Những học giả Mỹ yêu Việt Nam

08/02/2019 08:04

Kết thúc khóa học không dài ở Mỹ, những ấn tượng để lại cho chúng tôi khá nhiều, sâu đậm, nhất là những thiện cảm mà những học giả hàng đầu nước Mỹ dành cho Việt Nam.

Giáo sư Gary Orren chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả bài viết (thứ tư từ phải sang) và các thành viên lớp học tại Đại học Harvard

Tôi rất may mắn khi chỉ trong thời gian ngắn đã được học, trao đổi với những giáo sư, tiến sĩ hàng đầu nước Mỹ về lĩnh vực của họ, khi tham gia khóa học “Đào tạo quốc tế về kỹ năng lãnh đạo, quản lý” tại Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm 2018. Càng ý nghĩa hơn khi các học giả cách nửa vòng Trái đất ấy lại hiểu biết, thiện cảm, yêu quý con người, đất nước Việt Nam...

Tôi kỳ cạch gõ tên để kiếm tìm những thông tin trên mạng về các giáo sư, tiến sĩ mình may mắn được học. Nếu chỉ học hàm, học vị bằng tiếng Anh, kết quả là rất nhiều. Nhưng khi thêm tiếng Việt, ví như giáo sư, tiến sĩ vào trước tên, có sự khác biệt nhất định. Nổi bật nhất, phải kể đến giáo sư kinh tế Andreas Hauskrcht (gốc Đức) của Trường Kinh doanh Kelly, Đại học Indiana - đồng Giám đốc Chương trình Sáng kiến Việt Nam. Các kết quả tìm kiếm lần lượt là: “GS Andreas Hauskrecht” (trong 0,36 giây cho khoảng 4.030 kết quả), “Andreas Hauskrecht” (với 0,44 giây thấy 39.000 kết quả), “Professor Andreas Hauskrecht” (khoảng 0,35 giây cho 3.230 kết quả)…

Giáo sư Andreas gắn bó với Việt Nam từ năm 1991. Ông thường được Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1991-1997) mời tham gia nhóm không thường trực các chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính. Ấn tượng về vị nguyên thủ quốc gia thực tiễn, nhạy cảm trước những vấn đề cuộc sống đặt ra với tư duy và tầm nhìn tiến bộ cùng sự quyết đoán, tinh thần đổi mới mạnh mẽ khiến giáo sư Andreas ngày càng thêm yêu mến, muốn đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam… Dù làm việc, sinh sống ở Đức hay Mỹ (từ năm 2001), giáo sư Andreas luôn phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong chia sẻ thông tin, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế trong và ngoài nước, đưa ra các kiến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam. Ông cũng luôn hỗ trợ tăng cường kết nối các giáo sư, học giả uy tín của Mỹ sang Việt Nam làm việc, tư vấn chính sách phù hợp với điều kiện và trọng tâm phát triển của Việt Nam; kết nối các tổ chức, chuyên gia nghiên cứu, tư vấn chính sách hàng đầu của thế giới và Mỹ với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu của Việt Nam… Từ năm 1994 đến nay, ông là Giám đốc Dự án Hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hệ thống ngân hàng nên thường xuyên có các cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, ông Andreas có nhiều ấn tượng, kỷ niệm khó quên về con người, về sự phát triển, hội nhập của kinh tế Việt Nam, về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong những năm gần đây.

