Nhớ ngày giải phóng thành phố

30/10/2018 09:07

64 mùa thu đi qua kể từ ngày giải phóng, thành phố hôm nay đã có những đổi thay toàn diện nhằm hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.

64 mùa thu đã qua nhưng nhiều người dân Hải Dương vẫn nao nao nhớ về ngày giải phóng thành phố 30.10.1954 với niềm tự hào và kỳ vọng thành phố hôm nay sẽ tiếp nối được truyền thống hào hùng của cha ông để vững bước phát triển.


Nhân dân tưng bừng đón bộ đội vào tiếp quản thị xã Hải Dương ngày 30.10.1954. Ảnh tư liệu

Mùa thu năm ấy

“Ngày ấy, cả thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương) như vỡ òa bởi tiếng reo vui đón đoàn quân ta vào giải phóng. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các ngõ phố. Nhân dân thị xã xuống đường đông nghịt, tay ôm hoa, tiếng cười rộn rã chào đón đoàn quân. Khắp các ngả đường, dòng người nối đuôi nhau dài hàng cây số reo vang “Độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm”. Người nào người nấy đều vỡ òa trong sung sướng bởi từ đây có độc lập, cuộc sống ấm no, hạnh phúc sẽ đến gần”, ông Nguyễn Quý Mùi ở phường Ngọc Châu, hội viên Hội Sử học tỉnh nhớ lại. Ngày đó, ông Mùi mới 11 tuổi. Từ sáng sớm, ông theo đoàn quân giải phóng từ Gia Lộc tiến về thị xã Hải Dương. Không chỉ cờ hoa rực rỡ, ngày ấy còn xúc động bởi hình ảnh người dân đón những người lính của Trung đoàn 42 về tiếp quản thị xã. “Các anh hùng dũng tiến về thị xã, trên nét mặt rạng ngời và nụ cười tươi rói đón nhận những bó hoa mà người dân trao tặng. Mùa thu năm ấy thật khó quên!”, ông Mùi xúc động kể. 

8 giờ 17 sáng, tên lính cuối cùng bước khỏi cầu Phú Lương cũng là lúc một hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hòa Bình. Đoàn quân giải phóng sau khi tiếp quản thị xã, chiều cùng ngày đã tề tựu, tập trung về khu vực vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc lập) để mít tinh mừng thắng lợi, công bố 8 chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng và 10 điều kỷ luật đối với cán bộ, bộ đội. Tại đây, đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Bí thư Khu ủy khu tả ngạn đọc diễn văn công bố thị xã Hải Dương hoàn toàn giải phóng. Sau mít tinh, từng đoàn người diễu hành khắp các tuyến đường lớn của thị xã biểu dương, thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng miền Bắc mạnh giàu, đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Đi đầu cuộc diễu hành là những chiến sĩ của Trung đoàn Trung Dũng mang theo lá cờ Quyết chiến, quyết thắng tung bay.

Ông Phạm Văn Tý ở phường Quang Trung kể lại: “Lời bài hát: Vì nhân dân quên mình/vì nhân dân hy sinh… Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra..." rộn ràng theo từng bước hành quân. Sau đó, đoàn diễu hành tách thành từng nhóm nhỏ len lỏi khắp các ngõ phố hô vang bài ca độc lập. Trong Hồi ký “Thị xã Hải Dương ngày ấy” của nhà giáo Bạch Năng Thi, Chủ tịch đầu tiên của UBND Cách mạng lâm thời thị xã Hải Dương ghi rõ: “Lần đầu tiên những lá cờ đỏ sao vàng hùng vĩ, xuất hiện đàng hoàng ở thị xã Hải Dương tung bay trước gió… Những khẩu hiệu vang lên như sấm dậy, tiếng vỗ tay như tiếng pháo nổ đồng tình, hoan nghênh không ngớt. Trong tôi giờ phút đó đúng như câu thơ của Tố Hữu: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời”. 


TP Hải Dương ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Thành Chung

Tin tưởng ở tương lai

64 mùa thu đi qua kể từ ngày giải phóng, thành phố hôm nay đã có những đổi thay toàn diện nhằm hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai. Anh Phạm Văn Huy ở phường Trần Hưng Đạo cho biết: “Mặc dù chỉ được nghe bố tôi kể lại những câu chuyện về giải phóng thị xã ngày ấy nhưng những lớp người trẻ như chúng tôi được hưởng thành quả của cha ông luôn nhận thấy trách nhiệm lớn của mình phải góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp hơn. Trước hết phải thực hiện nếp sống văn minh đô thị và tin tưởng thành phố sẽ có nhiều đổi mới khi được nâng tầm lên đô thị loại I…”.

Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, hiện nay, Đảng bộ và nhân dân TP Hải Dương tiếp tục nỗ lực xây dựng thành phố mạnh giàu, xứng đáng là trung tâm kinh tế-chính trị của tỉnh. Công tác xây dựng, quản lý đô thị của thành phố đang được đẩy nhanh nhằm sớm đưa thành phố lên đô thị loại I. Nhiều công trình lớn, hạng mục liên quan đến mở rộng không gian đô thị, nâng cao đời sống của người dân được quan tâm thực hiện. Bà Phạm Thị Nhu ở khu 8, phường Tân Bình kỳ vọng: “Ngoài quan tâm phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của mảnh đất xứ Đông, những người gắn bó với thành phố mấy chục năm như chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo bằng sự đoàn kết, quyết tâm cao tiếp tục đẩy nhanh đề án nâng cấp đô thị. Đặc biệt, quan tâm xây dựng được các công trình văn hóa mang đậm dấu ấn của xứ Đông. TP Hải Dương vốn là phên dậu của kinh thành Thăng Long xưa, với vị trí quan trọng như vậy, mỗi người dân chúng tôi đón đợi sự bứt phá của thành phố trong thời gian tới”. Ngày 29.10, Kỳ họp thứ7 HĐND tỉnh khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về đề nghị công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I.

Ngày giải phóng thị xã Hải Dương mở ra một giai đoạn mới mang lại độc lập, tự do, hòa bình cho mỗi người dân. Từ đó đến nay, trải qua hơn 60 năm, TP Hải Dương đã khoác lên mình tấm áo mới khang trang và hiện đại hơn để vươn tầm đô thị loại I.

Ngày 27.10, Ủy ban Quân chính do đồng chí Nguyễn Như Thiết phụ trách đã tiến vào thị xã nhận bàn giao của địch. Ngày 28.10, đội dân cảnh tiến vào thị xã trước. Sau 3 ngày vào kiểm kê, 5 giờ chiều 29.10, hai bên đã ký kết xong biên bản bàn giao. Theo kế hoạch đã định 5 giờ sáng 30.10.1954, Trung đoàn 42 và một tiểu đoàn của tỉnh gồm cán bộ, nhân viên theo quốc lộ 5 và đường 17 tiến vào tiếp quản thị xã Hải Dương. Đúng 6 giờ 30 cùng ngày, quân ta theo đường 17 tiến vào nhận bàn giao tại các trạm gác và công sở. 14 giờ bộ đội ta mang quân phục, súng ống nghiêm trang tiến về vườn hoa Bảo Đại mít tinh chào mừng thị xã Hải Dương hoàn toàn được giải phóng.

(Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ TP Hải Dương)  

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nhớ ngày giải phóng thành phố