Xin đừng kéo lùi sự phát triển của điện ảnh

05/12/2019 07:32

Nhân hội thảo 'Nâng cao chất lượng điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế', đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có bài viết từ góc nhìn thẳng thắn của người trong cuộc.

Xin đừng kéo lùi sự phát triển của điện ảnh - Ảnh 1.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - đạo diễn của các phim Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua

Làm sao để nâng cao chất lượng điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế? Tôi nghĩ, một trong những việc đầu tiên cần làm, chính là đừng làm giảm chất lượng điện ảnh Việt.

Nghe thì thấy buồn cười và hiển nhiên, nhưng trên thực tế, tư duy kiểm duyệt của Cục điện ảnh đang làm công việc kéo lùi sự phát triển của điện ảnh và làm giảm chất lượng các bộ phim.

Những yêu cầu lạ kỳ

Hầu hết các bộ phim được gửi đi trình duyệt đều trở về trong tình trạng không nguyên vẹn. Có những trường hợp, sau khi "được" Hội đồng duyệt yêu cầu cắt xén nhiều lần, bộ phim trở thành một tác phẩm không đầu không đuôi, chắp vá, quặt quẹo, như trường hợp bộ phim Thất Sơn tâm linh.

Ngôn ngữ điện ảnh của nhà làm phim bị phá vỡ bởi những yêu cầu lạ kỳ. Đa số các bộ phim sau khi bị buộc phải thực hiện các yêu cầu chỉnh sửa đều giảm chất lượng - bởi các yêu cầu này không liên quan gì đến việc giúp cho chất lượng nghệ thuật bộ phim tốt hơn.

Làm sao những nhà làm phim có được sự tự do, thoải mái sáng tạo, khi họ luôn đối mặt với nỗi sợ "kiểm duyệt" rình rập, với những nhận xét mù mờ không rõ ràng như "thuần phong mỹ tục", "không đúng hiện thực xã hội", "chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước"?

Không chỉ phim dài, ngay cả phim ngắn của sinh viên và các bạn trẻ cũng bị bàn tay kiểm duyệt gây khó dễ.

Bộ phim ngắn Hãy thức tỉnh và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân trong khuôn khổ cuộc thi làm phim ngắn do CJ CGV tổ chức đã bị cắt gọt làm mất đi ngôn ngữ điện ảnh riêng. Bộ phim này sau đó đã được tham gia nhiều Liên hoan phim quốc tế lớn như Cannes, Busan khi nhà làm phim gửi đi bản phim đầy đủ.

Việc thẩm định nhiều khi phi lý đã không chỉ kéo lùi điện ảnh, làm giảm chất lượng các bộ phim, mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi trong giới làm phim. Các nhà sản xuất phim, vì thế, để an toàn và dễ dàng ra rạp, dần dà chỉ dám làm những thứ hời hợt, vô thưởng vô phạt, được gọt dũa tròn trịa, mà thiếu đi chiều sâu, cá tính, giọng nói riêng.

Phải chăng đây là lý do mà điện ảnh Việt Nam ngày càng nhiều phim hài nhảm, bởi đó là loại phim dễ vượt qua ải kiểm duyệt nhất.

Trong khi đó, các phim nước ngoài có cùng đề tài, cùng thể loại vẫn có thể ra rạp đường hoàng. Thật đáng buồn khi ngay chính trên sân nhà, không hiếm ví dụ cho thấy hội đồng duyệt lại phân biệt đối xử và ưu ái cho tác phẩm ngoại hơn tác phẩm trong nước.

Chúng ta làm sao có thể nâng cao chất lượng điện ảnh, khi chúng ta đối xử với các bộ phim chất lượng theo cách này?

Xin đừng kéo lùi sự phát triển của điện ảnh - Ảnh 2.

Bộ phim kinh dị Thất sơn tam linh bị yêu câu cắt xén nhiều lần - Ảnh: ĐPCC

Chính sách hỗ trợ cho điện ảnh chưa được chú trọng

Chúng ta hãy thử nhìn vào hai bộ phim nước ngoài đoạt giải tại hai Liên hoan phim quốc tế năm nay: Parasite (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc tại Cannes và Joker của Mỹ tại Venice. Liệu hai tác phẩm này, nếu là phim Việt Nam, có vượt qua ải kiểm duyệt để trở thành tác phẩm có tầm vóc quốc tế và được vinh danh ở các Liên hoan phim lớn hay không?

Câu trả lời là "không", vì ngay cả hai bộ phim này, để được trình chiếu ở Việt Nam, cũng đã phải cắt bỏ nhiều cảnh phim quan trọng. Trong mắt nhiều nhà làm phim, Cục Điện ảnh trong những năm gần đây như một "chướng ngại" cần vượt qua hơn là một cơ quan hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển điện ảnh Việt Nam.

