Bi hài chuyện cai sữa

07/06/2020 15:45

Cai sữa ở thời điểm nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều cần nhất là sự hiểu biết của những bà mẹ trẻ và sự dung hòa quan điểm giữa các thành viên trong gia đình.


Biết tin tôi sinh con đầu lòng, em trai tôi là bác sĩ gọi điện về dặn dò cẩn thận: “Chị nên cho cháu bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và đừng cai sữa sớm. Sữa mẹ rất tốt cho trẻ, đặc biệt là tăng sức đề kháng”. Điều ấy thì tôi cũng biết và tôi thực hiện đúng như lời em tôi dặn. Nhưng sau thời gian ở cữ, tôi phải đi làm và ăn uống không đầy đủ như 3 tháng đầu nên sữa tôi ít dần. Con tôi chuyển sang thời kỳ ăn dặm, sữa mẹ chỉ để cho bé “giải khát”. 

Khi con được 18 tháng, tôi muốn cai sữa vì ban đêm con hay sì sục đòi bú làm tôi thường xuyên bị mất ngủ nhưng mẹ chồng tôi không cho cai. Bà bảo: “Phải 2 năm mới được cai. Khổ thân thằng bé”. Đúng dịp em tôi về phép, chứng kiến con tôi ăn ngày bốn bữa cháo rất ngoan nên em bảo: “Cháu ăn tốt vậy thì 17, 18 tháng là cai sữa được rồi chị ạ!”. Tôi kể lại với mẹ chồng để thuyết phục bà đồng ý cho tôi cai sữa nhưng bà vẫn nhất mực không chịu nghe chỉ vì lý do “thương cháu”. Để không khí gia đình bớt căng thẳng, tôi nghe lời mẹ chồng, cho con bú đến 2 năm. Nhưng sau thời gian mất ngủ kéo dài, tôi bị sút cân nhanh chóng, đi khám bác sĩ bảo tôi bị suy nhược thần kinh. Lúc này chồng tôi buộc phải lên tiếng can thiệp và mẹ chồng tôi đồng ý cho tôi cai sữa. Khi ấy con tôi được 22 tháng, đã nói được nhiều nên việc cai sữa không đơn giản. Sau hai lần cai không thành công, chồng tôi quyết định đưa tôi đi nghỉ mát một tuần để dưỡng bệnh đồng thời cũng là để cai sữa cho con.

Chuyện cai sữa của Mai, bạn tôi thì ngược lại hoàn toàn. Cũng sinh con đầu lòng, cũng “tốt sữa” nên Mai muốn cho con bú ít nhất được 18 tháng trở lên nhưng mới được 1 năm mẹ chồng đã bắt Mai cai sữa con với lý do ngày xưa bà chỉ cho con bú “đúng 1 năm, không hơn một ngày”. Mai đã hết lời thuyết phục mẹ chồng rằng ngày xưa bà vất vả, phải lội ruộng và đẻ dày nên mới “cai” sớm chứ bây giờ Mai làm nhàn hơn, có điều kiện ăn uống tốt hơn nhưng mẹ chồng Mai không đồng quan điểm. Bà bảo sau 1 năm sữa Mai “chỉ như nước lã”. Mai ấm ức không làm thế nào được, gọi điện cho tôi chia sẻ: “Sữa mình như nước lã thì vẫn có sức đề kháng. Cai sớm mình sợ con hay bị ốm mà mẹ chồng mình thì cứ đem chuyện nuôi con ngày xưa áp đặt cho mình bây giờ. Mình biết các cụ nhiều kinh nghiệm nhưng cũng phải tùy hoàn cảnh, có phải lúc nào cũng máy móc được đâu. Cai sữa sớm thì mình càng nhàn, cho con bú thì mình vất vả nhưng mình thích sự vất vả ấy”. Tôi động viên Mai: “Thôi, nhịn đi, cố gắng cho con bú thêm một thời gian nữa”. Mai nhịn, không tranh luận với mẹ chồng nữa nhưng vẫn cho con bú. Mẹ chồng Mai tức quá, bảo rằng: “Chị có cho con bú đến lớn tôi cũng không thèm nói nữa”. Nói thì nói vậy thôi nhưng vì ở cùng nên dăm bữa nửa tháng bà lại nhắc Mai cai sữa: “Cai đi thôi, để đến lớn nó đuổi khắp nhà đấy”. Bị giục nhiều cũng sốt ruột nên khi con được 15 tháng thì Mai cai sữa. Mai vốn nhiều sữa nên ngực cứ cương lên đau nhức, con thì sang ngủ với bà, rời vòng tay mẹ khiến Mai hụt hẫng, tìm tôi khóc tấm tức. Tôi an ủi: “Thôi, cai sữa chứ làm sao mà phải khóc. Để nó nhay hằng đêm còn khổ hơn. Nó ngủ với bà thì mình càng nhàn”. Mai cũng nguôi ngoai phần nào nhưng vẫn còn ấm ức: “Cho con bú mà cũng không được theo ý mình”.

Chuyện nhà dì tôi mới thật là bi hài. Dì có con dâu làm ở đoàn nghệ thuật quân đội. Lúc con dâu dì sinh con, dì được đón lên thành phố bế cháu. Ai ngờ, con dâu dì cai sữa con ngay từ khi con mới lọt lòng, nhất quyết không cho con bú để “giữ cho bộ ngực đẹp”. Dì nói thế nào cũng không được mà con trai lại chiều vợ nên dì đành “bó tay”, chỉ biết than thở: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Thế là cháu dì có mẹ ở bên mà dì phải nuôi bộ. Ngày đêm dì phải pha sữa cho cháu uống. Có lần cháu sốt, khóc ra rả, thương cháu quá, dì vạch áo cho cháu bú mặc dù dì chẳng có tí sữa nào. Không ngờ thành quen, nó thích theo bà hơn là theo mẹ. Đến lúc được 2 tuổi, cháu dì phải cai bú... bà.

Việc cho con bú không chỉ tăng sức đề kháng ở trẻ mà còn tạo mối dây liên hệ của tình mẫu tử thiêng liêng ngay từ khi trẻ mới chào đời. Nhưng chuyện cai sữa ở thời điểm nào lại tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, từng trường hợp cụ thể. Điều cần nhất là sự hiểu biết của những bà mẹ trẻ và sự dung hòa quan điểm giữa các thành viên trong gia đình không cùng thế hệ.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Bi hài chuyện cai sữa