Người Hải Dương trên đất Điện Biên

12/05/2019 06:45

Từ những người đầu tiên là thế hệ chiến sĩ Điện Biên đến lớp thế hệ kế cận vẫn đang từng ngày phát huy tốt vai trò, phẩm chất của người xứ Đông trên quê hương thứ hai này.

Trang trại của gia đình anh Bùi Văn Thanh rộng 2,9 ha nuôi hàng trăm con dê, hàng chục con bò

Mảnh đất Điện Biên hôm nay đang từng ngày thay da, đổi thịt. Để có sức vươn mạnh mẽ ấy phải kể đến đóng góp không nhỏ của thế hệ những người con Hải Dương đang sinh sống và làm việc nơi đây. Từ những người đầu tiên là thế hệ chiến sĩ Điện Biên đến lớp thế hệ kế cận vẫn đang từng ngày phát huy tốt vai trò, phẩm chất của người xứ Đông trên quê hương thứ hai này.

Thế hệ người truyền lửa

Những ngày tháng 5 lịch sử, năm nào Ban liên lạc đồng hương Hải Dương cũng tổ chức thăm hỏi, động viên các hội viên nguyên là cán bộ, chiến sĩ Điện Biên. Năm nay, chúng tôi được theo cụ Nguyễn Đức Đặng, Phó trưởng Ban liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương tại khu vực Điện Biên, cũng là chiến sĩ Điện Biên năm xưa đi gặp đồng đội cũ. Trước đây, Hội Đồng hương Hải Dương khu vực Điện Biên có 54 hội viên là chiến sĩ Điện Biên sinh sống ở TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, nay chỉ còn lại 13 người, đa phần đều mắt đã mờ, chân đã chậm.

Nhìn cụ Đặng đi chiếc xe đạp điện phăng phăng trên từng tuyến đường dưới thời tiết tháng 5 nắng như đổ lửa của Điện Biên, khó ai nhận ra cụ đã ở tuổi 89. Cụ đưa chúng tôi đến gặp các cựu chiến sĩ Điện Biên cùng quê Hải Dương đang sống ở Điện Biên Phủ là cụ Phan Văn Chẩn (sinh năm 1932, quê ở xã Kiến Quốc), cụ Đỗ Văn Nhã (sinh năm 1932, ở xã Ứng Hòe, cùng huyện Ninh Giang) và cụ Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1928, ở xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ). Chúng tôi không khỏi xúc động trước cuộc trùng phùng của những người lính. Những chiếc huân chương, huy chương trên ngực áo đã sờn màu, những mái tóc ngả bạc, gương mặt với những nếp nhăn xô vào nhau… họ rưng rưng ôn lại kỷ niệm những ngày cùng nhau đi qua cuộc chiến 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm.

Năm 1952, chàng trai Phan Văn Chẩn tròn đôi mươi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã trốn gia đình lên đường nhập ngũ và được điều động về chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là trinh sát thuộc Đại đội 813, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316. Nhiệm vụ của người lính trinh sát là đi thăm dò, nắm tình hình về quân số cũng như kế hoạch của quân địch để báo cáo cấp trên xây dựng phương án tác chiến. Vì vậy, trong Chiến thắng Điện Biên Phủ đóng góp của những người lính trinh sát có ý nghĩa quan trọng.  Họ là những người có kinh nghiệm, mưu trí, sáng tạo. Trong trận chiến Điện Biên Phủ, lực lượng bộ đội trinh sát đã vượt qua rất nhiều hiểm nguy, gian khổ, thậm chí đánh đổi bằng cả sinh mạng. Thế nhưng, khi được hỏi lúc ấy có sợ không, cụ Chẩn chỉ bảo: “Không biết sợ là gì, trong đầu chúng tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là mình không đánh nó, thì nó sẽ đánh mình”. 

Cụ Nguyễn Đức Đặng kể thêm: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là chiến sĩ dùng bộc phá, mở giao thông hào, hàng rào dây thép gai để bộ binh tiến vào trong lòng địch. Những lúc phải vận chuyển bộc phá, hay mở giao thông hào vào đồi A1, địch xì xào bên trên, mình vẫn lặng lẽ đào hầm bên dưới, làm bất kể ngày đêm. Với những người lính như chúng tôi, lúc nào cũng chỉ trong tâm thế duy nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết, dù máu trộn bùn non, gan cũng không núng, chí cũng không mòn".

Năm 1958, những chiến sĩ Điện Biên cũng là lực lượng nòng cốt được huy động vào đội sản xuất ở Nông trường Điện Biên. Nông trường có nhiệm vụ vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai hoang, cải tạo đồng ruộng, hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, các cụ Tuyên, Đặng, Chẩn, Nhã lần lượt quay trở lại Điện Biên làm nhiệm vụ với khẩu hiệu: “Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình". Trong số ấy, những thanh niên đã có hôn ước nơi quê nhà như cụ Chẩn, cụ Nhã phải mất đến 10năm mới có thể xây dựng và đoàn tụ gia đình. Rồi trong khu tập thể của Nông trường Điện Biên, những người con của các cụ lần lượt ra đời. 

