Bóng chuyền nữ Hải Dương thăng hạng: Vừa mừng, vừa lo

09/11/2019 17:09

Giới chuyên môn rất vui vì đội tuyển Bóng chuyền nữ Hải Dương đã thăng hạng lên chơi tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia từ mùa giải năm 2020 nhưng cũng không ít mối lo.


Đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh đã lên hạng nhưng có nhiều khó khăn đang đợi ở phía trước

Đội tuyển Bóng chuyền nữ Hải Dương đã thăng hạng lên chơi tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia (còn gọi là Giải bóng chuyền vô địch các đội mạnh toàn quốc) từ mùa giải năm 2020. Giới chuyên môn rất vui mừng vì điều này nhưng cũng không ít mối lo.

Lực lượng mỏng

"Giải bóng chuyền vô địch quốc gia quy tụ toàn những đội mạnh với lực lượng hùng hậu, chất lượng, được đầu tư bài bản. So với họ, chúng ta thua kém về nhiều mặt nên mục tiêu của toàn đội chỉ là phấn đấu trụ hạng ở mùa giải sắp tới.

Rất nhiều khó khăn vẫn đang ở phía trước", ông Trịnh Công Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Trưởng đoàn bóng chuyền Hải Dương chia sẻ.

Lực lượng vận động viên (VĐV) đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh ta hiện nay vừa mỏng, vừa thiếu lại vừa yếu. Tại Vòng chung kết Giải bóng chuyền A1 toàn quốc năm 2019 diễn ra tại Điện Biên vừa qua (giải đấu mà đội vô địch và giành quyền thăng hạng), lối chơi của đội vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào những tuyển thủ đã gắn bó với bóng chuyền nữ tỉnh nhiều năm qua.

Đó là phụ công Trương Thị Huệ, chủ công Vàng Thị Tặng, Nguyễn Thị Thu Trang, libero Phạm Thị Thúy và chuyền 2 Nguyễn Thị Thủy năm nay đã 36 tuổi. Lớp VĐV kế cận tuổi đời còn trẻ, ít kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu để chơi ở giải quốc gia.

Tại giải đấu cao nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam, các đội đều có lực lượng hùng hậu, chất lượng, nhiều gương mặt đang khoác áo đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia. Với tình hình lực lượng hiện tại, đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở mùa giải sắp tới.

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hà cho biết theo chỉ tiêu đội cần 12-14 VĐV, nhưng hiện tại toàn đội chỉ có 10 người. Lớp VĐV kế cận cũng có 2 tài năng có thể đáp ứng được nhu cầu, tiếc rằng gia đình đã xin cho các em nghỉ để chuyển sang ngành nghề khác.

"Lực lượng đã mỏng nhưng chúng tôi còn phải lo giữ chân các em vì hiện tại phần lớn VĐV đã hết hoặc sắp hết hạn hợp đồng. Công tác huấn luyện cho mùa giải sắp tới vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn", anh Hà nói.

Cần nhà tài trợ

Để đáp ứng yêu cầu tập luyện và chuẩn bị cho mùa giải năm 2020, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã đề nghị cấp trên cho phép chuyển nhượng 2 VĐV từ các đội hạng A. Đồng thời, hợp đồng thời vụ với 1 VĐV bóng chuyền bãi biển của tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm này cho biết đây chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài cần tuyển chọn được những VĐV kế cận có thể hình, tố chất, được đào tạo bài bản, khoa học thì mới có thể "chinh chiến" ổn định ở giải các đội mạnh toàn quốc. Không thể để tình trạng thiếu hụt VĐV kéo dài, càng không thể thực hiện chính sách chuyển nhượng theo kiểu thời vụ.

"Để giải quyết tận gốc vấn đề này cần có một nhà tài trợ ổn định, lâu dài, ít nhất cũng phải bằng mức trung bình chung so với các đội khác", ông Thắng cho biết.

Giai đoạn 2013-2018, đội tuyển bóng chuyền nữ liên tục có các nhà tài trợ đồng hành là các Công ty CP: Lilama 693, Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương, Đầu tư bất động sản Thành Đông.

Giai đoạn này, dù thành tích đạt được không cao nhưng đội vẫn nỗ lực thi đấu, hoàn thành được mục tiêu trụ hạng tại giải quốc gia. Hiện tại, đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh không có nhà tài trợ. Nguồn lực đầu tư hạn chế khiến công tác đào tạo, huấn luyện gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm cho môn thể thao này nhưng so với các tỉnh khác, bóng chuyền Hải Dương chưa được đầu tư thỏa đáng. Ngân sách dành cho cả bộ môn gồm 4 đội tuyển (A1 nữ, trẻ nữ luân huấn, trẻ nữ mục tiêu và đội nam Công an tỉnh) chỉ khoảng 700 triệu đồng/năm.

Ngân sách đầu tư còn hạn chế, nguồn lực từ nhà tài trợ lại chưa nhiều, thiếu ổn định không chỉ khiến công tác đào tạo, huấn luyện của đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh gặp nhiều khó khăn mà còn dẫn tới việc "chảy máu tài năng". Thu nhập cao nhất (không tính tiền ăn) của 1 VĐV chính đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh hiện tại chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó thu nhập của một VĐV thuộc diện dự bị của các đội khác có nhà tài trợ như Mikado Thái Bình, Kinh Bắc - Bắc Ninh, Thông tin Liên Việt Postbank, Ngân hàng Công thương... ít nhất cũng từ 10-12 triệu đồng/người/ tháng, VĐV chính 20-45 triệu đồng/người/tháng.

Thu nhập thấp khiến một số VĐV tài năng của đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh chuyển sang công việc khác hoặc chuyển tới những đội có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Chủ công Lê Thị Hồng chuyển sang Kingphar Quảng Ninh năm 2017 là một ví dụ.

Theo lộ trình của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, từ năm 2021, số lượng đội tuyển tham gia hạng đội mạnh toàn quốc sẽ giảm từ 10 đội xuống còn 8 đội. Điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh thứ hạng sẽ diễn ra quyết liệt hơn. Hơn lúc nào hết, đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh cần nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của tỉnh cũng như việc đồng hành của những "Mạnh Thường Quân" có đủ tâm và tầm.

Cùng với bóng bàn, bóng chuyền nữ là môn thể thao truyền thống, có bề dày thành tích của tỉnh ta. Đội tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương từng 2 lần giành chức vô địch vào các năm 1978 và 1980 tại giải quốc gia, 1 lần giành huy chương đồng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ III. Từ năm 2000 đến nay, đội 4 lần xuống hạng vào các năm 2001, 2005, 2012, 2018 và 4 lần lên hạng vào các năm 2004, 2006, 2013 và 2019.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Bóng chuyền nữ Hải Dương thăng hạng: Vừa mừng, vừa lo