Góc khuất đời sống thể thao. Bài 2: Hy sinh tuổi thanh xuân

07/08/2019 11:35

Những vận động viên phải chấp nhận đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình vì thể thao.


Cựu vận động viên đội tuyển Judo tỉnh Nguyễn Thị Sáu (phải) gắn bó với công việc nhà bếp đã 9 năm nay

Không phấn son, chẳng quần là áo lượt, những vận động viên (VĐV) thể thao dành phần nhiều thời gian tiếp xúc với nắng mưa và phải tập luyện liên tục. Họ chấp nhận đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình vì thể thao.

Mua sắm, làm đẹp là điều xa xỉ

Giữa cái nắng rát bỏng mùa hè, trong khi hầu hết mọi người tìm nơi mát mẻ để tránh nắng thì hàng chục VĐV môn đua thuyền canoeing (Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh) vẫn miệt mài tập luyện tại hồ Bạch Đằng (TP Hải Dương). Nắng gió đã làm cho khuôn mặt họ đen sạm, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Cứ tập được 1-2 lượt, các VĐV lại phải vào bờ, uống nước, nghỉ ngơi lấy sức rồi mới tập tiếp. Huấn luyện viên môn đua thuyền canoeing Lê Thị Vân chia sẻ: "Khi giải diễn ra, nắng hay mưa thì vẫn rất ít khi hoãn thi đấu. Thế nên chúng tôi vẫn phải cho VĐV tập để thích nghi với các kiểu thời tiết khắc nghiệt".

Các VĐV môn đua thuyền canoeing dù tuổi đời còn trẻ nhưng khuôn mặt ai trông cũng già dặn, chai sạn. Các vùng cơ tay, chân, đùi, vai của các VĐV nở nang, thô kệch bởi quá trình rèn luyện nhiều năm. Chị Vân bảo cường độ tập luyện, thi đấu dày đặc khiến VĐV chẳng có mấy thời gian chăm chút cho bản thân. Hằng ngày, những VĐV cấp đội tuyển đi thi đấu quốc gia phải tập 3 ca, thường theo các khung giờ: 5-6 giờ, 8-10 giờ và 14 giờ 30 - 17 giờ. Thời gian còn lại dành cho ăn uống, nghỉ ngơi, tập các bài hồi phục thể lực. Cuối tuần có ít thời gian hầu như ai cũng tranh thủ về thăm gia đình. "Chúng tôi cũng có những sở thích được đi mua sắm, lựa mua những bộ váy áo mình thích, muốn được trang điểm đi chơi ngoài phố như những bạn gái khác... Nhưng những điều đó quá xa xỉ. Gần 17 năm làm VĐV rồi huấn luyện viên, tôi chưa bao giờ có thời gian chăm chút cho bản thân mình. Các em ở đây cũng vậy", chị Vân ngậm ngùi.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, VĐV đội tuyển cử tạ của tỉnh cho biết đã phải ăn rất nhiều để cơ thể đạt được hạng cân thi đấu cần thiết. Trong 5 năm ăn và tập cùng đội tuyển, anh Hiếu đã tăng từ 65 kg lên 119 kg. Việc di chuyển, đi lại của đô cử này bị hạn chế rất nhiều. Anh không còn thời gian gặp gỡ bạn bè như trước đây, thay vào đó thường ở lỳ trong phòng mỗi khi được nghỉ hoặc chỉ về quê thăm gia đình. Anh cũng không đi mua quần áo, giày dép như trước vì tất cả đồ đều phải đặt theo kích cỡ riêng. "Thân hình này khiến tôi không muốn gặp các bạn lắm vì thấy ngại", anh Hiếu nói.

Giấc mơ hạnh phúc gia đình

Năm nay đã 34 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Sáu, cựu VĐV môn judo tỉnh vẫn cô đơn lẻ bóng. 9 năm rồi, tính từ ngày giải nghệ, chị hầu như chỉ di chuyển từ nhà trọ ra khu bếp ăn của Trung tâm Đào tạo, huấn luyệnvà thi đấu tỉnh và ngược lại. Công việc của chị Sáu hằng ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ với nhiệm vụ rửa bát đĩa, xoong nồi, nấu nướng... phục vụ bữa ăn cho các VĐV. Công việc tương đối vất vả nhưng chị Sáu vui vì so với những VĐV khác vẫn còn may mắn, bởi sau khi kết thúc sự nghiệp đã được trung tâm tạo việc làm.

Nói về nguyên nhân chưa xây dựng gia đình, chị Sáu giải thích do công việc bận rộn nên thời gian chăm chút bản thân còn ít nói gì tới chuyện tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Nói đến đây thì giọng chị trầm hẳn xuống... Chị Sáu bảo thời còn là VĐV, chị hăng say tập luyện bất kể nắng mưa, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phấn son, váy áo thời trang. Chị cũng chẳng kiêng khem ăn uống vì như vậy sẽ không có sức khỏe để thi đấu. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, vì vất vả nên chị Sáu trông già hơn cả chục tuổi, khuôn mặt nám, nước da ngăm đen, thân hình vạm vỡ, tay chân thô kệch như... đàn ông. "Tôi cũng từng có một mối tình nhưng giờ chỉ là dĩ vãng. Có lẽ chẳng người đàn ông nào dám lấy tôi làm vợ đâu. Thế nên tôi nghĩ mình chỉ nên ở vậy chứ chuyện hạnh phúc gia đình chỉ là giấc mơ thôi", chị Sáu ngậm ngùi.

Cường độ tập luyện, thi đấu dày đặc khiến đại đa số các VĐV thể thao chuyên nghiệp, nhất là VĐV nữ không có thời gian chăm chút bản thân hay hò hẹn, yêu đương như những người con gái khác. Có những người lại muốn cống hiến cho sự nghiệp nên không vội vàng trong chuyện hôn nhân. Vì vậy, chuyện kết hôn, sinh con muộn trong giới VĐV cũng là điều dễ hiểu. Có VĐV năm nay đã 40 tuổi nhưng vẫn chưa có "mảnh tình vắt vai"...

Một VĐV xin giấu tên tâm sự rằng nhiều lúc thấy bạn thân cùng quê khoe ảnh được đi du lịch, người yêu dẫn đi ăn, tham gia nhiều hoạt động sôi nổi mà thấy tuổi thanh xuân của mình thật thiệt thòi. "Tủi thân, ghen tị thật đấy nhưng đây là con đường tôi đã chọn nên phải chấp nhận. Tôi xác định bây giờ phải chăm chỉ, cố gắng tập luyện, thi đấu giành thật nhiều thành tích cho bản thân và phong trào thể thao của tỉnh. Tôi coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc để quên đi những thiệt thòi", VĐV này chia sẻ.

BÌNH MINH

Kỳ sau: Gánh nặng mưu sinh 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc khuất đời sống thể thao. Bài 2: Hy sinh tuổi thanh xuân