Nhớ như in những ký ức ngày quay trở lại Ðiện Biên, khi đó vẫn là chiến trường còn ngổn ngang bom đạn, cụ Tuyên kể: Thời điểm ban đầu nông trường gặp rất nhiều khó khăn, từ việc ổn định tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ yên tâm ở lại đến việc xây dựng doanh trại, rà phá bom mìn, khai hoang cải tạo đồng ruộng và làm công tác dân vận trong nhân dân. Cuối năm 1958, nông trường đã có những thành tựu đầu tiên khi thu hoạch hàng trăm tấn thóc, gây được cả nghìn con trâu, bò, giành thắng lợi mở đầu trên mặt trận sản xuất.

Những người con của tỉnh Đông xa quê vẫn gắn kết, đùm bọc lẫn nhau

Thời kỳ khó khăn nữa phải kể đến lúc đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt vào Điện Biên Phủ (1965-1969). Các đội sản xuất của nông trường bị không quân Mỹ đánh phá liên tục, phá hủy nhiều tài sản ở khu vực trung tâm nhưng những khó khăn ấy càng là động lực để cán bộ, chiến sĩ, công nhân nông trường quyết tâm lao động, chiến đấu kiên cường hơn. Những tháng ngày ấy, mỗi cán bộ, công nhân nông trường đều mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba ngày thường. Suốt đêm trên nông trường rền rã tiếng máy hòa vào tiếng người trong không khí lao động khẩn trương. Đến tháng 5.1994, Nông trường Điện Biên hoàn thành sứ mệnh lịch sử, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nơi này.

Từ bãi chiến trường ngổn ngang hầm hào, thép gai với chi chít các loại mìn, nhờ công sức, mồ hôi và cả máu, nước mắt của những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có người Hải Dương đã giúp Điện Biên trở thành vùng kinh tế mới ngày càng phát triển.

Tiếp bước cha anh

Thừa kế tinh thần quật cường của những người chiến sĩ Điện Biên, ngày nay, người Hải Dương ở thế hệ thứ hai, thứ ba cũng đang góp phần xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp. Nhiều tấm gương làm kinh tế điển hình được nêu gương. Ấn tượng phải kể đến gương làm kinh tế giỏi đã được UBND tỉnh Điện Biên tặng bằng khen là gia đình anh Bùi Văn Thanh, con trai của chiến sĩ Điện Biên Bùi Văn Đạm. Cha của anh Thanh là người thôn An Rặc, xã Hồng Thái (Ninh Giang), nay gia đình anh sống tại phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ. 

Trang trại của anh Thanh rộng 2,9 ha nuôi hàng trăm con dê, hàng chục con bò và diện tích ao nuôi cá. Anh Thanh bảo tuổi thơ lớn lên từ Nông trường Điện Biên nên anh sớm thấu hiểu những cố gắng của gia đình khi vừa phải sản xuất, vừa chiến đấu. Anh vốn trưởng thành từ môi trường sư phạm, trải qua 10 năm công tác trong ngành giáo dục tại các tỉnh giáp biên giới của Điện Biên. Năm 1988, bằng sự nhạy bén, anh Thanh rẽ hướng sang kinh doanh và làm nông trại. Quan điểm lấy ngắn nuôi dài, anh Thanh cùng vợ tập kinh doanh những mặt hàng nhỏ lẻ như: chè, thuốc, vải, quần áo… Đến năm 2000, từ nguồn lãi có được anh mua mảnh đất ruộng đầu tiên tại bản Ngựu, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) với diện tích 4.000 m2. Mua được đất, anh thuê máy ủi san lấp, ban đầu trồng lúa, sau đào ao và mua thêm bò, dê. Lúc ấy, vợ chồng anh phải dậy từ 4 giờ sáng chăm lo trang trại và kinh doanh. Ban đầu, cả gia đình mới có một chiếc xe đạp. Việc đạp xe đường rừng từ nhà đến trang trại chăn nuôi hơn 5 km với anh là cả vấn đề. Thế nhưng, tất cả khó khăn đã qua, từ miếng đất 4.000m2, đến nay, vợ chồng anh thu gom và mở dần thành trang trại 2,9 ha, tạo việc làm cho 11 hộ xung quanh. Năm2006, UBND tỉnh Điện Biên đã tặng bằng khen hộ nông dân làm kinh tế giỏi cho gia đình anh.

Anh Thanh chỉ là một trong hàng trăm người con của quê hương Hải Dương làm kinh tế giỏi ở Điện Biên. Theo ông Nguyễn Hồng Cư, Chủ tịch Ban liên lạc đồng hương Hải Dương, ở Điện Biên có khoảng 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm kinh tế giỏi do người Hải Dương làm chủ. Có thể kể đến như: Công ty CP Xi măng Điện Biên, doanh nghiệp in ấn Đỗ Trang và nhiều doanh nghiệp có doanh thu 1-2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, có rất nhiều người con của đất Hải Dương giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. 

Điện Biên hôm nay đã là miền đất lành của những người con xứ Đông quyết định chọn nơi đây để an cư lập nghiệp. Những người con của tỉnh Đông dù xa quê hương vẫn gắn kết, đùm bọc lẫn nhau, mà hạt nhân quy tụ mọi người chính là Hội Đồng hương Hải Dương tại khu vực Điện Biên. Những năm qua đã rất nhiều gia đình vượt khó nhờ vào sự giúp đỡ của hội. Chắc chắn rằng, những người con của Hải Dương tại Điện Biên sẽ tiếp tục chung tay vào công cuộc xây dựng quê hương thứ hai ngày càng phát triển.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Người Hải Dương trên đất Điện Biên