Những bệnh nguy hiểm thường gặp trong mùa hè

09/07/2020 16:37

Mùa hè là thời điểm bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Những bệnh dưới đây thường gặp và cần có biện pháp phòng chống.

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt, người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Triệu chứng thường gặp là sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C, kéo dài từ 2-7 ngày, khó hạ sốt, nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Để phòng và tránh bệnh sốt xuất huyết cần thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đây là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ bị biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong.

Bệnh sởi lây qua đường hô hấp do virus sởi gây ra, do vậy, tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ cần được tiêm 2 mũi, mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Bệnh tay - chân - miệng

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Người bệnh có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. 

Để phòng tránh bệnh tay-chân-miệng, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh. Thức ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng. 

Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh tiêu hóa thường gặp nhất. Để phòng và tránh bệnh này, cần thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt khi chế biến thực phẩm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Bệnh bạch hầu

Mùa hè năm nay ở nhiều nơi đã xuất hiện bệnh bạch hầu. Bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan chóng mặt có thể tạo ra đại dịch.

Sau khi nhiễm bệnh bạch hầu, người bệnh có biểu hiện sốt nhưng thường sốt không cao, da tái xanh,  mệt mỏi, li bì. Ho có tiếng ông ổng, kèm theo khó thở, khàn tiếng. Bệnh bạch hầu khá nguy hiểm nhưng hiện đã có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu là ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII). Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể... Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Những bệnh nguy hiểm thường gặp trong mùa hè