Mở rộng vòng tay với trẻ em tự kỷ

12/04/2021 15:17

Hành trình đồng hành cùng trẻ tự kỷ là những ngày kiên trì, thấu hiểu, yêu thương từ cả gia đình và nhà trường. Bởi hiện nay, không ít gia đình mang tâm lý e ngại nên ảnh hưởng tới quá trình hòa nhập của trẻ tự kỷ.


    Học sinh tự kỷ, khiếm thị... cần có sự quan tâm đặc biệt hơn từ giáo viên

Gia đình e ngại

Chỉ cần người lạ nhìn vào, N.D., học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) lập tức sợ hãi. D. hất tung sách vở, chạy lên mặt bàn, đánh bạn, cắn cô giáo. D. trốn chạy tất cả để tìm một góc khuất của lớp ngồi co ro tự ôm lấy mình như chú mèo con tội nghiệp. Những lúc như thế, chỉ có cô Ly - cô giáo mà D. quý nhất - mới chạm được vào em. Một cái ôm thật chặt cùng sự yên lặng mới giúp D., cậu bé 6 tuổi mắc chứng tự kỷ nặng được nguôi ngoai nỗi sợ hãi. Có những lần D. chạy lao ra ngoài tìm chỗ trốn, nếu thầy giáo không kịp ra kéo em thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra.

“Học sinh tiếp thu kém” là tên mà các cô dùng để nói về D. hay các học sinh tương tự, thay vì tên “trẻ tự kỷ” để tránh những tâm lý kỳ thị từ cộng đồng.

Cô  giáo Phạm Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vẫn còn nhớ rõ lúc mới vào lớp 1, chỉ vừa nhìn thấy cô và các bạn, D. đã khóc lóc, gào thét và vẫy vùng đòi về. Nhận ra D. có biểu hiện chứng tự kỷ nặng, nhà trường đã làm công tác tư tưởng cho gia đình em, song phải rất lâu sau đó gia đình mới hiểu được vấn đề.

“Thời gian đầu, gia đình gạt bỏ mọi góp ý, tâm sự của các cô giáo vì cho rằng con mình tự ti. Cho tới vài tháng sau, gia đình hiểu và cho cháu đi khám. Bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tự kỷ nặng. D. được cho học thêm tại lớp dành cho học sinh đặc biệt. Con cải thiện và chơi được với nhiều bạn hơn. Bố mẹ mừng đến nỗi mang bánh kẹo đến lớp tổ chức liên hoan”, cô Hằng nhớ lại.

Cô giáo Vũ Thị Phương Ly, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết năm nay trường có 3 học sinh tự kỷ. Tuy nhiên đây chỉ là con số học sinh có hồ sơ, số lượng không có hồ sơ mà có triệu chứng gấp tới 3 lần. Nguyên nhân xuất phát từ việc cha mẹ e ngại, xấu hổ, sợ bị kỳ thị. Nhiều phụ huynh còn lo sợ nếu con có hồ sơ về tự kỷ, trường THCS sẽ không nhận. Dù giáo viên giải thích các em hoàn toàn được học hòa nhập như những trẻ khác nhưng phụ huynh vẫn “muốn” con mình là những đứa trẻ hoàn toàn bình thường.

Hơn 10 năm gắn với môi trường sư phạm, cô L.T.T., giáo viên một trường tiểu học tại TP Hải Dương đã có thời gian khoảng 4 năm gắn với lớp học có học sinh mắc chứng tự kỷ.  “Người khiếm thị, khiếm thính, khuyết chân, tay nhận được sự thương cảm, giúp đỡ, trong khi người tự kỷ phải nhận về sự kỳ thị, vì xã hội chưa hiểu đúng về hội chứng này. Khi bố mẹ không thừa nhận con mình tự kỷ sẽ làm chậm quá trình can thiệp, cũng là đánh mất cơ hội cho trẻ có thể trở nên bình thường”, cô T. chia sẻ.

Giáo viên vất vả

Vài năm trở lại đây, cô N.T.L., giáo viên mầm non tại thị trấn Gia Lộc quan tâm sâu hơn về vấn đề trẻ tự kỷ. Hiện trường của cô có vài cháu tự kỷ nhẹ, chủ yếu ở lớp 2 tuổi. Các học sinh này có biểu hiện như hoạt động vô thức, gọi tên không thưa, không chơi với các bạn… 

Lớp học có thêm từ 1-2 cháu có chứng tự kỷ, nỗi vất vả của các cô tăng lên nhiều lần. Có những trưa nắng, con đòi ra tập xe. Khi cô dùng mọi cách phân tích nhẹ nhàng cho tới tỏ vẻ mặt nghiêm nhưng càng như vậy con càng khóc to, có lần còn đánh lại cô.

“Chúng tôi là những giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về dạy trẻ tự kỷ. Có những lúc cô trò chỉ có thể ngồi nhìn nhau mà chẳng thể làm gì khi con ăn vạ, khóc gần như cả buổi. Cô luôn cố gắng nương theo con, học cách hiểu những gì con muốn từ những biểu hiện nhỏ nhoi nhất”, cô L. chia sẻ.

Thời gian đầu khi phát hiện ra trẻ có biểu hiện của tự kỷ, cô L. trao đổi để mong cha mẹ có thể tìm biện pháp can thiệp sớm. Nhưng điều khiến cô chạnh lòng là sau những lần tâm sự, một số gia đình các cháu phản đối kịch liệt, coi con như những đứa trẻ bình thường khác hay thậm chí có ác cảm với giáo viên. Và cũng có cả những gia đình dù biết con mắc chứng tự kỷ nhưng vì không đủ điều kiện về kinh tế nên đành nhờ vào các thầy cô tại trường.

Cô Vũ Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã có nhiều năm đồng hành cùng các lớp học có học sinh tự kỷ. Cảm thông, yêu thương và kiên trì là “chìa khóa” để cô bước vào thế giới của các em. “Với những học sinh tự kỷ, sự yêu thương của giáo viên phải hơn các bạn khác. Các con rất cần được quan tâm, chia sẻ. Chúng tôi cũng dạy các bạn cùng lớp yêu thương bạn và cả cách tự vệ khi bạn không kiểm soát được hành vi. Kế hoạch học tập của các con cũng được xây dựng theo từng tuần, từng tháng. Thường những học sinh tự kỷ sẽ có một tài năng rất nổi trội, nếu đủ tinh tế, giáo viên và gia đình hoàn toàn có thể giúp con phát huy”, cô Nhàn cho biết.

Thế giới của trẻ có rối loạn tự kỷ rất đặc biệt. Các con thường đắm chìm trong thế giới riêng của mình, không muốn tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài. Đưa các em hòa nhập với thế giới bên ngoài là một hành trình không đơn giản. Đó còn là cả quá trình tác động tâm lý tới phụ huynh. Đằng sau mỗi tiến bộ nhỏ nhoi của trẻ là những nỗ lực, là rất nhiều mồ hôi, nước mắt của cả cha mẹ cùng các thầy cô giáo.

NGUYỄN HÒA

(0) Bình luận
Mở rộng vòng tay với trẻ em tự kỷ