Đôi điều về Tết Nguyên đán

28/01/2020 19:05

​Nên giữ hay bỏ Tết Nguyên đán? Nghỉ Tết mấy ngày là vừa? Đón Tết ra sao để vừa vui vẻ vừa tiết kiệm, an toàn... là những điều chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này.


M
ột đồng tiền của người La Mã có chân dung thần Janus, người được phác họa có hai đầu, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới

Nên giữ hay bỏ Tết Nguyên đán?

Vì sao có quan điểm cho rằng phải bỏ Tết Nguyên đán, chỉ mừng năm mới như ở phương Tây? Bởi do quan điểm về Tết Nguyên đán của người thành thị khác người nông thôn. Nhưng chúng ta quên rằng cấu trúc văn hóa truyền thống của người Việt Nam là làng và tuyệt đại đa số dân số nước ta từ xưa đến nay là nông dân.

Tết Nguyên đán là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới. Trong khoảng thời gian đó, người nông dân sẽ hưởng thụ thành quả lao động của mình để lấy sức cho một mùa vụ mới. Bữa cơm ngày thường của người nông dân luôn thiếu thốn. Cho nên ăn Tết Nguyên đán của người nông dân với đầy đủ vật chất (nhà cửa được quét vôi mới, bàn thờ được lau dọn sạch sẽ, trang trí thêm cành đào, cành mai…), nhiều món ngon vật lạ (bánh chưng, bánh dầy, dưa món, mứt, thịt lợn…) là ước mơ về sự đủ đầy trong cả năm. Tết Nguyên đán là những ngày nông nhàn của người nông dân. Trong các ngày nông nhàn ấy, một bộ phận nông dân còn biến mình thành người buôn bán ở chợ hoặc trở thành người thợ thủ công để kiếm thêm thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của các khu chợ chỉ họp vào ngày Tết như phiên chợ Thiều (Thanh Hóa), chợ đình Bích La (Quảng Trị), chợ Gia Lạc (Huế), chợ Gò (Bình Định)...

Cũng phải thừa nhận, với sự phát triển kinh tế thị trường đã xuất hiện một bộ phận giàu có trong xã hội. Với họ, ngày nào cũng có thể như những ngày Tết Nguyên đán vì họ thụ hưởng thường xuyên và quá đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Nên họ cũng mất đi cảm giác mong mỏi một cái Tết sung túc của người nông dân. Tuy nhiên, đại đa số người dân Việt Nam với thu nhập còn khó khăn vẫn luôn mong có một khoảng thời gian đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần, đó chính là Tết Nguyên đán. Bởi vậy, việc đòi bỏ Tết Nguyên đán có thể coi là ý kiến của một bộ phận nhỏ trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Trong dương lịch, ngày 1.1 - Ngày Năm mới (New Year's Day) ở phương Tây chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của tháng 1 (January). Đó là vị thần Janus, người được phác họa có hai đầu, một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Còn âm lịch chính là nông lịch. Thực tế so với dương lịch, việc xác định năm mới từ tháng giêng của người Việt cổ hợp quy luật thiên nhiên hơn, vì lúc này cỏ cây mới nảy mầm, mới khai hoa, mở đầu một chu kỳ sinh trưởng mới.


Ngày đầu năm mới của người Trung Quốc là ngày xua đuổi con “niên” (năm) bằng tiếng pháo

Nguyên nghĩa của từ “Tết” chính là “tiết”. Văn hóa Việt cổ - thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước - do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc giao thời. Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là tiết Nguyên đán, sau này được biết đến là Tết Nguyên đán. Nếu bỏ Tết Nguyên đán, chúng ta sẽ bỏ cả nền văn minh lúa nước để chuyển sang nền văn minh lúa mì của phương Tây liệu có được không?

