Mô hình điểm bếp ăn bán trú

10/11/2019 09:13

Những vụ học sinh sức khỏe có dấu hiệu bất thường thời gian qua và nhiều ca ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra làm dấy lên nỗi lo trong cộng đồng.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hanh háo hức với các suất ăn ngon miệng

Trong bối cảnh đó, những bếp ăn bán trú khang trang, sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm... là mô hình lý tưởng mà nhiều trường học đang hướng đến.

Thầy trò, phụ huynh phấn khởi

Khoảng 10 giờ, khi tiếng trống tan học vang lên cũng là lúc khoảng 80 học sinh ăn bán trú của Trường Tiểu học Hoàng Hanh (Ninh Giang) rửa tay trước khi ăn và xếp thẳng lối dưới sự hướng dẫn của các giáo viên chủ nhiệm.

Theo thứ tự các em lần lượt lấy suất ăn của mình ở khu nhà bếp. Mỗi khay ăn và dụng cụ như ca, thìa đều đã được dán sẵn họ tên và lớp học nên không xảy ra chen lấn, mất trật tự. Sau khi lấy suất ăn, các em tới khu nhà ăn, tự giác ngồi vào bàn ăn uống.

Thầy Phạm Quang Tuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hanh cho biết: "Từ khi trường có khu bếp và nhà ăn khang trang, thầy và trò đều rất phấn khởi. Nhiều phụ huynh khi đến đón con cũng bày tỏ niềm vui và dự định sẽ đăng ký cho con ăn bán trú trong kỳ học tới nên số lượng ăn bán trú của nhà trường có khả năng sẽ tăng dần qua các năm học".

Cùng với những thiết bị hiện đại, hỗ trợ tích cực cho quá trình sơ chế và chế biến các suất ăn bán trú, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) được phụ huynh tin tưởng vì nguồn thực phẩm được cung cấp bởi công ty chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, cá... sạch theo hướng hữu cơ.

Các phụ huynh trong nhóm giám sát bữa ăn bán trú thường xuyên đến bếp ăn của trường để giám sát quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm. Những hình ảnh thực phẩm, các suất ăn được phụ huynh chụp và cập nhật hằng ngày trên mạng xã hội của nhóm.

Cô Lê Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: "Khi được chọn làm điểm về mô hình bữa ăn bán trú, được tham gia các lớp tập huấn do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh tổ chức, chúng tôi đã được trang bị kiến thức về ATVSTP một cách bài bản, học cách quản lý bếp ăn chuyên nghiệp hơn ngay từ quy trình tiếp nhận thực phẩm đến việc lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Những phản hồi tích cực từ chính học sinh và các bậc phụ huynh tiếp thêm cho nhà trường động lực để có thể cung cấp cho các em những bữa ăn vừa ngon miệng, đủ dinh dưỡng lại bảo đảm ATVSTP".

Sắp xếp lại bếp ăn

Thực hiện Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2018-2020, sau khi tiến hành khảo sát về điều kiện ATVSTP tại khoảng 70 bếp ăn bán trú, Chi cục ATVSTP tỉnh đã lựa chọn Trường Tiểu học Hoàng Hanh và Trường THCS Lê Quý Đôn để xây dựng mô hình điểm về bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục.

Trường Tiểu học Hoàng Hanh bắt đầu tổ chức ăn bán trú từ năm học 2016-2017. Do chưa có điều kiện nên những năm học trước, trường tận dụng phòng đọc của học sinh để làm nơi ăn bán trú. Trước và sau mỗi bữa ăn, giáo viên, nhân viên nhà trường phải lau dọn rất vất vả. 

Sau khi Chi cục ATVSTP tỉnh đề nghị nhà trường mở rộng diện tích bếp ăn và phòng ăn để được hỗ trợ trang thiết bị, nhà trường đã xây khu nhà ăn mới khang trang, rộng khoảng 100 m2. UBND huyện Ninh Giang đã hỗ trợ trường khoảng 200 triệu đồng.

Sau khi hoàn thiện cơ sở vật chất của khu nhà ăn, Chi cục ATVSTP tỉnh đã hỗ trợ một số trang thiết bị, dụng cụ cho bếp ăn là tủ cơm, tủ lạnh, tủ sấy bát, máy xay thịt, 250 khay ăn inox có nắp đậy... với tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Mến, nhân viên phụ trách nấu ăn ở Trường Tiểu học Hoàng Hanh cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ các trang thiết bị hiện đại. Trước đây, chúng tôi phải nấu cơm bằng 3 chiếc nồi to, cơm có nhiều cháy rất lãng phí. Khi được trang bị tủ cơm, công việc của chúng tôi đã bớt vất vả hơn. Cơm ngon, dẻo hơn, vừa ít tốn công sức mà lại tiết kiệm".

Năm học 2019-2020, Chi cục ATVSTP tỉnh đã giúp Trường THCS Lê Quý Đôn sắp xếp lại bếp ăn và phòng ăn. Nếu trước đây, khu bếp nhỏ hẹp được bố trí ở tầng 1 thuộc khu ký túc xá thì từ năm học này đã được chuyển lên tầng 3.

Nhà trường đầu tư khoảng 60 triệu đồng để tu sửa, mở rộng diện tích bếp ăn và phòng ăn. Chi cục ATVSTP tỉnh đã hỗ trợ trường tủ cấp đông, máy xay thịt, bàn chặt, chia thức ăn, 150 khay inox có nắp đậy... với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

Các cán bộ, giáo viên nhà trường và nhân viên tại bếp ăn đều được tập huấn các kiến thức về ATVSTP, cách quản lý bếp ăn bán trú. Ngoài các trang thiết bị cho hai bếp ăn nêu trên, Chi cục ATVSTP tỉnh còn hỗ trợ hai trường pa nô tuyên truyền về ATVSTP tại bếp ăn bán trú.

Theo bà Dương Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, từ mô hình điểm ở 2 trường học trên, chi cục sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai, xây dựng, mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng ở bếp ăn của nhiều trường để từng bước cải thiện và kiểm soát điều kiện ATVSTP đối với các bếp ăn bán trú.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình điểm bếp ăn bán trú