Hết cảnh “chim lồng, cá chậu”

26/07/2020 15:51

Nhìn ông Mậu vui vẻ, khỏe mạnh như trẻ ra hàng chục tuổi, không ai biết rằng đã có một thời gian do chưa thể hòa nhập với cách sống ở thành phố lại ngại chia sẻ với các con mà ông suýt trầm cảm vì thấy cuộc sống tù túng như “chim lồng, cá chậu”.


Từ khi nghe lời vợ chồng anh con trai duy nhất bỏ quê lên thành phố ở, ông Mậu cảm thấy hình như mình đã sai. Thật ra ông có ham hố gì việc lên thành phố đâu. Với ông ở quê có bà con, họ mạc, làng xóm đầm ấm, nghĩa tình là hạnh phúc rồi. Ông cũng muốn ở lại quê vì còn phải chăm lo cho phần mộ tổ tiên và cả phần mộ của vợ ông nữa. Anh Nhiên, con trai duy nhất lại không muốn ông ở nhà một mình vì anh lo lúc trái gió, trở trời không ai chăm nom, săn sóc cho ông, nhỡ có thế nào thì con cháu ân hận. Ở thành phố, nếu ông có ốm đau thì đi viện cũng tiện hơn ở quê. Mấy đứa cháu nội cũng rất cần có ông ở bên cạnh. 

Thế là ông nghe theo con và bây giờ ông đã lên ở với chúng trong ngôi nhà tầng khang trang giữa trung tâm thành phố. Đúng là vợ chồng con trai không để ông thiếu thứ gì cả. Phòng riêng của ông có đầy đủ máy lạnh, chăn ấm, đệm êm, ti vi... Ông cũng không phải động chân, động tay vào bất cứ việc gì. Ông chỉ việc nằm khểnh xem ti vi, xem chán thì đọc báo. Cơm không phải nấu, nhà không phải quét. Con trai, con dâu ăn trưa ở cơ quan, hai đứa cháu cũng ăn bán trú tại trường nên buổi trưa chỉ có mình ông ở nhà. Ông tự động viên mình phải vui vẻ, cố gắng hòa nhập với cuộc sống của con cháu. Nhưng rồi có lần con dâu nói:

- Nhà con cái gì cũng hiện đại, bố không quen sử dụng sợ hỏng mất nên trưa con đặt cơm hộp cho bố ăn nhé!

Nghe con dâu nói vậy, ông Mậu thấy chạnh lòng, ông giận con dâu lắm nhưng lại tự dặn mình: “Phải thông cảm với con. Nó nói thế vì không muốn mình vất vả mà thôi”. Thế là từ hôm ấy, trưa nào cũng vậy, người ta mang cơm hộp đến, ông chỉ việc ra nhận vào ăn. Cái cảnh “cơm hàng cháo chợ” khiến ông thấy mình trở nên vô dụng. Từ một người hoạt bát giờ ông Mậu thấy cuộc sống thật tù túng, bí bách. Đã vậy, các con ông còn khóa cổng, không cho ông ra ngoài. Bởi chúng sợ ông lạc, ông già cả, lú lẫn sẽ bị kẻ gian đột nhập vào nhà, sợ đủ thứ... Ở phố, người ta không sang nhà nhau chơi vui vẻ như ở quê. Chẳng có cảnh mấy người ngồi uống với nhau chén trà, nói chuyện thời sự trong làng, ngoài xóm, trong nước, trên thế giới như ở quê ông. Ông Mậu buồn lắm nhưng không thể tâm sự cùng ai. Ngày ngày, ông quanh quẩn làm bạn với mấy chậu cây cảnh, với mấy lồng chim trong khoảng sân con con. Ông trở nên lặng lẽ, trầm tính hẳn.

Rồi một ngày, ông Mậu đổ bệnh. Cơm ông không muốn ăn, cứ nằm vắt tay lên trán thở dài thườn thượt. Vợ chồng anh Nhiên lo lắm, vội vã đưa ông đi khám bệnh. Đến đâu người ta cũng bảo ông cụ không sao cả, chắc là ông bị tâm bệnh thôi. Mà tâm bệnh thì chỉ ông mới biết.

Bệnh của ông Mậu sẽ ngày một nặng nếu như vợ chồng anh Nhiên không nhận ra sai lầm của mình sớm. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh quyết định bàn với vợ đăng ký cho bố tham gia câu lạc bộ cầu lông của phường. Từ ngày tham gia câu lạc bộ, ông Mậu thay đổi hẳn. Ông không còn thấy cô đơn, lạc lõng. Ông cũng thẳng thắn chia sẻ với các con ý nguyện muốn tự nấu ăn, nhờ các con dành thời gian hướng dẫn ông sử dụng bếp từ, nồi cơm điện và các vật dụng hiện đại trong gia đình. Dần dà, ông không chỉ tự phục vụ được mình mà còn có thể giúp các con cắm cơm, luộc giúp chúng mớ rau... Điều này khiến ông Mậu vui vẻ hẳn. Sáng sáng, chị Nhiên dậy sớm hơn một chút, đi chợ, mua thực phẩm về để bố chồng có thể chế biến, nấu ăn theo ý mình. Việc học của các con cũng được anh chị sắp xếp lại cho hợp lý để ngày nghỉ chúng có thời gian ở bên ông nội. Nhìn ba ông cháu trò chuyện vui vẻ, cùng nhau tỉa cành, tưới cây mà anh chị thấy không gì hạnh phúc hơn. Rồi anh chị còn bàn nhau dành thời gian đưa bố về thăm quê mỗi tháng để bố gặp lại bà con, họ mạc. Cổng nhà anh Nhiên cũng không còn khóa im ỉm như trước nữa, khoảng sân trước nhà đã được anh chị đặt một bộ bàn ghế để sáng sáng, mấy cô bác trong khu dân cư đến ngồi chơi cùng bố.

Bây giờ nhìn ông Mậu vui vẻ, khỏe mạnh như trẻ ra hàng chục tuổi, không ai biết rằng đã có một thời gian do chưa thể hòa nhập với cách sống ở thành phố lại ngại chia sẻ với các con mà ông suýt trầm cảm vì thấy cuộc sống tù túng như “chim lồng, cá chậu”.

TRẦN THÙY LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hết cảnh “chim lồng, cá chậu”