Đêm bắt phi công Mỹ ở An Bình

30/04/2019 11:06

Trong cuộc đời cựu dân quân Nguyễn Danh Sính ở thôn An Đoài, xã An Bình (Nam Sách) còn in đậm ký ức khó quên khi ông cùng đồng đội trắng đêm vây bắt giặc lái Mỹ.

Ông Nguyễn Danh Sính (bên phải) và đồng đội chụp ảnh dưới cây quéo, nơi đã bắt được phi công Mỹ

Ký ức không quên

Ông Nguyễn Danh Sính năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông từng được giao đảm trách cương vị trung đội phó dân quân thôn An Đoài trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Nhớ về kỷ niệm bắt giặc lái Mỹ, ông Sính kể khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, xã An Bình cùng với nhân dân toàn tỉnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Mặc dù không phải là vị trí chiến lược trọng yếu song xã nhiều lần là mục tiêu oanh tạc của máy bay địch. Những năm đó, trung đội dân quân thôn An Đoài gồm 36 người ngày đào hầm, đắp ụ trực chiến, canh phòng máy bay, đêm tuần phòng canh gác bảo vệ xóm làng.

Tối 10.9.1966, máy bay Mỹ đánh phá khu vực tỉnh Hà Bắc. Sau những tiếng súng nổ rền của lực lượng phòng không ta, trên bầu trời xuất hiện một luồng lửa đỏ rực lao từ phía tây về phía đông. Lúc đó, trung đội dân quân tập trung ở khu vực sân kho của thôn để chuẩn bị tuần tra. "Máy bay cháy rồi - chúng tôi hướng lên bầu trời hô to. Luồng lửa đỏ rực đó hạ thấp độ cao rồi rơi xuống bãi sông thuộc khu vực xã Cộng Hòa giáp ranh. Qua rà soát, trên địa bàn xã An Bình phát hiện ghế ngồi, mũ phi công cùng một số vật dụng khác. Cấp trên nhận định khả năng có 2 phi công Mỹ nhảy dù xuống xã nhà. Nhận được thông báo, xã họp gấp và huy động toàn bộ lực lượng dân quân rà soát các cánh đồng truy tìm phi công", ông Sính nhớ lại. 

Nhận lệnh, trung đội dân quân thôn An Đoài chia thành 3 mũi tuần tra. Mũi của ông Sính gồm 12 người, trong đó ông Sính cùng với các ông Nguyễn Danh Xuyên và Nguyễn Viết Chộp được phân công đi trước. Ông Sính kể: "Đi đến khu vực đồng An Đoài, lia đèn pin lên ngọn cây quéo (khu mả gai) cả nhóm phát hiện thấy dù đang phất phơ trên ngọn cây. Ở gốc cây, tôi thấy tên phi công Mỹ to lớn đang ngồi thủ thế, tay lăm lăm súng lục. Tất cả đèn pin trên tay chúng tôi đồng loạt rọi thẳng vào viên phi công. Bị rọi đèn, người này ngồi im, không có động thái chống trả. Sau đó tôi sáp tới tước khẩu súng trên tay phi công. Theo ám hiệu, tôi bắn một phát súng lên trời để thông báo. Sau đó, chúng tôi giải người này về khu sân kho". Để tránh sự kích động của người dân, đội dân quân phải nhốt viên phi công vào nhà kho và bảo vệ cẩn mật. Chừng vài chục phút sau xe của Huyện đội về, xã làm thủ tục và giao lại viên phi công cho Huyện đội.

Sau khi bắt được tên giặc lái thứ nhất, các nhóm dân quân lại túa khắp các xứ đồng truy tìm viên phi công thứ hai. Sáng sớm hôm sau, Trung đội dân quân thôn An Đoài với sự phối hợp của người dân mới phát hiện người thứ hai tại khu đồng Mơ. "Khi chúng tôi tới nơi thấy quần áo của tên phi công lấm lem bùn đất. Thì ra sau khi nhảy dù, người này đã trốn vào trong các ruộng lúa đang kỳ vào mẩy. Lúc bị bắt hắn run rẩy, sợ sệt, miệng bập bẹ mấy câu tiếng Việt. Về đến khu sân kho, trong lúc chờ Huyện đội xuống tiếp nhận, anh em dân quân đã cho hắn đi tắm rửa, thay quần áo", ông Sính nhớ lại.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Cho chúng tôi xem bức ảnh chụp 3 dân quân khoác súng, ông Sính cho biết: “Bức ảnh này chụp tôi và ông Xuyên, ông Chộp đứng dưới cây quéo bắt tên phi công. Sau khi bắt sống phi công Mỹ, tôi và hai đồng đội đã được cấp trên khen thưởng, báo chí về viết bài”.

Đến nay, hai đồng đội bắt phi công cùng ông Sính năm xưa đã qua đời. Cây quéo minh chứng cho sự kiện năm đó cũng đã chết mấy năm nay. Nhưng câu chuyện về bắt phi công Mỹ trên đất An Bình và đặc biệt sự kiện viên phi công Mỹ bị bắt năm ấy trở về thăm nơi này vẫn được người dân kể cho các thế hệ sau nghe.

Ông Sính nhớ lại hồi năm 1997, ông được thông báo có người của Đại sứ quán Mỹ về thăm gia đình. "Nửa buổi, tôi thấy một đoàn có cả mấy người nước ngoài đi cùng vào nhà. Vừa nhìn thấy tôi, một người đàn ông nước ngoài to lớn đưa tay cho tôi bắt. Tôi nhận ra ngay vị khách viếng thăm mình chính là viên phi công Mỹ Pete Peterson bị ba chúng tôi bắt ngày xưa. Ông Peterson bảo đêm đó, ông lái máy bay chiến đấu F-4 Phantom II tấn công miền Bắc thì bị bắn rơi. Ông bị giam giữ 6 năm và được phóng thích vào năm 1973. Sau đó, ông nắm lấy tay tôi cảm ơn vì đã cứu khi bị bắt và rất ân hận do đã ném bom gây thương đau cho người dân Việt Nam", ông Sính kể lại.

Năm 1997, Mỹ lập sứ quán tại Hà Nội. Ông Pete Peterson được Mỹ cử sang làm đại sứ đầu tiên. Sau lần đó, ông Sính và đại sứ Mỹ Pete Peterson thường xuyên giữ mối liên lạc. Bản thân đại sứ Mỹ Pete Peterson còn vài lần về thăm An Bình. Ông đã vận động hỗ trợ cho xã An Bình xây dựng trường tiểu học. Trước khi hết nhiệm kỳ về nước, ông Sính cũng được đại sứ Mỹ Pete Peterson mời lên thăm và chào tạm biệt.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đêm bắt phi công Mỹ ở An Bình