Những chính sách hỗ trợ cho điện ảnh Việt Nam, như giảm thuế cho các hoạt động đầu tư liên quan đến điện ảnh, đảm bảo cho các phim Việt Nam không bị lấn át và bị chèn ép về suất chiếu so với phim ngoại nhập, đầu tư tài chính cho các phim nghệ thuật tầm quốc tế, đưa ra các chính sách và luật một cách rõ ràng, không mù mờ để người làm phim có thể dựa vào đó mà an tâm sản xuất phim, lại chưa được chú trọng.

Xin đừng kéo lùi sự phát triển của điện ảnh - Ảnh 3.

Một cảnh trong phim Parasite

7 đề xuất cho điện ảnh Việt

Dựa trên những kinh nghiệm theo dõi sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, tôi xin được đề xuất một số giải pháp với mong muốn Cục Điện ảnh Việt Nam sẽ là mái nhà mà những người làm phim Việt Nam chung tay cùng xây dựng một nền điện ảnh chất lượng đậm đà bản sắc dân tộc nhưng không lạc lõng với sự phát triển của điện ảnh quốc tế.

1. Yêu cầu có được sự minh bạch trong các quyết định của Hội đồng duyệt - bao gồm tên tuổi của những ai có mặt trong hội đồng duyệt trong mỗi quyết định, công khai các yêu cầu chỉnh sửa hoặc nhận xét với lý do rõ ràng. Ở các nước khác, mỗi bộ phim khi được dán mác giới hạn độ tuổi, họ đều ghi rõ bộ phim bị dán nhãn này vì những lý do nào (ngôn ngữ, bạo lực, tình dục).

2. Khi đã có giới hạn độ tuổi khán giả, thì quyền quyết định giữ hay cắt những cảnh phim ảnh hưởng đến nhãn giới hạn khán giả thuộc về nhà làm phim: họ có quyền chấp nhận nhãn dán giới hạn độ tuổi mà Hội đồng duyệt đưa ra, hoặc có thể xin được chỉnh sửa để phù hợp với đối tượng khán giả rộng hơn.

3. Có hơn một hội đồng duyệt để giảm tải công việc của hội đồng duyệt duy nhất hiện tại khi số lượng phim ảnh ngày một nhiều, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các nhà sản xuất phim khi phải di chuyển xa.

4. Giảm/ miễn trừ thuế cho các hoạt động đầu tư liên quan đến điện ảnh - bao gồm đầu tư sản xuất phim, tài trợ cho việc làm phim, đầu tư/ tài trợ cho Liên hoan phim... Tại nhiều nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Anh, nhờ chính sách miễn trừ thuế cho hoạt động đầu tư điện ảnh mà việc kêu gọi vốn đầu tư vào điện ảnh rất phát triển, đặc biệt có ích lợi cho các nhà làm phim độc lập cần kêu gọi vốn cho các dự án kinh phí thấp của họ.

5. Chấp nhận sự tự do sáng tạo và trí tưởng tượng của nhà làm phim, xem điện ảnh là một ngôn ngữ hư cấu thay vì so sánh nó với "hiện thực xã hội". Khán giả thế giới không vì xem Parasite mà nghĩ rằng xã hội Hàn Quốc băng hoại như thế, hay xem Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột) mà nghĩ Ấn Độ là một quốc gia nhiều tệ nạn xã hội.

6. Nếu không thể ưu tiên cho phim trong nước, ít nhất cũng cần đối xử công bằng giữa phim nội và phim ngoại: tại sao phim ngoại có thể làm phim ma, phim kinh dị, phim bạo lực, phim viễn tưởng mà Việt Nam lại không được phép khai thác một cách tự do như thế? Tại sao một phim bạo lực như Tây du ký: Mối tình ngoại truyện lại được dán nhãn P (dành cho mọi đối tượng khán giả), nhưng một bộ phim về đề tài thiếu nhi, với dàn diễn viên thiếu nhi dưới 10 tuổi đóng như Mặt trời con ở đâu lại bị dán nhãn C13 (hạn chế khán giả dưới 13 tuổi)?

7. Tăng cường tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo tay nghề (ví dụ như HANIFF Talent Campus). Hỗ trợ và nâng đỡ các hoạt động liên quan đến điện ảnh do tư nhân tổ chức (ví dụ: chương trình Gặp gỡ mùa thu, cuộc thi làm phim 48H).

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xin đừng kéo lùi sự phát triển của điện ảnh