Mái nhà chung của những người khiếm thị

17/04/2019 21:25

Hội Người mù Việt Nam ngày càng chứng tỏ là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tình cảm và quyền lợi của đông đảo người khiếm thị cả nước.

Ngày 17.4.1969, Hội Người mù Việt Nam được thành lập. Sau 50 năm hoạt động, thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự kiên trì, bền bỉ phấn đấu, với nhiều thành tựu đạt được, Hội Người mù Việt Nam ngày càng chứng tỏ là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tình cảm và quyền lợi của đông đảo người khiếm thị cả nước.

Mái nhà chung của những người khiếm thị

Ngày 17.4.1969, Đại hội thành lập Hội Người mù Việt Nam được khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Sự ra đời của hội đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong đời sống của những người khiếm thị. Hội có nhiệm vụ tập hợp những người khiếm thị để chăm sóc về đời sống, văn hóa, nghề nghiệp, giúp cho họ hòa nhập cuộc sống với gia đình và xã hội. 

Ra đời trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động của Hội Người mù Việt Nam gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hội luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong giai đoạn này, những chiếc gậy gấp, bảng, bút, giấy viết chữ Braille, dụng cụ học tập của Hội Người mù toàn Nga tặng là nguồn động viên rất lớn đối với cán bộ, hội viên cả về vật chất và tinh thần. Từ đó, ngày càng nhiều lớp học chữ Braille, nhiều cơ sở sản xuất của người khiếm thị ra đời, tạo điều kiện để tổ chức Hội hoạt động và phát triển mạnh hơn.

Sau năm 1975, Hội Người mù các tỉnh được thành lập. Các lớp vừa học, vừa làm của người mù phát triển mạnh mẽ. Ngoài chương trình dạy chữ Braille thông thường, người mù được học chữ Braille viết tắt do Trung ương Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Các cơ sở sản xuất tạo việc làm cho người mù do hội tổ chức và quản lý cũng phát triển mạnh ở các địa phương. Từ lao động sản xuất, hội viên có thu nhập, cuộc sống của bản thân và gia đình từng bước được ổn định.

Đem lại nhiều đổi thay tích cực cho cuộc sống của người khiếm thị

Trải qua 9 kỳ đại hội, Hội Người mù Việt Nam từ một hội chỉ có hơn 100 hội viên và 1 đơn vị duy nhất là Hội Người mù Hải Phòng, đến nay, hội đã có tổ chức ở 57 tỉnh, thành phố, với trên 436 hội ở quận, huyện và trên 3.000 chi hội ở xã, phường, thị trấn, tập hợp hơn 72.000 hội viên. 

Trong những năm qua, Hội Người mù Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phục hồi chức năng, dạy nghề, hỗ trợ chỗ ở… góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hội viên. Trong đó, công tác tạo việc làm và tổ chức sản xuất được Hội coi là nhiệm vụ trọng tâm để giúp người khiếm thị khẳng định khả năng, nghị lực và giảm bớt sự lệ thuộc vào gia đình và xã hội. 

Về dạy nghề, riêng trong giao đoạn 2012-2017, hội đã mở được trên 400 lớp dạy nghề cho trên 6.600 hội viên theo chương trình đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, với kinh phí hơn 23 tỷ đồng (ngân sách chi 14,6 tỷ đồng). 

Cùng với đó, các cấp tổ chức hội luôn quan tâm hỗ trợ hội viên thông qua các chương trình tạo việc làm, tổ chức sản xuất cho người mù trên cơ sở định hướng: nghề xoa bóp, tẩm quất là nghề chính, mũi nhọn; sản xuất thủ công, làm tăm chổi là nghề truyền thống; chăn nuôi, trồng trọt là nghề chủ đạo ở nông thôn. Các đơn vị đã tận dụng lợi thế về nguyên liệu sẵn có, nghề truyền thống của địa phương, của hội để thành lập các mô hình hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, trung tâm, tổ, nhóm sản xuất các mặt hàng thủ công, cơ khí, văn phòng phẩm, xe hương, làm đũa, chổi, tăm... Nhờ đó, tạo việc làm thường xuyên, mang lại thu nhập cho hội viên. 

Bên cạnh đó, Hội Người mù Việt Nam cũng quản lý, triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Nguồn vốn được duy trì và triển khai có hiệu quả góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động. Để nâng cao hiệu quả công tác vay vốn, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt hoặc các nghề của địa phương, kỹ năng quản lý sử dụng vốn... 

Đặc biệt, hội luôn quan tâm đến việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hội viên. Để hỗ trợ cho các gia đình hội viên có chỗ ở ổn định, không còn cảnh tranh tre, dột nát, các cấp hội đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, vận động hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng trăm căn nhà. Ngoài ra, các cấp hội cũng đã trợ cấp khó khăn cho hàng nghìn lượt người mù với nhiều phần quà, sổ tiết kiệm và tiền mặt trị giá nhiều tỷ đồng. Đời sống hội viên từng bước được cải thiện và nâng cao chất lượng theo hướng bền vững. 

Không chỉ được hỗ trợ về chỗ ở, hàng nghìn trẻ em mù đã được đi học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục của nhà nước. Bình quân mỗi năm có từ 1.200-1.400 người khiếm thị được đi học chữ Braille, hơn 100 hội viên và người khiếm thị trẻ đang học ở các trường đại học, cao đẳng, nhiều người đã tốt nghiệp và thành thạo ngoại ngữ, vi tính...

Ngoài việc nỗ lực góp phần mang lại cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn cho các hội viên, Hội Người mù Việt Nam cũng luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tật mù và khả năng của người mù. Năm 1970, hội đã xuất bản Tạp chí Đời mới. Tạp chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là cơ quan báo chí độc lập nằm trong hệ thống báo chí quốc gia. Bên cạnh đó, hội đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình "Niềm tin ánh sáng" dành riêng cho người khiếm thị… Qua đó, nêu lên những tấm gương phấn đấu trong lao động, học tập, trong hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao của người mù hoặc những tấm lòng hảo tâm, hoạt động chung tay góp sức của nhân dân dành cho những người khiếm thị… Điều này đã giúp cho xã hội hiểu và thông cảm với người khiếm thị, từ đó tích cực chung tay tạo nhiều việc làm, quan tâm, chia sẻ về vật chất cũng như tinh thần với những người mù trên cả nước.

Có thể nói, trải qua 50 năm hoạt động, Hội Người mù Việt Nam đã góp phần đem lại nhiều đổi thay tích cực cho cuộc sống của người khiếm thị. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp, tạo điều kiện bảo đảm, giải quyết tốt các vấn đề đặt ra, đáp ứng yêu cầu công tác hội cũng như sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Mái nhà chung của những người khiếm thị