Cổ Vịt ngày mới

18/08/2018 10:05

Giờ đây, ở Cổ Vịt, xóm nào cũng mang diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang, những con đường bê tông to đẹp rực rỡ sắc hoa.

Diện mạo Cổ Vịt xưa, khu dân cư Tiên Sơn ngày nay khang trang, sạch đẹp

Từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với địa thế rừng núi hiểm trở, ấp Cổ Vịt, nay là khu dân cư (KDC) Tiên Sơn, phường Cộng Hòa (Chí Linh) đã trở thành cái nôi để các phong trào đấu tranh yêu nước phát triển.

Miền đất lịch sử     

Một trong những sự kiện lịch sử là vào tháng 2.1930, sau khởi nghĩa thất bại, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học về đây ẩn náu và bị Pháp bắt. Năm 1929, đồng chí Trần Cung là hội viên Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã về Chí Linh xây dựng cơ sở ở Chi Ngãi và Trúc Thôn (Cộng Hòa). Bị bắt rồi vượt ngục, cuối năm 1936, đồng chí về Cộng Hòa xây dựng các tổ "ái hữu", "tương tế" để tập hợp quần chúng đấu tranh với bọn hào lý, chống sưu thuế, lấn chiếm ruộng đất công. Ở Cổ Vịt, cuối năm 1939, hội ái hữu lên đến 40 người.

Sau khi đồng chí Trần Cung bị bắt lần thứ hai, cuối năm 1939, cán bộ cách mạng của ta ở Tạ Xá (Nam Sách) đã về Hàm Ếch và Cổ Vịt (Cộng Hòa) tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở làm đầu mối liên lạc của Liên Tỉnh ủyB (phụ trách cách mạng các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hưng Yên) và Xứ ủy Bắc Kỳ. Sang đầu năm 1940, một loạt các đồng chí cán bộ cách mạng lão thành của Liên Tỉnh ủy B như Nguyễn Tấn Phúc, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Mạnh Hoan đã về Cộng Hòa hoạt động, giúp đỡ cơ sở gây dựng phong trào. Về Cổ Vịt, các đồng chí đã được nhân dân ở đây nuôi giấu, đùm bọc như người ruột thịt.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ở Cộng Hòa đã thành lập được tổ Việt Minh gồm 9 đồng chí. Các đồng chí trong tổ Việt Minh phân công nhau tới các thôn tuyên truyền nhân dân và thành lập các tổ cứu quốc. Nhóm thanh niên yêu nước ở Cổ Vịt do Đỗ Sơn đứng đầu cũng được giác ngộ theo Việt Minh trở thành cơ sở mạnh trong xã, trong huyện với khẩu hiệu "Thanh niên Cổ Vịt nối chí Việt Minh". Tháng 6.1945, vùng núi Chí Linh trở thành đệ tứ chiến khu, đồng chí Đỗ Sơn lãnh đạo nông dân phá kho thóc của đồn điền Cửu Sinh chia cho dân nghèo. Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân Cổ Vịt cùng nhân dân Cộng Hòa đứng lên giành chính quyền.

Trong kháng chiến chống Pháp, Cổ Vịt là nơi duy nhất của xã Cộng Hòa địch không lập được tề, trở thành căn cứ địa của du kích xã. Từ Cổ Vịt, du kích xã đã nhiều lần phối hợp với bộ đội tổ chức nhiều trận đánh chống lại các cuộc càn quét của địch. Cổ Vịt cũng trở thành vùng tự do để ta chống phá tề, trừng trị bọn Việt gian phản động. 

Không ngừng khởi sắc 

Cổ Vịt hẻo lánh xưa nay đã đổi thay. Giờ đây, xóm nào cũng mang diện mạo mới với những ngôi nhà hai tầng, ba tầng khang trang, những con đường bê tông to đẹp rực rỡ sắc hoa. Trung tâm văn hóa có 1sân bóng đá, 3 sân bóng chuyền hơi hằng ngày thu hút hàng trăm người dân trong KDC đến tập luyện.

Nói về đổi thay của KDC, đồng chí Nguyễn Văn Liễu, Bí thư Chi bộ, Trưởng KDC Tiên Sơn cho biết: Năm 2004, Tiên Sơn là thôn đầu tiên của Cộng Hòa được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Phát huy tiềm năng, thế mạnh đồi rừng, hiện trong KDC có hơn 30 hộ chăn nuôi gà, lợn với quy mô lớn. Các hộ chăn nuôi còn tập hợp thành câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cung cấp giống vốn, giúp nhau thị trường tiêu thụ. Gắn với khu di tích lịch sử Côn Sơn, hiện trong KDC có gần 90 hộ có ki ốt kinh doanh dịch vụ. Năm 2017, thu nhập bình quân ở Tiên Sơn đạt 40 triệu đồng/người. Cùng với phát triển kinh tế, người dân nơi đây không ngừng góp công, góp của kiến thiết quê hương. Đầu năm nay, nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng làm 1,5km đường bê tông vào các ngõ xóm. Đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Nhiều năm nay, trong KDC không có người vi phạm pháp luật...

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ Vịt ngày mới