh giao lưu thương mại của đồ gốm, gợi mở về cuộc hành trình của những chuyến hàng và mạng lưới tiêu thụ đồ gốm Việt Nam. Qua đó minh chứng đồ gốm Việt Nam là mặt hàng không thể thiếu trong giao lưu thương mại châu Á và có những đóng góp quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đồ gốm như là giấy thông hành, là nhịp cầu nối giữa các nền văn hóa.

Những phát hiện ngày càng nhiều về đồ gốm Việt Nam tại các di tích khảo cổ học ở lục địa, hải đảo và các di chỉ tàu đắm đã giúp chúng ta tái tạo bối cảnh lịch sử và dòng chảy xuất khẩu của gốm Việt Nam qua con đường thương mại biển quốc tế.

YẾN ANH (Người lao động)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báu vật khảo cổ Việt Nam: Lịch sử trên con tàu đắm