Xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Đông

06/10/2019 10:20

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, bố trí, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa

Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ trên địa bàn tỉnh để phát triển văn hóa, xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa và phong cách con người xứ Đông

Công tác tuyên truyền Nghị quyết 33 được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, cụ thể: 1) Các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã mở chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng tin, bài về việc quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Nghị quyết. 2) Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết, Chương trình hành động của tỉnh tới đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. 3) Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của xây dựng văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đưa tiêu chí văn hóa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị, công sở văn minh.

Hình thức tuyên truyền khá đa dạng, phong phú như lồng ghép trong hội nghị báo cáo viên các cấp, hội nghị giao ban, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, tổ chức tập huấn, hội thảo, hội thi, các tài liệu, ấn phẩm, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền lưu động, qua hệ thống truyền thanh, hệ thống trực quan panô, tranh cổ động... tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, con người Hải Dương phát triển toàn diện.

Các cấp ủy, chính quyền, các địa phương, đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 33 và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ về yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người mới, phát huy giá trị văn hóa truyền thống xứ Đông văn hiến. Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đã nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tập trung chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm, qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng nét văn hóa và phong cách con người xứ Đông - Hải Dương theo hướng phát triển toàn diện: Có ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; sống có đạo đức, nhân cách và đời sống văn hoá lành mạnh; có trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân; có tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Cùng với đó, công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, hành vi tiêu cực ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa, làm tha hóa con người được các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ, với các giải pháp khắc phục những hạn chế trong xây dựng văn hóa, con người; gắn kết chặt chẽ với quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW về “Chống xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” và Thông báo kết luận số 213 -TB/TW về “Đề án đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”.

Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 33 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện thông qua các phong trào, các cuộc vận động là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trong đó, tập trung xây dựng cộng đồng văn hóa, cơ quan văn hóa, trường học văn hóa, tạo nên môi trường văn hóa thuận lợi để giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống; gắn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tổ chức tốt ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở 100% các thôn, khu dân cư gắn với biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu…

Đến nay, toàn tỉnh có 495.523/560.844 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 88,6%); 1.330/1.425 làng, khu dân cư được công nhận là làng, khu dân cư văn hoá (đạt 93,4%); 1.509/1.850 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa (đạt 81,6%).

Các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng, khu dân cư văn hoá, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã góp phần tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, làm cho kinh tế phát triển bền vững.

Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được cấp uỷ, chính quyền quan tâm. Việc triển khai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các làng, khu dân cư đã đưa việc tang thành điều khoản trong quy ước của thôn, khu dân cư và tổ chức thực hiện; việc lựa chọn hỏa táng ngày càng được phổ biến. Nhiều địa phương đã tập trung quy hoạch nghĩa trang theo đúng quy định của UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Toàn tỉnh có 12/12 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 248/264 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã;1.419/1.425 nhà văn hóa, sân thể thao thôn, khu dân cư; 1 thư viện tổng hợp cấp tỉnh; 12/12 thư viện cấp huyện; 1 Bảo tàng tỉnh; ngoài ra còn có các sân bóng đá, sân cầu lông, bể bơi, thư viện tư nhân... (do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư) cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, vui chơi, giải trí cho người dân trong tỉnh.

Nhiều công trình, di tích lịch sử văn hoá và cách mạng tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, xây dựng đã và đang phát huy giá trị, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa dân tộc và là điểm du lịch hấp dẫn du khách, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân cả nước và trong tỉnh. Hằng năm, nhân dân trong tỉnh đã tổ chức khôi phục 725 lễ hội truyền thống, duy trì 35 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng trên 2 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về tham quan, nghiên cứu và tham dự. Nhiều lễ hội truyền thống ở Hải Dương đã khôi phục được các tục và trò chơi dân gian đặc sắc, gắn với hoạt động văn nghệ quần chúng, tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Việc phát huy các giá trị tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được đẩy mạnh; các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia các phong trào xây dựng “đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “làng - khu dân cư văn hóa”, “phong trào đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói, giảm nghèo, từ thiện nhân đạo”; vận động đồng bào, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hằng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, bố trí, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Chất lượng và hiệu quả phục vụ của hệ thống thư viện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã được nâng cao, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Hiệu quả hoạt động của các nhà văn hoá, trung tâm văn hoá cấp xã ngày càng được nâng cao, đây là nơi sinh hoạt của 1.332 đội văn nghệ quần chúng và 4682 câu lạc bộ sở thích trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế

Gắn thực hiện Nghị quyết 33 với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 29-KH/TU, đưa nội dung học tập và làm theo Bác là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, trách nhiệm với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo đức là cốt lõi của văn hóa, bởi đức là gốc, cho nên, thực hành đạo đức cách mạng là thực hành văn hóa. Việc gắn học tập và làm theo Bác với xây dựng và phát triển văn hóa, con người chính là góp phần làm cho tài năng của mỗi người, của đội ngũ cán bộ, đảng viên được phát huy, được sử dụng vào mục đích cao quý nhất, với động cơ trong sáng nhất, đó là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân đân phục vụ.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, thành nền nếp, với 100% các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh thực hiện xong việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các chuẩn mực bảo đảm sát với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn có tính đặc thù của cơ quan, đơn vị; đã được cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch đăng ký, làm theo sát với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Việc xây dựng nền nếp văn hóa, văn minh trong tổ chức Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể được quan tâm, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được học tập những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bản sắc văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc; đề cao tự phê bình và phê bình gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn và khắc phục ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.  

