Người gây dựng nghệ thuật múa lân sư rồng

26/01/2020 23:08

Múa lân sư rồng là nét văn hóa độc đáo trong dịp Tết đến xuân về.

Anh Toàn truyền dạy nghệ thuật múa lân sư rồng cho học trò

Yêu thích võ cổ truyền và nghệ thuật múa lân sư rồng, hơn 2 thập kỷ qua, võ sư Nguyễn Xuân Anh Toàn đã miệt mài rèn luyện, truyền dạy nghệ thuật này cho hàng trăm học trò.

Say mê vốn cổ

Là thầy dạy võ từ năm 1991 nhưng anh Nguyễn Xuân Anh Toàn (sinh năm 1974, ở phường Trần Phú, TP Hải Dương) từng được nhiều người nhớ đến hơn với vai trò là thầy dạy múa lân sư rồng (LSR). Đam mê võ thuật từ nhỏ, anh Toàn từng đi nhiều nơi để học võ thuật cổ truyền.

Chính tình yêu võ thuật khiến anh Toàn bén duyên với nghệ thuật múa LSR. Nhận thấy từ xưa đến nay, các võ đường lớn là nơi sinh ra nhiều đội múa LSR chuyên nghiệp, anh Toàn đã hình thành ý tưởng thành lập đội múa LSR từ chính lớp dạy võ của mình. 

Năm 1996, anh Toàn đang làm bảo vệ ở Trường Tiểu học Bạch Đằng (nay là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) với thu nhập 120.000 đồng/tháng, cuộc sống chật vật. Tuy nhiên, anh đã quyết tâm đầu tư 750.000 đồng - số tiền bằng nửa năm thu nhập - để mua một đầu lân làm bằng giấy bồi, tre nứa và vải màn.

Anh cũng tự tay làm ông sao cao 2 m để đoàn múa lân kết hợp rước đèn, tạo không khí Trung thu cho trẻ em. Không có tiền đầu tư dàn âm thanh chuyên nghiệp, anh Toàn mượn trống của nhà trường để mang đi múa lân. 

Trước Trung thu hơn 1 tháng, anh Toàn tự tập và dạy học trò những động tác khó như tung người nhảy lên cao, kiệu nhau... thể hiện chuyển động khi mạnh mẽ, lúc nhịp nhàng của con lân.

Các động tác này đều được anh tự học hỏi trong những băng hình anh đặt mua từ miền Nam về. Vì vậy, đến đêm Trung thu, màn múa LSR do các võ sinh của anh thể hiện đã để lại ấn tượng mạnh.

Bởi màn múa lân đó có nhiều động tác khó, tại tỉnh ta từ trước đến nay chưa ai biểu diễn, thay thế cho những điệu múa truyền thống chỉ đơn giản di chuyển, rung lắc con lân. Từ đó, đội LSR Toàn Anh Đường ra đời, nhận được nhiều lời mời đi biểu diễn các dịp Trung thu, Tết cổ truyền, đám cưới, khai trương, hội chợ... 

Đến năm 1999, võ phái Thiếu lâm Trung Sơn Hải Dương chính thức ra mắt công chúng trong chương trình biểu diễn võ thuật do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Phái võ ra đời mang tâm huyết của người thủ lĩnh là anh Toàn. Trong năm này anh cũng được sở cử đi tập huấn trọng tài quốc gia về LSR. Anh được đào tạo về nghệ thuật múa LSR với các kỹ thuật khó, cách dựng bài múa chuyên nghiệp. Sau đó, anh đem những kiến thức ấy áp dụng ngay trong thực tế.

Có lần khách đặt múa rồng ở hội chợ, đội LSR Toàn Anh Đường lúc đó không có rồng và chưa thực hiện tiết mục này bao giờ nhưng anh Toàn vẫn quyết tâm nhận show. Để có màn biểu diễn thành công, anh đã đi mua 9 cây cọc gỗ cao 1,5 m và 18 m dây thừng, buộc dây thừng vào cọc gỗ để cho học sinh luyện tập.

Căn cứ vào những kiến thức đã được truyền dạy, anh hướng dẫn học sinh từng vị trí đứng, cách chuyển động sao cho đồng bộ, tạo cho con rồng những chuyển động uyển chuyển. Buổi biểu diễn thành công, thay vì nhận thù lao 2triệu đồng như cam kết, anh Toàn đề nghị nhận lại rồng của đơn vị tổ chức.

Cách đây khoảng 3-4 năm, anh Toàn đã được Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là trọng tài quốc gia bộ môn LSR, là trọng tài quốc gia duy nhất về môn này tại tỉnh ta. Từ đây, anh Toàn tham gia chấm nhiều giải LSR quốc gia, quốc tế.

Nhiệt huyết truyền nghề

Đến năm 1998, mức thu nhập đã tăng lên 210.000 đồng/tháng, anh Toàn vẫn phải nhận thêm việc lao công ở trường học với thu nhập 50.000 đồng/tháng mới đủ sống. Dù vậy, anh vẫn dạy võ và múa LSR miễn phí. “Tôi muốn lan tỏa vẻ đẹp của võ thuật và nghệ thuật múa LSR cổ truyền trong cộng đồng”, anh Toàn chia sẻ. 

Nhiều năm nay, anh Toàn miệt mài truyền dạy những kỹ thuật múa LSR nâng cao cho học trò như lộn người ra sau, hai người kẹp vào nhau để xoay, lộn, lăn tròn…

Anh Phạm Việt Anh, thành viên trong đội LSR Toàn Anh Đường cho biết: “Chỉ một động tác kết hợp đôi như nhảy lên đùi, nhảy lên vai, thầy yêu cầu tôi và các bạn luyện tập nhiều tháng trời đến khi thành thạo.

Bởi động tác này tương đối khó, nếu luyện tập không cẩn thận dễ dẫn đến chấn thương”. Khổ công tập luyện nên năm 2018, đội LSR Toàn Anh Đường đã đoạt huy chương vàng nội dung thi múa lân địa bửu trong Hội thi võ thuật cổ truyền Hà Nội mở rộng.

Ngoài phát triển võ phái Thiếu lâm Trung Sơn Hải Dương, anh Toàn cũng mở rộng hoạt động của đội múa LSR Toàn Anh Đường. Đến nay, võ phái đã được truyền dạy tại 12 huyện, thị xã, thành phố với gần 1.000 người tham gia tập luyện, trong đó có gần 100 võ sinh biểu diễn múa LSR. Nhiều võ sinh được anh Toàn dạy võ và nghệ thuật múa LSR đã tự thành lập các đội múa LSR như Trần Sư Đường, Cẩm Đình Đường, Phúc Hưng Đường...

Đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của nghệ thuật múa LSR tại Hải Dương, võ sư Nguyễn Xuân Anh Toàn đã góp phần giữ gìn tinh hoa võ thuật, bảo tồn những điệu múa cổ và nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người gây dựng nghệ thuật múa lân sư rồng