Về Văn Tố xem phụ nữ đấu vật

05/10/2019 21:05

Không chỉ đấng mày râu mà ngay cả những chị em vốn hằng ngày quen với ruộng vườn, thêu thùa, khâu vá ở xã Văn Tố cũng mê môn thể thao đấu vật.


Các đô vật nữ Đông Lâm trổ tài thi đấu tại lễ đón bằng công nhận làng văn hóa đầu năm 2019

Xã Văn Tố (Tứ Kỳ) nổi tiếng với lò vật đã hình thành và duy trì suốt mấy thập kỷ qua. Ở đây, không chỉ có đấng mày râu mê môn thể thao truyền thống này mà ngay cả những chị em vốn hằng ngày quen với ruộng vườn, thêu thùa, khâu vá cũng tham gia.

Những người đam mê

Mấy lần về thôn Đông Lâm (nay sáp nhập thành thôn Lâm Đồng) dự hội làng dịp đầu xuân hay khi thôn đón danh hiệu làng văn hóa, tôi đều được xem phụ nữ đấu vật.

Tuy là nữ giới nhưng họ thể hiện khá điêu luyện kỹ thuật xe đài và những miếng đánh như bốc, gồng, sườn, sang sau, dắt, gụi... Mỗi trận đấu vật của các cô, các chị không căng thẳng, gay cấn, mạnh mẽ như nam giới, mà uyển chuyển, dẻo dai. Các trận đấu vật của họ chủ yếu để giải trí khiến người xem ai cũng hả hê. Anh Nguyễn Xuân Trường ở TP Hải Dương lần đầu được xem phụ nữ Đông Lâm đấu vật nói: "Rất lạ lẫm và hấp dẫn. Tôi thấy rất ít nơi tổ chức được các keo vật truyền thống dành cho nữ như ở đây, cả người chơi lẫn khán giả ai cũng thích thú, hồ hởi".

Các thôn của xã Văn Tố đều có nam giới biết đấu vật nhưng nữ giới thì chỉ có ở Đông Lâm. Không có thống kê cụ thể nhưng có tới hàng chục chị em trong thôn biết đấu vật, chủ yếu ở độ tuổi từ 40-60. Không luyện tập, sinh hoạt tại lò vật đều đặn như nam giới, chị em ở đây chỉ trổ tài khi thôn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí vào dịp lễ, Tết hay hội làng.

Mấy cô, mấy chị trong thôn cho biết họ biết đấu vật nhờ học lỏm từ nam giới. Trước năm 1975, thôn Đông Lâm có một lò vật do hai cụ Nguyễn Thanh Sen và Nguyễn Văn Đệ đứng ra thành lập.

Hòa bình lập lại, lò vật của hai cụ càng có điều kiện phát triển, chiêu mộ hàng chục, có thời điểm lên đến hàng trăm thanh niên trong và ngoài xã đến tập luyện.

Chị Nguyễn Thị Chín (47 tuổi, là con cụ Sen) tích cực tham gia biểu diễn đấu vật mỗi khi làng có việc vui. "Từ bé cứ thấy bố dạy cho các anh là tôi lại ra xem, quan sát, học lỏm. Lâu dần, các kỹ thuật, miếng đánh cứ thế ăn vào máu, rồi không biết mình thích môn vật từ bao giờ", chị Chín nói.

Bà Bùi Thị Thương (56 tuổi) ở nơi khác lấy chồng về Đông Lâm nhưng cũng mê đấu vật. Năm 2003, bà đi cổ vũ cho đội vật địa phương giao lưu tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và có "cảm tình" với môn thể thao này.

Về quê, bà và mấy chị em có cùng sở thích họp nhau lại, tự thử sức giao lưu. Các miếng đánh ban đầu còn gượng gạo nhưng lâu dần thành thuần thục. Bà Thương chia sẻ: "Nhiều người bảo chúng tôi là phụ nữ ai lại đi chơi môn của nam giới.

Nhưng tôi thấy chơi rất vui, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần cổ vũ phong trào, gìn giữ và phát huy môn thể thao truyền thống của dân tộc".

Thấy nhiều phụ nữ trong thôn biết đấu vật nên mỗi khi có việc vui, thôn lại mời họ biểu diễn cho người dân, du khách thập phương xem.

Mong đưa vật truyền thống nữ vào các lễ hội

Hiện nay, môn vật có 2 nội dung thi đấu là vật dân tộc và vật tự do quốc tế. Vật tự do quốc tế có nội dung thi đấu dành cho nữ, còn vật dân tộc thì chưa. Bởi vậy, những phụ nữ ở Đông Lâm mong muốn giải đấu vật dân tộc tại các lễ hội dịp đầu xuân sẽ có thêm nội dung dành cho nữ để họ có thể ra ngoài thi đấu, biểu diễn phục vụ nhân dân, đồng thời kết nạp thêm những chị em có cùng sở thích.

Chị Chín, bà Thương cho rằng có nữ giới tham gia đấu vật tại các lễ hội dịp đầu xuân sẽ tăng thêm tính giải trí, lôi cuốn người dân và khách du lịch. Những chị em thích chơi đấu vật được thỏa đam mê, mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Tứ Kỳ cũng cho rằng cần đưa cả nội dung vật truyền thống nữ vào các lễ hội đầu xuân, tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ.

Đầu xuân năm nay, ông Mạnh dẫn đoàn vật dân tộc nam của huyện Tứ Kỳ đi thi đấu giao lưu tại lễ hội đền Cao. Ông đã đề xuất với ban tổ chức mở một keo vật nữ. Vừa thông báo trên loa đã có một số du khách nữ hăng hái đăng ký tham gia.

Trận đấu diễn ra trong tiếng cười vui, hò reo cổ vũ của người dân và du khách. "Riêng tại địa phương chúng tôi đang xem xét đưa vật truyền thống nữ vào các lễ hội.

Còn tại các lễ hội khác trong tỉnh, kể cả Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc nếu có vật nữ nữa thì tốt. Điều này sẽ làm cho phần hội thêm sôi nổi, góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy môn vật truyền thống mà cha ông ta đã để lại", ông Mạnh nêu quan điểm.

Những phụ nữ ở Đông Lâm đam mê môn vật dân tộc cho biết họ rất vui khi có cơ hội để thể hiện đam mê của mình. Họ sẽ tiếp tục luyện tập và tích cực gây dựng phong trào, đặc biệt là vận động những người trẻ tuổi cùng tham gia.

"Để phong trào phát triển hơn nữa, chúng tôi mong được tạo cơ hội giao lưu, thi đấu cọ xát nhiều hơn. Có như thế nhiều chị em ở các nơi khác mới biết đến. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chơi môn thể thao này với các chị em ở nơi khác", chị Chín nói.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Văn Tố xem phụ nữ đấu vật