Người dân miền Trung khóc trên nóc nhà, sợ nhà sập, mạng mất, trắng tay....

20/10/2020 06:06

Ông Nguyễn Văn Hạt cùng vợ, sau 3 ngày đêm ngồi trên nóc nhà, được canô cứu hộ vượt sóng dữ đã mếu máo: ''Tui trắng tay rồi, không còn chi hết nữa...''.


Ông Nguyễn Văn Hạt nhai lương khô sau 3 ngày mắc kẹt trong dòng lũ

Đến 17 giờ chiều 19.10, lực lượng cứu hộ ở tỉnh Quảng Bình vẫn quần thảo các xã dọc sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy để tiếp tục ứng cứu hàng trăm trường hợp người dân mắc kẹt trong cơn lũ lịch sử, trong khi trời vẫn mưa xối xả từng đợt và nước lũ vẫn đang cao.

Trong khi đó tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhiều nơi mực nước vẫn dâng cao, đời sống người dân càng thêm khó khăn.

Quảng Bình như biển: Lũ lớn chưa từng có

Sau 3 ngày đêm ngồi trú trên nóc nhà, ông Nguyễn Văn Hạt (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cùng vợ đã được canô cứu hộ vượt sóng dữ tiếp cận, cứu khỏi căn nhà chìm trong biển nước và có thể sập bất cứ lúc nào. Vừa thoát khỏi nhà, ông Hạt mếu máo: "Tui trắng tay rồi, không còn chi hết nữa...".

Thoát ra khỏi căn nhà lũ nhấn chìm trong biển nước, ông Hạt và vợ nhai ngấu nghiến miếng lương khô cứu đói của lực lượng cứu hộ. Nhà ông Hạt ở sát bờ sông Kiến Giang, nước lũ dâng đến mái nhà kèm sóng lớn khiến các thuyền nhỏ của người dân không thể tiếp cận.

Suốt 3 ngày đêm, ông Hạt cùng vợ chỉ nhai mì gói sống cầm cự. Các con đã được đưa đi đến nhà phó chủ tịch UBND xã trú, ông Hạt ở lại giữ nhà nhưng không ngờ lũ quá lớn và mắc kẹt lại trong căn nhà cấp 4 khiến hai vợ chồng kiệt quệ.

"Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay mới thấy lũ lớn đến như vậy, nhà cửa trôi hết rồi, còn 2 con trâu cột trong nhà nhưng giờ sống chết tui cũng không màng tới nữa" - ông Hạt nghẹn ngào.

Tương tự, ông Dương Công Mãi cũng được canô cứu hộ cứu khỏi căn nhà vừa mới sập do lũ cao kèm sóng lớn. Suốt 3 ngày qua ông Mãi dầm mình trong nước lũ neo cột tài sản, nhưng khi nhà sập ông Mãi đành phải bơi ra ngoài.

Mấy ngày lăn lộn với nước lũ, tay chân ông Mãi tím tái do lạnh và bị đồ đạc trong nhà va chạm mỗi khi sóng đánh mạnh vào nhà. "Giờ cứu được mạng là mừng rồi, nhà cửa tan hoang hết rồi tui cũng kệ" - ông Mãi nói.

Theo chân đội cứu hộ tại huyện Lệ Thủy, phóng viên đã chứng kiến hàng nghìn nóc nhà tại các xã dọc sông Kiến Giang đều chìm trong biển lũ cao đến 3-4m. Nhiều người dân phải dỡ mái ngói thoát ra ngoài và nhiều ngôi nhà hoàn toàn bị nước lũ nhấn chìm.

Do nước lên mạnh trong đêm 18.10 cộng với sóng lớn nên công tác cứu hộ gặp khó khăn, người dân buộc phải trú trên mái nhà hoặc ngồi trên các thuyền neo vào nóc nhà chờ trời sáng. Tại các xã, hàng trăm thuyền nhỏ của người dân đã dồn dập được huy động để liên tục di chuyển người dân từ các gia đình đang mắc kẹt đưa đến vùng cao.

Thậm chí ngư dân cũng được huy động để ngược sông lên các xã trũng cứu hộ. Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết xã này đã khẩn cấp huy động 35 thuyền của ngư dân đi đến các xã để cứu dân ngay trong đêm.

Trong khi đó tại xã Sơn Thủy, gần 2.000 hộ dân đã ngập sâu trong biển nước, xã đã khẩn cấp đưa 500 người dân đến trốn lũ trên tầng 2 của UBND xã. Trong đó có hàng chục hộ dân tại thôn Vinh Quang bị cô lập, lực lượng cứu hộ xã không thể tiếp cận do sóng gió lớn, thuyền cứu hộ của xã suýt bị lật úp khi đến khu vực này.

Đến rạng sáng 19.10, canô cứu hộ đã tiếp cận được thôn này và cứu các hộ dân còn mắc kẹt.

