Nỗi lo Myanmar bị cô lập

05/03/2021 09:42

Hơn một tháng từ sự kiện chính biến ngày 1.2, số lượng người Myanmar xuống đường chưa bao giờ vơi. Họ yêu cầu thả các lãnh đạo dân sự vô điều kiện.

Nỗi lo Myanmar bị cô lập - Ảnh 1.

Cảnh sát đứng trên đường ở Mandalay, Myanmar khi người dân tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối đảo chính quân sự hôm 3.3 - Ảnh: REUTERS

Quân đội càng tiến hành bắt giữ nhiều người biểu tình ôn hòa thì càng nhiều người đứng lên phản đối chính biến hơn.

Nhưng căng thẳng này cũng kéo theo hậu quả khi các lãnh đạo quân đội bắt đầu đàn áp người biểu tình, đồng thời nặng tay hơn trong việc bắt giữ và buộc tội. Càng lúc các cuộc trấn áp càng bạo lực, khi hơn 50 người đã chết do quân đội và nhiều nguyên nhân khác. Lực lượng an ninh của quân đội đã dùng đạn thật bắn vào người dân không vũ trang, và chỉ trong ngày 3.3 đã có ít nhất 38 người thiệt mạng.

Tình hình này kéo theo một diễn biến đáng lo ngại, đó là Myanmar dường như đang tiến vào kết cục bị cô lập một lần nữa, khiến người dân chúng tôi rất lo lắng. Đặc sứ của Liên hợp quốc tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, tuần này đã cảnh báo rằng câu chuyện ở Myanmar đang thách thức "sự ổn định của khu vực" và có thể dẫn tới "một cuộc chiến tranh thực sự". Bà Burgener ngoài ra cũng nhấn mạnh sẽ có những biện pháp mạnh tay với các lãnh đạo quân đội.

Tình hình sẽ khó lắng dịu khi người biểu tình Myanmar kiên quyết không bỏ cuộc và sợ hãi với viễn cảnh quay lại thời kỳ cô lập trước đây. Nỗi lo này có cơ sở vì trên bình diện quốc tế, Myanmar nhiều khả năng phải chịu thêm trừng phạt và dẫn tới hậu quả là các nước Đông Nam Á sẽ rất khó để xử lý mối quan hệ với Myanmar khi quân đội còn nắm quyền.

Thực tế việc giao hảo với quân đội Myanmar có thể là bước đi mạo hiểm cho các nước khác, vì người dân Myanmar nói chung, cũng như người biểu tình nói riêng, bắt đầu lo ngại về việc tiêu thụ sản phẩm bị gắn mác "ủng hộ chế độ quân sự". Ví dụ điển hình là hiện nay một nhà mạng nước ngoài đang gặp khó khăn chỉ vì bị cho có quan hệ với quân đội Myanmar, nên dù vốn dĩ không phổ biến mấy họ cũng bị người dân tẩy chay. Những ngày này người Myanmar đang cố tìm ra đâu là những doanh nghiệp có quan hệ với quân đội, và dù doanh nghiệp đó tới từ Trung Quốc, Singapore, Thái Lan hay Việt Nam, tất cả đều là mục tiêu trừng phạt của người dùng mạng xã hội Myanmar.

Không như những nơi khác, Myanmar đã trải qua thời gian dài khoảng 4 thập niên dưới sự cai trị của chính quyền quân đội. Điều người dân Myanmar cần là những người bạn tốt, những người dành sự lưu tâm cho bình đẳng, quyền hạn của người dân, phù hợp với các chuẩn mực dân chủ quốc tế.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo Myanmar bị cô lập