Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong trường hợp áp dụng đối với cá nhân là không phù  hợp

19/06/2020 05:29

Theo đại biểu Nga, áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, liệu rằng chỉ tác động tới một cá nhân có hành vi vi phạm hay có thể ảnh hưởng tới những người cùng chung sống với cá nhân đó.

Sáng 18.6, tham gia góp ý tại hội trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị cần bổ sung thêm các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 50 điều 1 dự thảo. Cụ thể, cần có những đánh giá về tính hiệu quả của các biện pháp cưỡng chế hiện hành, làm rõ những khó khăn trong áp dụng hiệu quả các biện pháp cưỡng chế đó để dẫn tới sự cần thiết bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế mới như trong dự thảo.

Đối với biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”, đại biểu Nga cho rằng việc cung cấp dịch vụ điện, nước là giao kết và thực hiện hợp đồng giữa bên cung cấp dịch vụ điện, nước với khách hàng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Pháp luật dân sự tôn trọng và đề cao nguyên tắc tự nguyện, thoả thuận của các bên, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập, thực hiện và chấm dứt dựa trên các thoả thuận của hợp đồng. Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Nhà nước đã can thiệp quá sâu vào một giao dịch dân sự hợp pháp, làm phát sinh việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng bởi một hành vi vi phạm khác, không liên quan tới nội dung của hợp đồng.

Theo đại biểu Nga, áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, trong trường hợp với cá nhân, liệu rằng chỉ tác động tới một cá nhân có hành vi vi phạm hay có thể ảnh hưởng tới những người cùng chung sống với cá nhân đó. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ luật Hình sự đã quy định “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Ngay tại điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng quy định “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Có thể thấy nguyên tắc, “hành vi vi phạm đến đâu, chịu trách nhiệm đến đó” là xuyên suốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không thể vì hành vi vi phạm của một cá nhân mà làm ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của những người khác. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện, nước là một trong những nhu cầu cơ bản trong đời sống sinh hoạt của mỗi công dân.

Theo đại biểu Nga, biện pháp cưỡng chế này còn ảnh hưởng tới bên thứ ba, đó là đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước. Nếu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước được áp dụng thường xuyên và phổ biến có thể dẫn tới sụt giảm doanh thu, tổn thất về kinh tế. Bên cạnh đó, khi tiến hành cưỡng chế thì cơ quan có thẩm quyền hay đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước trực tiếp thực hiện các công tác kỹ thuật ngừng cung cấp dịch vụ. Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ tiến hành thì cần cân nhắc đến nhân công kỹ thuật, chi phí chi trả. Vì vậy, cần thiết lấy ý kiến của nhóm đối tượng tác động này để xem xét một cách toàn diện và sâu sắc.

Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mới được bổ sung trong dự thảo là “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” đối với tổ chức. Điều này không chỉ tác động tới hoạt động của tổ chức và chủ sở hữu, người đại diện pháp luật của tổ chức - là các cá nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi vi phạm mà còn tác động tới việc làm của người lao động tại các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, dẫn tới tình trạng giảm sút về thu nhập, không có việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong trường hợp áp dụng đối với cá nhân là không phù  hợp