Cảnh giác bệnh dại mùa nắng nóng

20/06/2021 06:37

Do thói quen nuôi chó, mèo thả rông , trong khi việc tiêm phòng vắc xin chưa được nhiều người quan tâm, dẫn đến tình trạng nhiều người bị chó, mèo cắn rồi mắc bệnh dại tử vong.

Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất, đỉnh điểm vào khoảng tháng 5 đến tháng 8.

6 trường hợp bị một con chó nghi dại cắn

Chiều 15.6 vừa qua, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 6 trường hợp bị một con chó nghi dại cắn. Theo nhiều người dân, con chó nêu trên xuất hiện ở khu vực thôn Tân Lập, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn sau đó chạy sang khu vực Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, rồi đường Phai Vệ, phường Đông Kinh cắn 6 người. Trong đó, một số người bị cắn đa chấn thương phần mềm ở đầu, tay, bụng… Các trường hợp này đã được sơ cứu ban đầu và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Sau khi cắn 6 người dân và học sinh, con chó tiếp tục lang thang trên một số tuyến đường ở thành phố Lạng Sơn. Rất may, khoảng 16 giờ cùng ngày, người dân đã phát hiện, vây bắt, xử lý và tiêu hủy con chó này theo quy định. 

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. 


Người dân tiêm phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn

Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Bệnh có rất nhiều triệu chứng biểu hiện nhưng thường được chia ra làm 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Thời kì ủ bệnh của vi rút và là điều kiện, môi trường để cho vi rút phát triển. Thời kì ủ bệnh của virus khoảng từ 20-60 ngày cho đến 90 ngày, và thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn, vết cắn càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngoài ra có một số trường hợp có thể có thời gian ủ bệnh đến hàng năm.

Giai đoạn 2: Đây là thời kì khởi phát, thời gian trước khi phát bệnh từ 2 đến 4 ngày người bệnh có cảm giác đau nhức vết cắn, sưng tấy lên. Những dấu hiệu này lan rộng theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết, đồng thời kèm theo một số triệu chứng như: bồn chồn, nóng nảy, cáu giận la hét vô cớ…

Giai đoạn 3: Thời kì toàn phát, đây là thời kì bệnh bắt đầu phát triển rất mạnh và có 2 thể lâm sàng: Thể hung dữ - bệnh nhân tăng kích thích: sợ nước, hốt hoảng; cơn co giật; co thắt thanh quản và cơ hô hấp; ngừng tim, ngừng thở. Rối loạn thần kinh thực vật: sốt cao, đồng tử giãn không đều, tăng tiết, hạ huyết áp thế đứng. Triệu chứng điển hình: sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng. Giữa hai cơn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo. Bệnh tiến triển nhanh chóng hôn mê, ngừng thở, ngừng tim. Thường tử vong trong 2 đến 4 ngày sau khi lên cơn vì liệt cơ hô hấp.

Đối với thể bại liệt thường ít gặp hơn và nếu gặp thì sẽ xuất hiện hiện tượng liệt rất nhanh sau những cơn co thắt. Lúc đầu có thể dị cảm ngay vết cắn, đau cột sống, đau nơi bị cắn, liệt tiến triển lan toả lên chi trên, mất phản xạ gân xương, liệt cả cơ cổ, mặt lưỡi (gây sặc), liệt các cơ hô hấp. Tử vong chậm hơn thể hung dữ, có thể kéo dài từ 2 - 20 ngày.

Cần làm gì? 

Theo khuyến cáo từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm, nạn nhân cần được sơ cứu ngay nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Việc sơ cứu bằng cách rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa lại bằng cồn 70%, cồn Iod hoặc Povidone, Iodine. Lưu ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm ngừa dại kịp thời. Đặc biệt, nạn nhân bị chó, mèo cắn tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa và không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Cảnh giác bệnh dại mùa nắng nóng