Quảng Trị hoang tàn sau lũ

Ngày 19.10, nước cơ bản rút ở các rốn lũ Quảng Trị. Bà con chạy lũ lại rời những nơi tập trung, trở về dọn dẹp lại căn nhà xác xơ. Nhiều người dân đã ôm mặt khóc khi nhìn gia tài quý giá nhất là những bao lúa đã thối mầm. Ông Ngô Văn Đăng (57 tuổi, xã Thanh An, huyện Cam Lộ) vần những bao lúa ướt nhẹp bùn ra phía đường cái, mặt buồn rầu.

Trận lũ thứ 4 nước lên nhanh và lớn chưa từng thấy, cả nhà ông chỉ biết leo lên nóc nhà ngồi. Chạy lấy người được là đã mừng, nhưng khi trở về nhìn đống lúa ngậm nước lần thứ 4 thì ông không giấu nỗi xót xa.

"Sau lần thứ nhất, thứ hai lúa ướt còn hi vọng, chứ đã 10 ngày ngập nước rồi thì chỉ mong cứu được lúa bán cho vịt thôi" - ông Đăng buồn rầu.

Bà con trong xã nhà ai nấy cũng chung cảnh thối lúa. Những thanh niên trai tráng trong xóm phụ chèo ghe, đẩy những bao lúa còn hi vọng cứu được ra đầu các xóm đợi có xe đến chở đi sấy nhưng nhà ai cũng bị ngập lúa, số máy sấy lúa trong vùng không đủ để cứu lúa cho bà con. Ai nấy đều rầu rĩ, bất lực.

Không chỉ lúa, nhiều hộ gia đình ở huyện Cam Lộ bị nước lũ cuốn trôi cả ngàn con heo giống; những ao cá, bàu tôm bị tràn ra đồng ruộng. Nông dân mất trắng, cuộc sống bị đảo lộn, họ gượng dậy yếu ớt sau lũ.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, ngày 19.10 mưa lũ và sạt lở đất đã gây ra những hậu quả nặng nề: có 40 người chết, 16 người mất tích và 15 người bị thương. Có hơn hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại nặng và bị lũ cuốn. Thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê được.


Dù nước rút nhưng Huế vẫn còn ngập sâu nhiều xã, giao thông vẫn còn chia cắt, người dân di chuyển bằng thuyền chiều 19.10 

Huế ngập trong nước cả chục ngày 

Ngày 19.10, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế vẫn giữ mức cao, các huyện phía bắc tỉnh vẫn còn ngập sâu; giao thông các tuyến quốc lộ 49B, tỉnh lộ 8, đường liên xã các huyện Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà vẫn còn bị chia cắt. 

Người dân các xã bị nước lũ cô lập hơn 10 ngày nay như Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Phong (thị xã Hương Trà), Quảng Thành, Quảng An, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa (huyện Phong Điền)... đi lại bằng thuyền. Toàn bộ các trường học trên địa bàn các huyện này vẫn chưa hoạt động trở lại do nước vẫn ngập và chia cắt nhiều địa bàn.

Tại các tuyến đường nối trung tâm TP Huế đi các xã thuộc huyện Quảng Điền, dịch vụ thuyền đưa đón, vận chuyển người và xe máy qua các điểm ngập cũng hoạt động liên tục tại xã Hương Vinh, Hương Toàn. Các đoàn cứu trợ chưa di chuyển đến được các xã nên buộc phải vận chuyển hàng cứu trợ bằng thuyền.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết hiện còn nhiều thôn của các xã dù nước lũ đã ra khỏi nhà người dân nhưng vẫn ngập các tuyến đường. Các thôn Vân Trình (xã Phong Bình), Phú Lộc (xã Phong Chương), Tứ Chánh (xã Phong Sơn)... vẫn còn ngập sâu hơn 1m. Đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn do nước ngập quá lâu.

Về tình hình quay lại trường sau lũ, ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, cho biết đến nay toàn tỉnh có hơn 50.000 học sinh nghỉ học; sách vở, dụng cụ học tập... thiệt hại hơn 15 tỷ đồng. 

Đến ngày 19.10, các huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà các trường vẫn chưa thể đi học trở lại do nhiều nơi còn ngập sâu. Một số khu vực nước đã rút, thầy cô đang gấp rút dọn vệ sinh chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Các trường ở TP Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, Phú Vang cơ bản đã trở lại trường.

Thiệt hại quá lớn


Một số bạn trẻ giúp người dân xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đưa lúa đi sấy

Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết cơn đại hồng thủy này gây thiệt hại quá lớn, tài sản và gia súc của người dân đã bị nhấn chìm.

Theo ông Thục, đợt lũ trước cách đó ít ngày đã làm sập một số nhà dân, đợt lũ này còn cao hơn đợt trước nhưng xã vẫn chưa thể đến kiểm tra bởi nước lũ hiện quá lớn.

Tuy nhiên người dân vẫn sống rất nghĩa tình, như các cô giáo và người dân đã nấu cơm tại Trường tiểu học Sơn Thủy và đội mưa lũ mang hàng trăm suất cơm đến cho bà con tại các điểm tránh lũ ăn qua bữa.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân miền Trung khóc trên nóc nhà, sợ nhà sập, mạng mất, trắng tay....