Hết lòng cùng Hải Dương chống dịch

27/02/2021 06:05

Bỏ qua cái Tết sum vầy, gác lại cuộc sống riêng, các y, bác sĩ tuyến Trung ương đã kịp thời chi viện cho Hải Dương ngay từ những ngày đầu chống chọi với đại dịch.


Anh Nguyễn Hải Tuấn (ngồi đầu tiên bên trái) cùng các thành viên trong tổ truy vết làm việc ngày đêm để hạn chế nguồn lây

Về với Hải Dương, họ không chỉ coi đây là chuyến công tác đơn thuần theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao mà còn bằng trọn cả trái tim, khối óc cùng tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn. Họ chính là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung ương được chi viện cho Hải Dương chống dịch Covid-19. Không chỉ giúp về chuyên môn, họ còn là những bác sĩ tâm lý động viên, khích lệ những “chiến sĩ áo trắng” của tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Luôn luôn sẵn sàng

Ngày 29 Tết, khi đang chuẩn bị sắm Tết cùng gia đình thì bác sĩ Trần Hoàng Long, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) được điều động về Hải Dương vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Không chút do dự, anh gói ghém đồ đạc, xách balô lên và đi, chỉ kịp chào người thân qua điện thoại. Lúc đầu, anh Long chỉ nghĩ xuống tăng cường điều trị những ca khó nhưng khi đặt chân vào Bệnh viện dã chiến số 2 (Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương) anh mới thấy tình hình thực sự nguy cấp và căng thẳng. Có ngày bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân nên áp lực công việc rất lớn. Hầu hết thời gian anh ở phòng cấp cứu, làm việc quên ăn, quên ngủ. Và Tết năm nay cũng đặc biệt hơn với anh Long vì đón giao thừa trong khi đang cấp cứu bệnh nhân. Anh Long chia sẻ: “Dù đã có kinh nghiệm trong việc chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 song mới đầu tôi có chút rối bời vì số lượng người bệnh lớn. Trong khi đó đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương vẫn lúng túng vì lần đầu tiên gặp phải tình cảnh này. Thế nhưng, không một ai nản lòng, không có ai muốn bỏ cuộc”.

Chỉ sau vài ngày ngắn ngủi được các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ, Bệnh viện dã chiến số 2 đã đi vào hoạt động. Phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng được lực lượng y, bác sĩ ở đây tiếp thu nhanh và thực hành thành thục. Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) được cử xuống hỗ trợ Hải Dương khi có một số bệnh nhân diễn biến nặng. Dù mới làm việc ở Hải Dương được hơn 1 tuần song anh Hùng đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế tại đây. Tuy căng thẳng, mệt mỏi nhưng khi có yêu cầu họ sẵn sàng làm việc xuyên đêm, thậm chí xuyên Tết. Nhờ đó, lực lượng tuyến trên cũng an tâm và vững tin hơn, toàn tâm toàn ý cho công tác chuyên môn, không phân biệt là khách hay chủ. 

Với nền tảng chuyên môn vững chắc vì có hơn 15 năm kinh nghiệm chiến đấu với bệnh truyền nhiễm, dù vậy khi đối mặt với căn bệnh mới nguy hiểm, lây lan nhanh thì chính bản thân bác sĩ Hùng cũng có phần áp lực. Anh cho biết dịch bệnh không chừa một ai và những người trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 mới là người dễ tổn thương nhất. Bởi thế việc làm đầu tiên khi anh Hùng xuống Hải Dương không phải là lao ngay vào công việc mà là động viên tinh thần các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Anh cũng chia sẻ kiến thức về phòng hộ để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. “Nhiệm vụ lần này rất khó khăn và chúng tôi đang đồng lòng cố gắng cùng Hải Dương chống dịch. Ngoài làm tốt chuyên môn, chúng tôi còn truyền lửa cho các bác sĩ, điều dưỡng ở địa phương để họ không hoang mang, bất an, đồng thời cũng phải tạo niềm tin cho người bệnh, giúp họ tránh những suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Liều thuốc tâm lý có tác dụng rất lớn”, bác sĩ Hùng bày tỏ.

Ổ dịch ở TP Chí Linh đến nay đã được khóa chặt, không còn nguy cơ lây lan ra cộng đồng là thành quả ngọt ngào cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của lực lượng tuyến đầu chống dịch của Trung ương và địa phương. Đội ngũ tuyến trên không do dự, không chần chừ mà lao vào tâm dịch, dốc lòng cùng Hải Dương đẩy lùi dịch Covid-19. Sau thời gian đầu có những áp lực, mệt mỏi quá giới hạn tưởng chừng đánh gục người chiến sĩ tuyến đầu thì hiện tại số ca dương tính tại đây giảm dần và bệnh nhân được ra viện ngày càng nhiều. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã sát cánh cùng Hải Dương chống dịch từ những ngày đầu. Ông cảm phục trước cách xử lý của tỉnh để ứng phó với dịch bệnh. Dù đôi lúc vẫn còn lúng túng song không phải dễ dàng có thể đưa đi cách ly tập trung hàng nghìn công nhân trong đêm, rồi thần tốc xây dựng Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế TP Chí Linh), đi vào hoạt động trong vòng chưa đầy 10 giờ đồng hồ. Với yếu tố dịch tễ phức tạp thì tỉnh Hải Dương nói chung và TP Chí Linh nói riêng đã làm tốt hơn rất nhiều lần so với khả năng hiện có.


