Điểm tựa

05/07/2020 15:01

Chị nhận ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh chứ không phải tiếng mèo. Chị đánh thức anh dậy, mở cửa nhà thì phát hiện tiếng khóc phát ra từ chiếc thùng các tông đặt ngay trước nhà.


Dù đã bước qua tuổi tứ tuần nhưng nhìn chị trẻ hơn cả chục tuổi. Phụ nữ nhất dáng, nhì da, thứ ba mới đến khuôn mặt nhưng chị đẹp cả khuôn mặt đến dáng người, nước da thì trắng hồng. Không hiểu có phải cái triết lý “hồng nhan bạc phận” vận vào chị không mà hơn chục năm đi làm dâu, làm vợ nhưng chị không được làm mẹ. Tiếng cười vụt tắt trên môi chị từ lúc nào. Chị giấu nước mắt vào bóng đêm. Lòng chị dần chai sạn mỗi khi nghe tiếng chì tiếng bấc từ gia đình chồng. Cuộc hôn nhân thứ nhất đổ vỡ là lẽ tất yếu bởi chính chị cũng muốn giải thoát cho chồng, cho mình. Chị mắc chứng vô sinh nên chị không thể ích kỷ giữ anh khư khư, trong khi xung quanh có biết bao người phụ nữ có thể đem lại cho anh hạnh phúc với những đứa con kháu khỉnh mà anh luôn khao khát.

Ly hôn xong, chị ra đi với chiếc xe máy và va li quần áo. Chị chẳng đòi hỏi gì hơn ở gia đình chồng. Chị lặng lẽ về sống với bố mẹ đẻ và vợ chồng em trai. Em chị có hai đứa con, đủ nếp đủ tẻ nhưng vì bố mẹ giục giã, làm công tác tư tưởng, thuyết phục vợ chồng em sinh thêm đứa thứ ba, rồi cho làm con nuôi chị từ bé. Chị sẽ nuôi dưỡng nó, coi nó như điểm tựa của đời mình khi về già. Nhưng em dâu chị không đồng ý. Hai đứa trẻ kia không biết được mẹ xui thế nào mà hồn nhiên thỏ thẻ với chị: “Bác ơi! Con chỉ có một mẹ thôi! Sau này con lớn con chỉ nuôi mẹ con thôi”. Chị sững sờ, nghĩ mình chẳng thể ở nhà làm “bà cô” đến chết héo được. Định kiến cũng bớt khắt khe, cuộc đời phía trước còn rộng còn dài, hơn nữa chị vẫn trẻ trung, xinh đẹp. Chị mở lòng với những mối quan hệ mới nhưng đi bước nữa quả không đơn giản. Cái cảnh “rổ rá cạp lại” thì không thể nào kén cá chọn canh, người được mặt này thì hỏng mặt kia. Cuối cùng chị đến với anh vì anh không nặng nề chuyện con cái. Các con anh đã trưởng thành, đã có gia đình riêng. Vợ anh mất từ lâu nhưng anh vẫn sống cảnh “gà trống nuôi con”. Bây giờ các con đã trưởng thành, có công ăn việc làm đàng hoàng, có hạnh phúc riêng thì anh mới nghĩ đến hạnh phúc của mình.

Anh hơn chị gần hai chục tuổi nên kinh tế vững vàng, chị không phải lo về tài chính. Có điều nhiều thứ trong cuộc sống vợ chồng khá lệch pha. Hằng ngày, chị đi làm cơ quan, anh nghỉ hưu chăm vườn, nấu cơm, dọn dẹp chờ chị về ăn. Tối tối, anh ngủ sớm và dậy từ tờ mờ sáng, còn chị thức khuya và dậy muộn hơn. Chị thích đi xem phim ở rạp, đi cà phê ngoài phố nhưng anh thì không. Nếu cuộc sống vợ chồng cứ lặp đi lặp lại như thế, chị cũng cảm thấy nhàm chán, nhưng một sự việc bất ngờ xảy đến khiến chị sung sướng như bắt được vàng. Đêm ấy, chị làm việc khuya, bên tai bỗng văng vẳng tiếng “oe oe” ngay trước nhà mình. Dỏng tai nghe, lúc đầu chị tưởng tiếng mèo kêu nhưng cái âm thanh “oe oe” kia ngày càng rõ hơn. Chị nhận ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh chứ không phải tiếng mèo. Chị đánh thức anh dậy, mở cửa nhà thì phát hiện tiếng khóc phát ra từ chiếc thùng các tông đặt ngay trước nhà. Chị vạch ra, bé trai còn đỏ hỏn, mới sinh được một ngày cùng tờ giấy kèm dòng chữ “Nhờ anh chị nuôi hộ”. Chị gọi hàng xóm dậy chứng kiến, còn anh gọi điện cho chính quyền xã đến lập biên bản. Chị chẳng hề đắn đó, tha thiết xin được chăm sóc đứa bé. Sau những thủ tục quy định, chị quyết nhận nó làm con nuôi mặc thiên hạ bàn ra tán vào, mặc cho anh có chút lưỡng lự. Anh bảo: “Họ vứt con trước cửa nhà mình tức là họ biết rõ mình, họ có tính toán của họ. Sau này họ đòi lại con thì mình công cốc à”. Chị chưa nghĩ xa như thế. Chị năn nỉ: “Em xin anh đấy! Con cái là lộc trời cho. Nó đến trước cửa nhà mình thì mình nuôi. Công sinh không bằng công dưỡng. Nhưng em cũng chẳng mong được đáp đền, cứ làm phúc đã anh ạ!”.

Từ ngày có thằng bé, cuộc sống của vợ chồng chị bận rộn nhưng sinh động hẳn lên. Chị tíu tít với tã, bỉm, bột, sữa… Chị như người phụ nữ lần đầu được làm mẹ nên rời cơ quan là lao ngay về nhà với con. Nó như điểm tựa tinh thần giúp chị xóa đi mặc cảm bấy lâu nay. Chị quên hết cả mệt nhọc, chỉ cần được ôm thằng bé vào lòng, được thấy nó lớn lên từng ngày là chị cảm thấy hạnh phúc tràn ngập lòng mình.

TRẦN THỊ LÀNH

(0) Bình luận
Điểm tựa