Cơ hội mới cho các xã sáp nhập về TP Hải Dương

29/11/2019 09:01

Từ ngày 1.12, các xã Tiền Tiến, Quyết Thắng (Thanh Hà), Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), Gia Xuyên, Liên Hồng (Gia Lộc) chính thức trở thành một phần của TP Hải Dương.


Xã Gia Xuyên sẽ có thêm cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những ngày này, người dân xã Gia Xuyên có chung niềm vui, ai nấy đều hân hoan khi sắp được là công dân của thành phố. "Chỉ còn ít ngày nữa thôi, chúng tôi sẽ ở vị thế mới.

Về thành phố, địa phương sẽ được đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh. Cuộc sống của người dân cũng nhờ vậy được nâng lên", ông Vũ Văn Ngãi ở thôn Tằng Hạ phấn khởi nói.

Năm 2008, một phần của xã Ngọc Sơn được sáp nhập vào phường Hải Tân (TP Hải Dương). 11 năm sau, toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số của địa phương này tiếp tục được giao cho thành phố quản lý.

Năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt 328,79 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,22 triệu đồng. Sáp nhập vào thành phố, các chỉ tiêu này được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế. Nông dân trong xã có truyền thống thâm canh rau màu, nhất là cây vụ đông. Ngoài ra, trên địa bàn có cụm công nghiệp Ngọc Sơn - Kỳ Sơn. Vì thế, chúng tôi mong thành phố có thể khai thác hiệu quả những tiềm lực này để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Người dân sẽ được thụ hưởng điều kiện sống văn minh, hiện đại hơn".

TP Hải Dương mở rộng địa giới hành chính bằng việc sáp nhập thêm 5 xã của các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc có tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng lao động. Khi sáp nhập vào TP Hải Dương, các xã trên sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển không gian đô thị ngôi sao, đa cực hướng tâm mà thành phố đang xây dựng.

2 xã Quyết Thắng và Tiền Tiến thuộc khu chức năng 2 được định hướng là khu công nghiệp sạch, kho vận và nhà ở. Cùng với phường Hải Tân, xã Tân Hưng (Tân Hưng sẽ lên phường từ ngày 1.12), xã Ngọc Sơn được lựa chọn trở thành trung tâm chế xuất và dự trữ nông sản của thành phố ở khu chức năng 3.

Đây cũng là nơi thúc đẩy du lịch nông thôn. Với lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, các xã Liên Hồng, Gia Xuyên sẽ là điểm nhấn của khu chức năng 4 khi được đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và là nơi nghiên cứu nông sản thế mạnh của tỉnh nói chung, thành phố nói riêng.

Theo ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên, hiện địa phương có hơn 200 ha đất canh tác, chủ yếu trồng đào, hoa, cây cảnh. Khi sáp nhập vào thành phố, xã sẽ tập trung phát huy thế mạnh này để hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị, vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa góp phần giảm áp lực trong quá trình đô thị hóa. Để thực hiện được điều này, xã rất cần thành phố quan tâm hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

5 xã sáp nhập vào TP Hải Dương giúp thành phố tổ chức hợp lý các khu chức năng về công nghiệp, dịch vụ, sinh thái... tạo ra sự phát triển cân đối giữa khu vực nội thị và ngoại thị. Sự tác động tương hỗ hai chiều sẽ giúp thành phố bảo đảm được các mục tiêu cũng như những địa phương, cư dân mới có điều kiện phát triển, nâng cao mức sống.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mới cho các xã sáp nhập về TP Hải Dương