Đô thị phát triển toàn diện

29/01/2021 09:52

Với những kết quả đạt được trong phát triển đô thị thời gian qua, Hải Dương xác định xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững trong thời gian tới.


Đô thị Hải Dương sẽ phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại

Một trong những bước đột phá của Hải Dương thời gian qua là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và đồng bộ.   

Đẩy nhanh đô thị hóa

Hải Dương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có lợi thế lớn trong giao thương với Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương khác trong vùng. Tỉnh đã sớm xác định xây dựng đô thị có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các cơ quan chuyên môn đã chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức lập chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị, công nhận loại đô thị theo lộ trình phát triển đô thị đã được phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) mới hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Đặc biệt, Hải Dương đã hoàn thành điều chỉnh địa giới hành chính, nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I, thị xã Chí Linh đạt đô thị loại III và trở thành thành phố, huyện Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đạt tiêu chí đô thị loại V...

Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Hải Dương đã đạt 32,2%. Trong vòng 5 năm qua đã có 37 KĐT được triển khai xây dựng và hoàn thiện. Các dự án phát triển đô thị, KDC mới đã tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, tạo nguồn vốn từ quỹ đất xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao đời sống của người dân. 

Thời gian qua, một số KĐT, KDC mới được xây dựng đã trở thành điểm nhấn, tạo dấu ấn trong phát triển đô thị, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương như KĐT sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers), tổ hợp chung cư Bạch Đằng Lakeview, khu chung cư Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương), KĐT sinh thái Thành Công (Kinh Môn) hay KDC hồ Mật Sơn (TP Chí Linh) cùng hàng loạt các KĐT, KDC mới ở các huyện Thanh Miện, Bình Giang, Nam Sách, Gia Lộc, Cẩm Giàng... Cùng với xây dựng các KĐT, KDC mới, hạ tầng đô thị thiết yếu khu vực nông thôn như đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch... được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị lớn như TP Hải Dương, Chí Linh và thị xã Kinh Môn được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ, góp phần thu hút các nhà đầu tư. 

Những thành quả trong phát triển đô thị đã giúp Hải Dương từng bước thực hiện mục tiêu đặt ra trong chương trình phát triển đô thị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là nâng tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 45%, năm 2030 đạt trên 60%; chương trình xây dựng và phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.


Những khu đô thị mới được xây dựng đã trở thành điểm nhấn ở nhiều địa phương

Phát triển theo hướng thông minh         

Thời gian tới, Hải Dương phấn đấu hoàn thành việc lập, triển khai quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm2045 và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch trên địa bàn. Các KĐT, KDC mới phải bảo đảm có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh... nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân. 

Tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của TP Hải Dương, cải tạo, chỉnh trang khu trung tâm thành phố, mở rộng không gian phát triển đô thị hai bên bờ sông Thái Bình và sông Sặt. Tập trung phát triển TP Hải Dương, TP Chí Linh theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Thị xã Kinh Môn theo hướng đô thị thông minh, hiện đại. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin định hướng phát triển đô thị nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị. Phấn đấu xây dựng Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian sớm nhất. 

Trong chương trình phát triển đô thị tỉnh ta còn đặt ra mục tiêu nâng cấp TP Chí Linh đạt tiêu chí đô thị loại II, thị xã Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III và thành lập TP Kinh Môn trước năm 2030. Nâng cấp các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách đạt tiêu chí đô thị loạiIV trước năm 2025; các huyện Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2030. Nâng cấp các xã có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển trở thành đô thị loại V... 

Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh tới năm 2030, Đảng bộ tỉnh xác định kinh tế Hải Dương phát triển dựa trên: "Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển". Trong đó, một trung tâm phát triển là TPHải Dương. Ba đô thị động lực là TPChí Linh, thị xã Kinh Môn và thị xã Bình Giang (nâng cấp huyện Bình Giang lên thị xã). TP Hải Dương sẽ là đô thị trụ cột, kết hợp với một số đô thị vệ tinh để hình thành chuỗi liên kết đô thị liên hoàn. Trong phát triển đô thị, xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại đã được xác định là một trong bốn trụ cột để phát triển kinh tế bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng để xây dựng Hải Dương ngày càng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. 

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Đô thị phát triển toàn diện