Nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã về phòng cháy, chữa cháy

26/01/2021 10:29

Việc phân cấp quản lý danh mục cơ sở cho UBND cấp xã sẽ giúp chính quyền địa phương bám sát địa bàn hơn, có chỉ đạo, biện pháp kịp thời, sát với tình hình thực tế tại địa bàn quản lý.


Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) chữa cháy tại nhà tái chế phế liệu công nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vạn Hải Sơn (phường Phú Thứ, Kinh Môn)

Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC có hiệu lực từ ngày 10.1.2021. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 136 là quy định rõ về công tác quản lý của UBND cấp xã trong PCCC.

Nghị định 136 thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31.7.2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Nghị định gồm 9 chương và 54 điều với 9 phụ lục kèm theo. So với Nghị định 79, Nghị định 136 giữ nguyên 1 điều; sửa đổi, bổ sung 47 điều, bãi bỏ 10 điều, có 6 điều mới; sửa đổi, bổ sung 5 phụ lục, bãi bỏ 1 phụ lục và có thêm 4 phụ lục.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), Nghị định 136 quy định rõ hơn về điều kiện PCCC đối với cơ sở, hộ, khu dân cư… Tại điều 6 quy định điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư yêu cầu phải có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật PCCC hoặc theo quy định; có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Điều 7 quy định điều kiện an toàn về PCCC đối với gia đình. Theo đó, hộ sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC, được chủ hộ tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động...

Theo trung tá Phạm Đức Thuận, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, một điểm mới đáng chú ý của Nghị định 136 là đã quy định rõ danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý tại phụ lục IV. Theo đó, có 17 cơ sở do UBND cấp xã quản lý gồm trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã; nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5tầng có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà trẻ, trường mầm non có dưới 100 cháu, tổng khối tích dưới 1.000 m3; trường tiểu học, THCS có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có khối tích dưới 1.000 m3; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao dưới 3 tầng, tổng khối tích dưới 1.000 m3; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao dưới 3 tầng, tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao dưới 3 tầng, tổng khối tích dưới 1.000 m3; chợ hạng 3, trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có diện tích kinh doanh dưới 300 m2, khối tích dưới 1.000 m3... Điểm mới này hướng tới nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương trong công tác PCCC. 

Tại điểm c, khoản 3, điều 16 của nghị định quy định Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ mỗi năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện môi trường nguy hiểm cháy nổ; vi phạm quy định an toàn về PCCC mà có nguy cơ phát sinh cháy nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục, phạm vi quản lý...

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa (Bình Giang), việc phân cấp quản lý danh mục cơ sở cho UBND cấp xã sẽ giúp chính quyền địa phương bám sát địa bàn hơn, có chỉ đạo, biện pháp kịp thời, sát với tình hình thực tế tại địa bàn quản lý. Qua đó góp phần thực hiện tốt hơn công tác PCCC. 

HN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã về phòng cháy, chữa cháy