Mặc dù lượng bệnh nhân nhiều, áp lực lớn nhưng các y, bác sĩ vẫn làm chủ được mọi tình huống. Trong ảnh: Các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2

Gác lại nỗi niềm riêng

Sau nhiều cuộc hẹn, anh Nguyễn Hải Tuấn, chuyên viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) mới tranh thủ được ít thời gian rảnh rỗi để chia sẻ về chuyến công tác đặc biệt tại Hải Dương lần này. Anh Tuấn được điều động về Hải Dương từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở TP Chí Linh và được phân công nhiệm vụ tại tổ truy vết và quản lý thông tin. Từng tham gia rất nhiều trận tuyến chống dịch, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), anh Tuấn cũng ứng cứu ngay từ đầu. Thế nhưng có lẽ chuyến công tác đã kéo dài gần 30 ngày và vẫn chưa hẹn ngày về tại Hải Dương để lại cho anh nhiều cảm xúc, ấn tượng nhất.

Công việc chính của anh Tuấn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là quản lý thông tin, giám sát các ca bệnh và những trường hợp liên quan. Sau đó tập hợp dữ liệu, đề xuất giải pháp để kịp thời ngăn chặn nguồn lây. Mặc dù chuyên môn, nghiệp vụ cao, lại có kinh nghiệm thực tế song trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch Covid-19 ở Hải Dương vẫn ngoài sức tưởng tượng của anh. Số lượng F0, F1 lớn nên anh làm việc bằng 200% sức lực bởi chỉ cần chợp mắt, nghỉ ngơi một lúc thì đã lại chậm trễ. Theo anh Tuấn, quá trình truy vết phải được thực hiện tổng thể từ khai thác lịch trình, điều tra dịch tễ đến các biện pháp kêu gọi tự giác khai báo cần làm khẩn trương song lại không được bỏ sót vì chỉ sơ sẩy bỏ lọt thông tin cũng dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Chính vì thế anh không có thời gian dành cho bản thân, cho gia đình. Anh Tuấn cho biết vợ anh cùng làm trong ngành nên có thể thấu hiểu, thông cảm cho chồng. Điều anh cảm thấy đắn đo và suy nghĩ nhất là 2 con nhỏ. Cả năm 2020, anh đi chống dịch nhiều hơn ở nhà, số lần chơi với con chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Ngày nào ca dương tính ít, việc truy vết đỡ vất vả hơn, tôi mới có thời gian cầm điện thoại gọi về nhà. Tuy nhiên lúc đó cũng đã nửa đêm, 2 con đi ngủ hết. Hai vợ chồng chỉ động viên nhau làm tốt công việc để dịch bệnh sớm được dập, tôi sớm về với gia đình”, anh Tuấn bày tỏ.

Những ngày Tết khi mọi người đang quây quần, sum vầy bên người thân, gia đình thì bác sĩ Long vẫn miệt mài với công việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Không chỉ bác sĩ Long mà hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng khác thay vì được ngắm cành đào, cây quất thì họ chỉ quanh quẩn bên phòng bệnh để điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đã ngoài 40 tuổi nhưng bác sĩ Long vẫn chưa lập gia đình. Anh đùa rằng chắc vì anh quá yêu công việc nên cô nào cũng sợ. Bao nhiêu lần xung phong vào tâm dịch là bấy nhiêu lần anh nói dối bố mẹ để họ không phải lo lắng và lần về Hải Dương này cũng thế. Anh tếu táo nói: “Bố mẹ biết tôi nói dối song muốn tôi yên tâm công tác nên cũng vui vẻ chấp nhận. Cả nước đồng lòng chống dịch và hướng về Hải Dương thì chẳng có lý do gì để tôi từ chối mảnh đất thân thương này”.

Mặc dù không được ăn Tết cùng người thân nhưng tình cảm nồng hậu của chính quyền và người dân Hải Dương đã khiến cái Tết xa nhà của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế Trung ương thêm phần ý nghĩa. Họ đang ngày đêm cố gắng, dốc lòng, dốc sức cùng Hải Dương chiến thắng đại dịch. Họ gác lại nỗi niềm riêng để cùng tạo niềm vui chung, sự bình an cho cộng đồng. “Mỗi bệnh nhân Covid-19 khi ra viện đều cảm ơn và hy vọng có dịp được gặp lại người điều trị, chăm sóc cho mình. Còn trên cương vị là một bác sĩ, tôi chỉ mong muốn gặp lại bệnh nhân ở hoàn cảnh khác chứ không phải trong bệnh viện”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

ÐỖ QUYẾT - NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Hết lòng cùng Hải Dương chống dịch