Người đam mê kick-boxing

02/01/2021 11:30

Từng bị gia đình phản đối theo kick-boxing vì cho rằng đây là môn thể thao bạo lực nhưng anh Võ Trung Nghĩa 31 tuổi (phường Bình Hàn,TP Hải Dương) vẫn gắn bó với môn thể thao này 9 năm qua và giành nhiều thành tích cao.


Võ sư Võ Trung Nghĩa tập bán chuyên 3 năm trước khi đi thi đấu chuyên nghiệp

Nghề chọn người

Sau một lần chứng kiến bạn cùng lớp và chính bản thân bị bắt nạt, anh Nghĩa bắt đầu mày mò tự học võ từ việc tập chạy lấy thể lực, đứng xem nhờ các lớp taewondo rồi tự học cách đánh qua phim ảnh…

Năm 2011, anh được chọn vào đội tuyển thi đấu của Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) của Bộ Công an. Gia đình chỉ có ba mẹ con lại thêm những lần chứng kiến con thi đấu gặp nhiều nguy hiểm nên mẹ anh càng phản đối quyết liệt.

“Kick-boxing là một nhóm các môn thể thao chiến đấu độc lập dựa trên đá và đấm, đòi hỏi kỹ thuật mạnh để hạ gục đối thủ. Rất nhiều người xem các trận đấu có thể thấy sợ vì nó va chạm mạnh. Tôi  đã dành vài tháng để động viên mẹ và em trai tôi ủng hộ tôi theo con đường này”, anh Võ Trung Nghĩa trải lòng.

Lựa chọn con đường chuyên nghiệp nên đam mê phải đi liền với những kỷ luật nghiêm khắc. Mỗi ngày anh tập luyện từ 5 giờ sáng tới 9 giờ 30 tối, chạy bộ 20 km và chìm trong những trận đấu đau đớn và mệt mỏi. Nhắc lại về quãng thời gian này, anh Nghĩa cười và nói ngắn gọn bằng từ “gian khổ”.

Trong 3 năm luyện tập để đi thi đấu chuyên nghiệp, độ vất vả cũng nâng lên. Việc thi đấu của vận động viên chuyên nghiệp có phần khác so với vận động viên nghiệp dư ở việc chọn đối thủ phải cân sức, thi đấu không có đồ bảo hộ ngoài găng tay. Có clip đấu võ, anh xem lại cả chục lần để học cách đánh. Mỗi năm, anh Võ Trung Nghĩa thi đấu trên dưới 16 trận cả trong và ngoài nước. Năm 2019, anh tham gia các trận đấu ở các giải kick- boxing Hải Phòng mở rộng, kick- boxing An Giang mở rộng, kick - boxing Quảng Bình… và giành hơn 10 huy chương vàng.

Phía sau ánh hào quang của chiến thắng là những lúc anh Nghĩa phải tự đắp khăn lạnh lên mặt vì chấn thương, có lần bị sái quai hàm phải uống sữa thay cơm. Năm 2018 anh bị chấn thương ở khớp gối và hai khớp vai. Bỏ qua lời khuyên của bác sĩ là ngừng tập hẳn, anh Nghĩa vẫn tham gia thi đấu.


Học viên của anh không chỉ có các em nhỏ mà còn có cả phụ nữ

Mong muốn xã hội có cái nhìn đúng đắn

Từ khi theo nghiệp kick- boxing, anh Võ Trung Nghĩa không ít lần chạnh lòng vì những quan điểm sai về môn võ này. Nhiều người cho rằng đây là môn thể thao bạo lực. Thậm chí có học sinh muốn theo học anh nhưng gặp sự phản đối của gia đình và nhà trường. Trong khi đó boxing, kick- boxing đang thu hút nhiều người theo, trong đó có không ít phụ nữ.

Quyết tâm đem đến cái nhìn đúng đắn về kick-boxing nên anh Nghĩa mở các lớp học vừa đáp ứng nhu cầu luyện tập thể thao vừa để đào tạo những học viên có nhu cầu theo con đường chuyên nghiệp. Tháng 2.2020, anh Nghĩa mở Câu lạc bộ thể hình Thanh niên (TP Hải Dương) và dự định sắp tới sẽ mở thêm một cơ sở ở Thanh Hà.

Kick -boxing không còn mới lạ ở Hải Dương nhưng chưa thực sự phát triển mạnh. Câu lạc bộ thể hình Thanh niên hiện có khoảng 20 người, cao điểm vào mùa hè có từ 50-70 người. Tất cả học viên đều được thầy truyền cảm hứng yêu môn võ, coi đây thực sự là giờ phút giải lao sau giờ làm việc căng thẳng. Mỗi khóa học gắn bó như một gia đình cùng nhau lan tỏa năng lượng tích cực. Đây cũng chính là điều mà anh Nghĩa học được từ người thầy của anh.

Lê Huỳnh Phong và Trần Công Hậu 17 tuổi (TP Hải Dương) theo học lớp võ của anh hơn 2 năm. Từ những cậu bé nghiện game các em đã trở thành con người hòa đồng và đam mê thể thao. Mẹ của Phong từng có ý định cho con học môn thể thao khác vì buổi đầu dắt con đến xin học, chị lo lắng khi nhìn các học viên luyện tập các động tác mạnh.

Không ít học viên của anh ở tuổi 40 gặp vấn đề về xương nhưng qua tập luyện đã khỏe mạnh hơn. Nhiều phụ nữ đam mê môn võ này và gắn bó hằng năm trời.

Hiện nay anh Nghĩa đang quản lý 4 trung tâm tập luyện kick- boxing trên cả nước với hàng trăm học viên.

HẢI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đam mê kick-boxing