Công viên làng - khôi phục nét văn hóa đặc trưng

14/01/2020 13:21

Sau khi được cải tạo, diện mạo không ít khu vực công cộng ở các làng quê trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Nhiều nơi không khác gì công viên, thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, thư giãn.

Công viên thôn An Rặc, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) thu hút nhiều người dân đến nghỉ ngơi, thư giãn

Chung sức xây dựng

Cây đa, giếng nước, sân đình vốn là những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn Việt Nam từ bao đời nay. Thế nhưng do thay đổi trong sinh hoạt nên những công trình đó dần mai một. Có một thời gian, nhiều làng quê ở vùng nông thôn đã lấp giếng làng. Nhiều ao công cộng cũng bị lấp, cuộc sống ở làng quê trở nên bức bối, nhất là vào những ngày hè...

Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới và muốn khôi phục những nét văn hóa truyền thống, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đã vận động nhân dân trong thôn đóng góp, con em xa quê ủng hộ để khôi phục các công trình này. Sau khi khôi phục, các công trình đã trở thành nơi vui chơi, giải trí cho người dân, góp phần tô đẹp thêm các làng quê.

Trước đây, người dân thả cá trong ao khu trung tâm thôn An Rặc, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) nên nước ao bẩn, có mùi tanh, nhiều bèo, không gian xung quanh chật hẹp. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn đã cải tạo lại thành ao bơi hợp vệ sinh và là nơi vui chơi, giải trí của thôn. Bờ ao được xây dựng lại, có hệ thống lấy nước vào. Cống rãnh thu gom nước mưa, nước thải sinh hoạt của người dân được thu gom riêng, không đổ trực tiếp ra ao như trước đây. Xung quanh bờ ao được lát gạch, có các ô trồng cây xanh, mỗi ô đặt 2 chiếc ghế đá...

Chỉ sau một thời gian ngắn, nguồn nước ao đã trong xanh trở lại, không gian xung quanh trở nên thoáng đãng, sạch sẽ. Kinh phí để xây dựng ao bơi thôn An Rặc trên 900 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại nhân dân trong thôn, con em xa quê tự nguyện ủng hộ. Ông Vũ Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Rặc cho biết: "Người dân đồng thuận cao nên khi triển khai thực hiện, nhà nào cũng vui vẻ đóng góp công sức, tiền của để hoàn thành công trình. So với trước đây, khu này bây giờ khang trang, sạch sẽ hơn rất nhiều".

Phong trào tôn tạo, khôi phục các công trình công cộng lan tỏa rộng rãi, được nhiều thôn, làng trong tỉnh hưởng ứng. Ông Vũ Xuân Mạnh, Trưởng thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cho biết: "Giếng làng trước đây vốn là nơi lấy nước ăn của các gia đình trong thôn. Điều kiện kinh tế phát triển, người dân chuyển sang sử dụng nước máy nên giếng làng đã bị lãng quên. Theo nguyện vọng của nhiều người dân trong thôn cũng như con em xa quê, chúng tôi đã vận động bà con đóng góp kinh phí cải tạo lại giếng làng và lắp đặt ghế xung quanh với tổng kinh phí xây dựng 200 triệu đồng".

Trước đây, khu ao trung tâm thôn Lạc Dục được UBND xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho người dân thuê thả cá. Mặc dù người dân đã chủ động cải tạo, đặt một số ghế đá xung quanh ao làm nơi ngồi thư giãn nhưng quy mô còn nhỏ hẹp. Để nơi đây thật sự trở thành công viên, làm nơi vui chơi cho người dân, UBND xã Hưng Đạo không cho thuê thả cá nữa.

Địa phương đang san lấp một phần ao để lấy diện tích xây dựng thêm bồn hoa, vòi phun nước, lát gạch xung quanh bờ ao, đặt thêm ghế đá và trồng cây xanh... Nước trong ao cũng sẽ được cải tạo để vừa làm ao bơi cho các cháu thiếu niên vào mùa hè, vừa làm nơi tổ chức các hoạt động thi bơi thuyền, hát quan họ... Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1 tỷ đồng sẽ được địa phương vận động nhân dân đóng góp và con em xa quê ủng hộ.

Tình làng, nghĩa xóm gắn kết

Sau khi được cải tạo, những công viên làng đã thực sự trở thành nơi thu hút đông đảo người dân đến luyện tập, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiều năm trước đây, thôn Đồng Đội, xã Thống Kênh (Gia Lộc) đã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ để khôi phục giếng làng, làm sân chơi, tạo thành khu vực công cộng tiêu biểu của xã.

Ông Vũ Xuân Kiêm, Chủ tịch UBND xã Thống Kênh cho biết: "Các buổi sáng, buổi chiều, khu vực công cộng của thôn Đồng Đội thu hút rất nhiều phụ nữ và trẻ em đến tập thể dục, dân vũ, chơi bóng chuyền hơi. Buổi tối có nhiều thanh niên đến vui chơi. Nơi đây không chỉ thu hút người trong thôn Đồng Đội mà còn trở thành điểm vui chơi công cộng của cả xã Thống Kênh".

Nhà gần giếng làng nên chiều chiều, ông Vũ Xuân Sĩ, thôn Kim Đôi (Cẩm Hoàng) thường ra đây ngồi chơi, ngắm cảnh, thư giãn. Ông còn thường xuyên dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu vực giếng.

Ông Sĩ cho biết: "Mặc dù giếng không còn được sử dụng để lấy nước ăn như trước đây nhưng chúng tôi rất ủng hộ việc khôi phục giếng. Với người lớn tuổi, nhìn thấy hình ảnh cây đa, giếng nước là cảm nhận được sự yên ả, thanh bình của làng quê. Không chỉ tôi mà nhiều người dân trong thôn cũng thường xuyên ra đây ngồi nghỉ ngơi nói chuyện. Nhiều câu chuyện về gia đình, làng xóm được chia sẻ đã làm cho tình làng, nghĩa xóm được gắn kết hơn".

Trong khi đất đai ở các làng quê ngày càng chật hẹp thì việc khôi phục và xây dựng các khu vực công cộng thành các điểm vui chơi, giải trí cho người dân càng có ý nghĩa. Các công trình không chỉ giúp cho diện mạo nông thôn thêm khang trang, sạch đẹp mà còn thể hiện sự quan tâm, chú trọng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân như mục tiêu xây dựng nông thôn mới đề ra. 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công viên làng - khôi phục nét văn hóa đặc trưng