Muôn kiểu trì hoãn thi hành án

11/01/2020 08:26

Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án (Cục Thi hành án dân sự tỉnh), người phải thi hành án có rất nhiều chiêu trò để trì hoãn, kéo dài thời gian phải thi hành án.


Sau nhiều năm dùng đủ chiêu trò để trì hoãn thi hành án, cuối năm 2019, đại diện Công ty CP Hợp Thành mới thực hiện theo phán quyết của tòa án

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, hiện toàn tỉnh còn 1.697 việc có điều kiện cần giải quyết, nhiều việc có hiệu lực từ 3-4 năm trước nhưng người bị thi hành án (THA) tìm đủ mọi cách kéo dài thời gian, ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự, gây khó khăn cho cơ quan THA.

Năm 2016, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) khởi kiện Công ty CP Đại Cường ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) ra tòa vì doanh nghiệp này vay của ngân hàng một khoản tiền để sản xuất, kinh doanh nhưng không thực hiện đúng cam kết trả nợ. Phán quyết của tòa án nêu rõ Công ty CP Đại Cường phải có trách nhiệm trả cho VietinBank hơn 10 tỷ đồng gồm cả gốc và lãi. 

Trong khi vẫn chưa thực hiện theo phán quyết của tòa thì công ty trên đã làm thủ tục đề nghị phá sản. Nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh về việc thụ lý đề nghị phá sản của Công ty CP Đại Cường, cơ quan THA phải ra thông báo tạm dừng THA đối với doanh nghiệp này. Gần 1 năm sau khi ra thông báo thụ lý vụ việc đề nghị phá sản của Công ty CP Đại Cường, đầu năm 2017, TAND tỉnh mới ra thông báo mở thủ tục phá sản của công ty và từ đó tới nay tòa vẫn chưa ra được quyết định phá sản. Cơ quan THA vẫn chưa có căn cứ để thực hiện THA theo đơn đề nghị của đương sự.

Tương tự như vụ việc từng được báo Hải Dương phản ánh là Công ty CP Hợp Thành vay VietinBank hơn 26 tỷ đồng nhưng cũng không trả nợ theo cam kết dẫn tới bị khởi kiện ra tòa. Theo quyết định của TAND tỉnh, công ty này phải trả tiền cho ngân hàng nhưng sau đó doanh nghiệp lại làm thủ tục phá sản. Sau nhiều năm dùng đủ chiêu trò để trì hoãn trả nợ, né THA, mới đây, người đại diện công ty mới cơ bản thực hiện xong nghĩa vụ của mình theo phán quyết của tòa án.

Theo Luật THADS, các trường hợp được hoãn THADS gồm: người phải THA bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải THA hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định; người được THA đồng ý cho người phải THA hoãn THA; người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế THA hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên; tài sản kê biên có tranh chấp đã được tòa án thụ lý để giải quyết; việc THA đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định. 

Trên thực tế, đối với việc THA về tiền, các cơ quan tố tụng, THA đều yêu cầu đối tượng THA phải trả cho bên cho vay trong một thời gian nhất định; nếu không thực hiện cơ quan THA sẽ kê biên, cưỡng chế, thu giữ tài sản, đấu giá công khai để trả cho bên cho vay. Tuy nhiên, quá trình THA, cơ quan THA gặp rất nhiều khó khăn do con nợ tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian trả nợ, trì hoãn THA.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức THA (Cục THADS tỉnh), bên bị đơn - người phải THA có rất nhiều chiêu trò để trì hoãn, kéo dài thời gian phải THA. Điển hình đối với người phải THA thuộc các doanh nghiệp thì chiêu trò đầu tiên là làm thủ tục phá sản, trong khi việc giải quyết thủ tục này tính bằng năm, cơ quan THA phải đình chỉ việc THA để chờ quyết định phá sản.

Trong thời gian này, doanh nghiệp tạo sức ép để ngân hàng chấp nhận thỏa thuận, thậm chí tẩu tán tài sản. Ngoài ra, việc phá sản doanh nghiệp cũng đồng nghĩa xóa nợ hợp pháp đối với những khoản vay không có bảo đảm. Tiếp đó là tạo ra vụ kiện liên quan đến tranh chấp tài sản, bởi theo quy định, tài sản liên quan đến THA có tranh chấp thì cơ quan THA phải dừng thi hành để chờ phán quyết của tòa.

Đối với người phải THA là các cá nhân thì ngoài tạo ra vụ kiện tranh chấp tài sản còn có chiêu trò "giả ốm, giả bệnh" để được hoãn THA. Ngoài lý do đương sự chây ỳ, không hợp tác thực hiện THA còn có lý do từ chính các cơ quan có thẩm quyền được hoãn (tòa án, viện kiểm sát). Đó là các trường hợp phải đợi tòa giải quyết làm thủ tục phá sản, giải quyết tranh chấp... nhưng có nhiều vụ đợi tới vài năm mà tòa vẫn chưa ra phán quyết...

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muôn kiểu trì hoãn thi hành án