3 "chìa khoá" ngắt cơn nghiện điện thoại, máy tính của trẻ

11/02/2020 17:52

Phụ huynh ngày càng bị ám ảnh bởi tác động xấu của công nghệ lên trẻ em như khiến trẻ mất khả năng giao tiếp xã hội, làm giảm sự tập trung trí não.

Nhiều cha mẹ đã dùng các biện pháp cực đoan để ngăn cấm trẻ. Thế nhưng, hầu hết cha mẹ đã hiểu sai vấn đề. Công nghệ không có lỗi, các biện pháp ép buộc không phải giải pháp tốt. Chính sự ngăn cấm mới chính là nguồn gốc gây nên sự mất tập trung của trẻ.

Tại sao lại thế?

Cơ thể con người luôn cần các chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Trí não của trẻ cũng như vậy. Việc cấm đoán con trẻ sẽ làm chúng cả ngày chỉ nghĩ đến điện thoại và máy tính. Sự “thèm khát” do không được thỏa mãn ham muốn sẽ khiến trẻ bị mất tập trung.

Vậy giải pháp ở đây là gì?

1. Sự tự chủ

Nghe có vẻ nguy hiểm khi trẻ chưa tự ý thức được điều gì là tốt và điều gì là xấu. Nhưng cho trẻ tự do kiểm soát các lựa chọn lại là một điều tốt.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi hai giáo sư tâm lý học Marciela Correa-Chavez và Barbara Rogoff, trẻ em Maya có sự tập trung cao hơn, khả năng học hỏi nhanh hơn mặc dù chúng không có môi trường học tập chính quy như trẻ phương Tây.

3 'chìa khoá' ngắt cơn nghiện điện thoại, máy tính của trẻ
Nhiều cha mẹ đã dùng các biện pháp cực đoan để ngăn cấm trẻ

Tiến sĩ Suzanne Gaskins, người đã nghiên cứu các ngôi làng Maya trong nhiều thập kỷ kết luận rằng, cha mẹ Maya đã cho con cái họ sự tự do vô cùng lớn. Thay vì mục tiêu học tập được thiết lập bởi phụ huynh, trẻ Maya tự đưa ra mong muốn của mình.

Hầu hết các trường học ở Mỹ và phương Tây, trẻ em ít được tự đưa ra quyết định. Mọi mục tiêu học tập đều được lên kế hoạch bởi người lớn.

Vậy cha mẹ nên làm gì?

Thay vì đưa ra nguyên tắc, các ràng buộc với việc sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ, cha mẹ nên để con trẻ tự hiểu ranh giới của mình. Mục tiêu là để chúng hiểu vì sao nên hạn chế thời gian nghịch điện thoại, chơi điện tử. Cha mẹ càng để con có thể tự quyết định, chúng càng lắng nghe những lời khuyên răn từ cha mẹ.

2. Công nhận năng lực của trẻ

Hãy thử nghĩ về những gì bạn làm rất giỏi, ví dụ như nấu ăn ngon hay lùi đỗ xe chuẩn xác trong khoảng không gian hẹp. Những việc nhỏ bé đó khiến bạn trở nên tự tin, nghĩ mình là một kẻ chiến thắng và thực sự khiến bạn thành công hơn trong cuộc sống.

Nhưng thật không may, niềm vui của sự tiến bộ là thứ xa xỉ đối với trẻ em ngày nay. Nguyên do là cha mẹ chỉ chăm chăm nhìn vào những gì trẻ làm không tốt, ví dụ như kết quả thi học kỳ chẳng hạn. Chúng ta đã quên rằng mỗi đứa trẻ có sự phát triển khác nhau.

Một đứa trẻ có kết quả học tập kém, không tìm được sự ủng hộ của cha mẹ, chúng có thể thất vọng về bản thân mình, không chịu cố gắng thêm nữa. Một số trong đó tìm đến trò chơi điện tử để thỏa mãn ước mơ tiến bộ và việc được công nhận của bản thân.

Các công ty sản xuất trò chơi điện tử rất hiểu tâm lý này. Họ xây dựng cấp bậc, phân loại các nhiệm vụ từ dễ đến khó cho người chơi. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, họ luôn đưa ra các lời khen và động viên. Chính điều này khiến trẻ đam mê, lún sâu hơn vào thế giới ảo.

Vậy cha mẹ nên làm gì?

Cha mẹ đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả học tâp, năng lực thể thao của con cái. Thay vì thế, hãy trò chuyện với con nhiều hơn và khuyến khích chúng theo đuổi điều mình thích. Bằng cách đó, trẻ nhỏ thấy bản thân được công nhận ở thế giới thực, không cần thêm “sự công nhận” từ các nguồn khác nữa.

3. Sự quan tâm

Giống như người lớn, trẻ em luôn mưu cầu sự quan tâm và muốn trở nên quan trọng trong mắt người khác.

Nếu như trước kia, trẻ được phép chơi sau giờ học, xây dựng các mối quan hệ qua vui chơi thì ngày nay, do lịch học quá dày, sự bao bọc quá độ của cha mẹ khiến trẻ mất đi sự kết nối đó.

Thời gian vui chơi bên ngoài của trẻ ít đi khiến chúng phụ thuộc vào các trò chơi trực tuyến, ứng dụng kết bạn ảo. Đây chỉ là một cách để trẻ thỏa mãn nhu cầu xã hội.

Vậy cha mẹ nên làm gì?

Hãy cho trẻ nhiều thời gian rảnh hơn để chúng kết nối với bạn bè ngoài đời thực. Đơn giản vậy thôi!

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 "chìa khoá" ngắt cơn nghiện điện thoại, máy tính của trẻ