Đồng hành cùng nông dân trong thời kỳ mới

28/08/2018 09:37

​Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, song nhiệm kỳ qua (2013-2018), các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã nỗ lực đổi mới hình thức và nội dung hoạt động phù hợp với thực tiễn.

Qua đó, công tác hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ chức hội ngày càng lớn mạnh


Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho hội viên nông dân xã Tân Dân (Chí Linh)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội, nhiệm kỳ qua, các cấp HND trong tỉnh đã chú trọng công tác vận động, tập hợp nông dân để phát triển thêm nhiều hội viên mới. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi hội, tổ hội, tập trung xây dựng mô hình điểm chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, giúp đỡ cơ sở hội còn hạn chế từng bước vươn lên... Kết quả, các cấp hội đã kết nạp 68.017 hội viên mới (vượt 70% chỉ tiêu đề ra), đưa tổng số lên 375.097 hội viên; thành lập mới 27 chi hội nghề nghiệp và 60mô hình tổ hội nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hội các cấp, bảo đảm theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển của tổ chức hội trong tình hình mới.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên được các cấp hội xác định là nhiệm vụ quan trọng với phương châm hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với vận động, hướng dẫn thông qua các mô hình cụ thể. Các cấp HND đã phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 275.346 lượt người, tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí cho 56.341 lượt hội viên. Đặc biệt, hội đã đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. 

Hội chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm công khai về tài chính hoạt động, góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong tổ chức, hướng đến mục tiêu phát triển vững mạnh. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã thực hiện 4.103 cuộc kiểm tra từ huyện đến cơ sở. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế cho các đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ HND các cấp.

Đa dạng hình thức hỗ trợ nông dân


Các hoạt động hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp đã giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập

Xác định hoạt động hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, trong nhiệm kỳ qua, HND tỉnh đã xây dựng nghị quyết về đẩy mạnh hoạt động này. Các cấp HND trong tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp trích ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Đến nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh có gần 52 tỷ đồng (tăng 31,5 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ). Nguồn quỹ này được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích và đang giúp cho 4.023 hộ nông dân vay phát triển sản xuất. Các cấp hội đã ký chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp, bảo lãnh cho hơn 131.000 lượt hộ vay trên 1.800 tỷ đồng. Khai thác tốt nguồn quỹ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân về giống, vốn, vật tư, kỹ thuật ứng dụng vào phát triển sản xuất.

Đặc biệt, các cấp HND trong tỉnh đã chủ động thực hiện và xây dựng một số mô hình, chương trình được cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao. Điển hình như Đề án "Hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm cho hộ nghèo và cận nghèo" đã cung ứng hơn 10.000 tấn phân bón cho nông dân; Dự án “Mô hình nuôi gà ri lai lương phượng thương phẩm” và “Gà ri vàng rơm” với quy mô trên 25.000 con, hỗ trợ hơn 200 triệu đồng cho các hộ nông dân tham gia dự án...

Các hoạt động dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất được các cấp hội quan tâm đẩy mạnh. 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc HND tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 5.560 lượt người. Sau học nghề, hội viên nông dân áp dụng kiến thức vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, trung tâm cũng tổ chức tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thuỷ sản cho 604.688 lượt nông dân.

Các cấp hội cũng quan tâm hỗ trợ nông dân về thông tin, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. HND tỉnh ký kết chương trình phối hợp với HND các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. HND các huyện Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành, Gia Lộc và Thanh Miện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng xây dựng thương hiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương như vải thiều, ổi, bưởi (Thanh Hà); nếp cái hoa vàng, bột sắn dây, hành, tỏi (Kinh Môn); củ đậu (Kim Thành); nhãn hiệu tập thể rau an toàn huyện Gia Lộc; bánh đa Hội Yên - Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Các cấp HND còn tích cực hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình câu lạc bộ, các tổ, nhóm liên kết, thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm.


Sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời đó đã giúp nông dân toàn tỉnh hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu. 5 năm qua, toàn tỉnh có 704.595 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, gồm 739 lượt hộ đạt danh hiệu cấp trung ương, 32.571 lượt hộ cấp tỉnh, 163.393 lượt hộ cấp huyện, 507.892 lượt hộ cấp cơ sở.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân hiến hơn 3,9 triệu m2 đất, đóng góp gần 2 triệu ngày công lao động cùng hàng nghìn tỷ đồng để sửa chữa và làm mới hệ thống đường giao thông nông thôn, đường nội đồng. Chủ động và phối hợp tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao, kỹ năng sống, xây dựng gia đình hạnh phúc nhằm nâng cao thể chất, đời sống tinh thần cho hội viên và gia đình của họ.
Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa VIII tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra phương hướng hoạt động là phát huy tinh thần “Dân chủ - đoàn kết - đổi mới - hội nhập - phát triển”. Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết hội viên, nông dân. Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ của cán bộ, hội viên, nông dân, từng bước xây dựng đội ngũ lao động nông thôn có năng lực và kỹ năng sản xuất, tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PHẠM THỊ THU BÌNH

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

ĐỖ 

Hỗ trợ nông dân tiếp cận sản xuất thời đại 4.0


Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Hội viên nông dân trong tỉnh cần chuẩn bị hành trang để bắt kịp xu hướng mới này. Các cấp hội cần chủ động hơn nữa trong phối hợp với các sở, ngành để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp hiện đại.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật để thay đổi dần cách sản xuất nông nghiệp của nông dân. Hướng dẫn nông dân tiếp cận với phương pháp sản xuất hiện đại như trồng rau sạch trong nhà màng, nhà kính; sử dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm, các loại máy móc nông nghiệp hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cấp hội cũng cần xây dựng nhiều mô hình trình diễn áp dụng công nghệ mới để nông dân học tập và làm theo.

VƯƠNG ĐỨC DŨNG

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng


Đổi mới chương trình dạy nghề


Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chính sách quan trọng, góp phần giúp nông dân giảm nghèo, làm giàu. Xã Vạn Phúc (Ninh Giang) có hơn 800 hội viên nông dân, trong đó nhiều hội viên là nữ. Vì vậy, công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho hội viên luôn được quan tâm. Hằng năm, các cấp Hội Nông dân triển khai các lớp dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp... giúp các hội viên có việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.  

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số hạn chế như nội dung đào tạo chưa đa dạng, chưa có nhiều ngành, nghề mới. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ đổi mới các chương trình dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới, hiện đại, giúp nông dân sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt. Đặc biệt, trong công tác đào tạo nghề cần quan tâm đến nhu cầu, khả năng của lao động trẻ.

ĐỖ VĂN CÔNG

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Phúc (Ninh Giang)


Doanh nghiệp và nông dân chia sẻ lợi ích

Nhiều năm nay, doanh nghiệp của chúng tôi đã chủ động hợp tác với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cung ứng hàng nghìn tấn vật tư nông nghiệp, phân bón trả chậm cho nông dân trong huyện Tứ Kỳ. Qua đó, giúp các hội viên, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.     

Để sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân có hiệu quả bền vững, đòi hỏi cả 2 bên cần gắn lợi ích với trách nhiệm. Tôi mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh trong tỉnh tích cực phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cung ứng vật tư nông nghiệp, tham gia giúp đỡ nông dân về tổ chức sản xuất theo quy trình từ chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Các doanh nghiệp cũng cần sâu sát hơn với nông dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sản xuất để hỗ trợ hiệu quả hơn.                                                                                                                                           

HOÀNG THỊ MẾN

Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Thùy Mến (Tứ Kỳ)


Kỳ vọng từ đội ngũ cán bộ trẻ



Nhiệm kỳ qua, đội ngũ cán bộ các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, nhất là cán bộ trẻ luôn năng động, nhiệt tình, sáng tạo và có trách nhiệm cao trong công tác hội, phong trào nông dân. Nhiều cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn tốt, không quản khó khăn, sẵn sàng có mặt kịp thời để hỗ trợ hội viên. Nhờ vậy, hiệu quả trong phong trào sản xuất, kinh doanh của nông dân được nâng lên với những kết quả tích cực.

Nhiệm kỳ 2018-2023, chúng tôi kỳ vọng đội ngũ cán bộ trẻ của hội sẽ tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước để tạo đột phá trong công tác hội và phong trào nông dân. Chúng tôi cũng mong các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, tạo cơ hội cho họ rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn để họ thực sự am hiểu về nông nghiệp, nông dân, có phong cách làm việc quần chúng.

HOÀNG VĂN HINH

Hội viên nông dân xã Phạm Trấn (Gia Lộc)

(0) Bình luận
Đồng hành cùng nông dân trong thời kỳ mới