Việc xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân, phát triển các thương hiệu hàng hoá, dịch vụ với ý thức tôn trọng pháp luật, coi trọng chữ “tín”, cạnh tranh lành mạnh, khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa xứ Đông; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá những sản phẩm văn hóa đặc sắc của người Hải Dương với bạn bè trong và ngoài nước (tiêu biểu như Lễ hội Văn hóa xứ Đông chào đón năm mới 2019; Lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc; Ngày hội vải thiều...) được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ quần chúng luôn được quan tâm đầu tư, trung bình mỗi năm có từ 2.200 - 2.500 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Các hội thi thông tin cổ động, hội diễn sân khấu không chuyên, liên hoan nghệ thuật rối nước, xiếc được duy trì tổ chức 2 năm một lần. Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, ổn định, các thư viện, tủ sách xã, thôn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc sách, phục vụ nghiên cứu, học tập và giải trí của nhân dân. Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng được duy trì, hằng năm đã thực hiện 684 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền cho các ngày lễ lớn, các đợt sinh hoạt chính trị trọng đại của đất nước và của tỉnh ở cơ sở, số người xem đạt trên 200.000 lượt người/năm. Hàng chục vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao được dàn dựng, vận dụng sáng tạo, hài hòa giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển di sản nghệ thuật truyền thống trong chèo và ca múa nhạc ra đời; trong đó, nhiều tiết mục, vở diễn đoạt các huy chương vàng, bạc tại các kỳ liên hoan toàn quốc, khu vực và quốc tế; xây dựng nhiều chương trình đặc sắc biểu diễn giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam tại các nước Pháp, Hàn Quốc, Lào...

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa luôn được tỉnh quan tâm; trong đó, khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng di tích được tiến hành định kỳ hàng năm. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, giới thiệu văn hoá phi vật thể đã được tiến hành trên các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian đang được lưu giữ trong nhân dân như hát chèo, hát ca trù, hát đối, hát ru, hát chầu văn, hát trống quân, nghệ thuật xiếc. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong tỉnh luôn được tăng cường, thực hiện đúng quy định, trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn. Hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật đạt nhiều thành quả quan trọng. Nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghiên cứu sưu tầm có chất lượng tốt, cùng với các cuộc triển lãm tranh cổ động, triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật, mỹ thuật của tỉnh thường xuyên được tổ chức đã góp phần quảng bá hình ảnh về đất và người xứ Đông.

Toàn tỉnh có trên 10.000 hiện vật đã được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các nhà truyền thống; công tác lập hồ sơ khoa học bảo đảm quy định, quy trình của Luật Di sản văn hóa. 

Hơn 3.000 di tích trên toàn tỉnh được đưa vào danh mục cần bảo vệ; có 4 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), quần thể di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), cụm di tích Văn miếu Mao Điền, đền Bia, chùa Giám, đền Xưa (Cẩm Giàng), 141 di tích quốc gia, 229 di tích cấp tỉnh.

Trên 50 di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp các mức độ khác nhau bằng nguồn ngân sách của Trung ương và của tỉnh và hàng chục di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hoá của nhân dân.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, định hướng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị đảm bảo môi trường phát triển hòa bình, thuận lợi. Đồng thời, chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn việc nhập lậu, phát tán các sản phẩm văn hóa, văn nghệ độc hại; thiết lập và đưa vào hoạt động 1 trang fanpage Xứ Đông văn hiến, 2 nhóm (group): Xứ Đông địa linh nhân kiệt và Giang sơn gấm vóc. Nội dung đăng viết, chia sẻ bài viết, hình ảnh, video về đất và người xứ Đông – Hải Dương; việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những nội dung định hướng dư luận xã hội, bài học cảnh tỉnh, răn đe; nội dung phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái.... bước đầu thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng, có nhiều phản hồi tích cực.

Việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Hải Dương đã góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khôi phục được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng con người mới trong công cuộc đổi mới đất nước nói chung, con người xứ Đông nói riêng. Thông qua đó, góp phần quan trọng trong việc răn đe, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa chủ động và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 33 thường xuyên, kịp thời. Việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, xây dựng kế hoạch hành động có nơi còn chưa cụ thể, chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa ở một số địa phương tuy phát triển nhưng chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức. Hình thức, nội dung sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí ở một số cộng đồng dân cư còn nghèo nàn; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề; hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội ở một số địa phương chưa được ngăn chặn kịp thời; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội một số nơi còn có mặt hạn chế...

Từ thực tế những kết quả đạt được và hạn chế, để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, một số nhiệm vụ trọng tâm cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới là:

Một là, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người thường xuyên và đồng bộ. Trong đó, gắn thực hiện Nghị quyết 33 với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho các tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy thấm nhuần và thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa theo các chuẩn mực "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", gương mẫu giữa nói và làm, thực hiện các quy định về nêu gương, về việc cưới, tang, lễ hội...

Hai là, tập trung xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa để Nghị quyết 33 thực sự đi vào đời sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức quần chúng trong tỉnh để xây dựng và tạo dựng môi trường văn hóa, con người văn hóa. Đẩy đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với các cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc… Thực hiện tốt quy chế dân chủ với phương châm lãnh đạo: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nhằm huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng, phát huy và phát triển văn hóa, con người.

Ba là, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo và sự tham gia tích cực của nhân dân trong phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam nói chung, con người xứ Đông nói riêng. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng dân cư, nhất là vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động để quần chúng nhân dân noi theo.

Bốn là, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương trong tỉnh. Hằng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích theo hướng đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện; đồng thời, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những cách làm hay tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư để nhân rộng, rút kinh nghiệm.

Năm là, xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là trách nghiệm của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp toàn dân, do đó, trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hải Dương phải vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, vừa loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, lỗi thời trong đời sống; đồng thời tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của nhân loại, của các vùng miền để làm giàu văn hóa xứ Đông. Phát huy vai trò sáng tạo của nhân trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hải Dương phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

BÙI THÚY HẠNH
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

(0) Bình luận
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Đông