Năm mới ở Trung Quốc bắt đầu bằng việc xua đuổi con “Niên” (năm). Theo truyền thuyết, ngày xưa ở Trung Quốc có con thú dữ gọi là “Niên”, trên đầu mọc sừng, hết sức hung dữ. Con “Niên” quanh năm suốt tháng sống dưới đáy biển, cứ vào đầu năm mới thì nó mới lên bờ để giết súc vật và hại người. Tuy nhiên, con vật này sợ tiếng ồn nên người Trung Quốc đã dùng pháo đốt để xua đuổi. Bởi vậy, những ngày đầu năm trong tâm thức của người Trung Quốc xưa là một nỗi sợ chứ không phải là mừng vụ mùa như người Việt cổ. 

Khổng Tử, nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa đã viết trong sách “Kinh Lễ” rằng: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.

Sách “Giao Chỉ chí” của Trung Quốc cũng có đoạn viết về Tết: “...người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của quan lang, chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”.

Như vậy, Tết là đặc trưng của văn hóa Việt cổ. Nấu bánh chưng, bánh dầy, ăn trầu cau… là những nét độc đáo vào ngày Tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ. Bởi vậy gần đây có quan điểm cho rằng phải bỏ Tết Nguyên đán, chỉ vui chơi vào Ngày Năm mới (New Year's Day) như phương Tây đã khiến cho dư luận phản ứng. Bởi vì về bản chất, Tết cổ truyền là bản sắc văn hóa của người Việt có từ cách đây hàng nghìn năm vào thời dựng nước và giữ nước.


Đốt pháo ngày Tết là một tục lễ cũ nay đã bị xóa bỏ

Nghỉ Tết mấy ngày là vừa?

Tết Nguyên đán không chỉ gói gọn trong ba ngày mà còn kéo dài đến mồng 10 tháng giêng. Dân gian gọi là “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân”. Chính tâm lý trọng tình đã hun đúc nên một cái Tết kéo dài nhưng rất hợp lý. Bởi trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”. Nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ. Thử hỏi ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu... lại không có tâm lý thích được có một khoảng thời gian dài để gặp lại người thân?

Vậy khoảng thời gian phù hợp nhất là khi nào? Đó chính là Tết Nguyên đán. Lúc đó, người ở quê cũng đang nghỉ ngơi nên người xa quê về cũng có thể chung vui được. Giả sử nếu bỏ Tết Nguyên đán và chỉ nghỉ Tết Tây với thời gian một ngày thì người làm ăn xa quê làm sao có thể về kịp? Làm sao họ có thể duy trì truyền thống tốt đẹp “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”? Bởi vậy, Tết Nguyên đán là sự đoàn viên. Nếu như nước ta mừng năm mới như ở phương Tây trong một ngày thì liệu có đủ thời gian cho sự đoàn viên không?

Đón Tết ra sao để vừa vui vẻ vừa tiết kiệm, an toàn?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đón Tết ra sao để vừa vui vẻ, vừa tiết kiệm. Trên báo “Tiếng gọi phụ nữ” (Cơ quan tuyên truyền cổ động của Phụ nữ Cứu quốc) số Tết Bính Tuất 1946 ra ngày 22.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thơ gửi phụ nữ Việt Nam để cổ vũ cho đời sống mới nhân dịp nước nhà vừa mới giành được độc lập: "Năm mới Bính Tuất/Phụ nữ đồng bào/Phải gắng làm sao/Gây “Đời sống mới”/Việc thành là bởi/Chúng ta siêng mần/Vậy nên chữ cần/Ta thực hành trước/Lại phải kiệm ước/ Bỏ thói xa hoa/Tiền của dư ra/Đem làm việc nghĩa..."

Ngày 18.1.1960, gần đến Tết Canh Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Mừng Tết Nguyên Đán như thế nào?” (báo Nhân Dân số 2132) nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Người nhận định: “Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”. Và Người kêu gọi: “Mừng xuân, xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”.

NGUYỄN VĂN TOÀN

(0) Bình luận
Đôi điều về Tết Nguyên đán