Giải quyết án hành chính đạt thấp, vì sao?

27/09/2018 08:23

Giải quyết án hành chính chậm là một trong những hạn chế của ngành tòa án tỉnh thời gian qua.


Phóng viên Báo Hải Dương đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Đăng Huy, Chánh Tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh để tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng này.

- Được biết từ đầu năm đến hết tháng 8.2018, TAND tỉnh mới giải quyết được 63 trong tổng số 132 vụ khiếu kiện hành chính đã thụ lý, đạt 47%. Đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính đạt thấp, thưa đồng chí?

- Có nhiều lý do khiến việc giải quyết án hành chính của chúng tôi gặp khó khăn. Thứ nhất, nếu trước kia các vụ việc hành chính cấp huyện do TAND cấp huyện giải quyết thì nay theo Luật Tố tụng hành chính 2015, những yêu cầu khởi kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ do TAND cấp tỉnh thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Do đó, số vụ án hành chính mà TAND tỉnh phải thụ lý tăng rất nhiều, trong khi số lượng thẩm phán trực tiếp giải quyết không tăng. Thứ hai, do người khởi kiện cư trú ở nhiều nơi trong tỉnh, thời gian đi lại giải quyết, xác minh chứng cứ nhiều làm tiến độ các vụ án hành chính cũng bị kéo dài. Thứ ba, do bản thân người khởi kiện thuộc nhiều thành phần, trình độ khác nhau nên nhận thức, am hiểu pháp luật cũng khác nhau. Bởi vậy, khi ra tòa, người khởi kiện thường không cung cấp đầy đủ các chứng cứ cần thiết. Thứ tư, trong các vụ án hành chính, người bị khởi kiện là UBND cấp huyện, đại diện là lãnh đạo UBND cấp huyện. Trong rất nhiều vụ việc, người bị khởi kiện chậm cung cấp các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa, xin vắng mặt khi phiên tòa xét xử. Nguyên nhân cuối cùng là nội dung khởi kiện của các vụ án hành chính thường về tranh chấp đất đai (chủ yếu về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) liên quan đến hồ sơ địa chính do cấp huyện, cấp xã quản lý. Tuy nhiên, do công tác lưu trữ không tốt nên trong một số vụ việc có tài liệu đã thất lạc, khó xác minh.

- TAND tỉnh sẽ làm gì để khắc phục tình trạng đó?

- Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các thẩm phán trung cấp cùng tham gia giải quyết án, trong đó có án hành chính. Một số trường hợp khó khăn trong điều tra xác minh, thẩm phán sẽ làm văn bản ủy thác điều tra, xác minh cho các cơ quan liên quan. TAND tỉnh cũng đã mời các chuyên gia, thẩm phán tối cao có kiến thức, kinh nghiệm giải quyết án hành chính về truyền đạt, nâng cao kinh nghiệm, kiến thức cho đội ngũ thẩm phán trung cấp của tỉnh.

Đề nghị các cấp, các ngành phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tố tụng hành chính, giúp người khởi kiện nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Cung cấp đủ, đúng, kịp thời chứng cứ, hồ sơ, tài liệu đáp ứng yêu cầu khởi kiện của chính mình. Có thái độ chấp hành pháp luật, tôn trọng cán bộ tham dự giải quyết vụ án tại phiên tòa. Đối với bên bị kiện (UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện) cần cử đại diện lãnh đạo hoặc người trực tiếp bị kiện phải có mặt tại tòa theo yêu cầu triệu tập, thực hiện nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ khi được phía tòa án yêu cầu. Đề nghị các cơ quan liên quan tích cực ủng hộ, hỗ trợ việc định giá, thẩm định, giám định mà vụ án đòi hỏi.

- Xin cảm ơn đồng chí! 

NGỌC HÙNG (thực hiện)

(0) Bình luận
Giải quyết án hành chính đạt thấp, vì sao?