*

Trong 1 tuần ở Đại học Indiana hồi cuối tháng11, đầu tháng 12.2018, chúng tôi được học nhiều giáo sư, tiến sĩ người Mỹ khác. Đó đều là những ngày học nặng nhọc, mệt nhoài, thậm chí 3 buổi/ngày, về các chủ đề khác nhau liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, truyền thông... Tuy nhiên, những kiến thức thu nhận được, phương pháp truyền giảng hiện đại, đầy năng lượng, tâm huyết và sự hiểu biết, yêu mến Việt Nam khiến các buổi học lý thú cũng trôi qua nhanh chóng. Đó là tiến sĩ John Karaagac - người am hiểu chính trị Mỹ và thế giới, từng viết 2 cuốn sách về cựu Tổng thống G.Bush (con) và B.Obama - thừa nhận rằng Hà Nội rất đẹp, phát triển khá nhanh trong những năm qua. Đặc biệt, chiều 29.11, khi ngồi học tại văn phòng của giáo sư John Graham, Hiệu trưởng Trường SPEA - trường chính sách công và môi trường thuộc Đại học Indiana, ông Graham kể câu chuyện rất riêng tư của người nhà ông khi lần đầu đến Việt Nam. Đó là năm 2008, nhân dịp bố mẹ ông kỷ niệm ngày cưới trên tàu du lịch, dừng ở Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng và đi ô tô lên Hà Nội. John Graham kể rằng ông rất ngạc nhiên vì 2 điều. Thứ nhất là người dân Việt Nam đối xử với người Mỹ rất ấm áp. Chả là anh rể của giáo sư từng tham chiến ở Việt Nam, rất hồi hộp, căng thẳng khi trở lại dải đất hình chữ S. Thế nhưng, đáp lại là sự chân tình, ấm áp, điều ấy khiến anh rể giáo sư cảm thấy thoải mái và sau này ông trở lại Việt Nam nhiều lần, làm những việc có ý nghĩa để nguôi ngoai cảm giác ân hận khi xưa. Điều thứ hai khiến giáo sư ngạc nhiên là sự tương phản, sắc màu ở thủ đô Hà Nội thu hút rất đông khách du lịch nước ngoài và sự phát triển kinh tế nhanh chóng, doanh nghiệp tư nhân làm ăn rất tốt, nhiều người giàu có...

Năm 2015, giáo sư John Graham trở lại Hà Nội, trong vòng 1 tuần và ông càng ngạc nhiên hơn về sự thay đổi, phát triển kinh tế của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Ông cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam hiện rất tốt, nhất là trong hợp tác kinh tế. Ông tin tưởng trong điều kiện thương mại thế giới nhiều căng thẳng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa đến hồi kết, khó dự báo, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, cải thiện tích cực hơn nữa...

Thật tuyệt vời là trong hơn 2 tuần ở Mỹ, chúng tôi đã có 1 ngày được học với 2 giáo sư hàng đầu tại Đại học Harvard. Tại buổi học với giáo sư Gary Orren - người đã giảng dạy ở Harvard nửa thế kỷ, trong bài giảng về “Khoa học và nghệ thuật của ảnh hưởng có hiệu quả” đầy năng lượng, truyền cảm hứng, ông có kể nhiều về gia đình mình, có chuyện liên quan đến Việt Nam. Ông kể sau khi kết hôn với người vợ thứ hai (người vợ đầu không may mắn qua đời trước đó), ông có đưa tấm bản đồ thế giới cho người vợ mới và hỏi rằng thích đi tuần trăng mật ở đâu. “Cô ấy nhìn bản đồ một lát rồi chỉ vào điểm đến. Đó là Việt Nam. Và chúng tôi đến đất nước các bạn trong 5 ngày. Trước khi các bạn sang Harvard, tôi có nói chuyện rằng sẽ gặp đoàn, vợ tôi nói muốn trở lại Việt Nam! Năm 2019, chúng tôi sẽ trở lại. Đất nước các bạn thật đẹp, ấm áp, thức ăn rất ngon”, giáo sư Gary Orren cho biết.

*

Kết thúc khóa học không dài ở Mỹ, những ấn tượng để lại cho chúng tôi khá nhiều, sâu đậm, nhất là những thiện cảm mà những học giả hàng đầu nước Mỹ dành cho Việt Nam. Chợt nhớ hôm trước khi chia tay Indiana, chúng tôi được giáo sư Trần Ngọc Anh - Giám đốc Chương trình Sáng kiến Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Chính phủ - mời đến nhà dự tiệc, với sự có mặt của một số giáo sư đã dạy chúng tôi ở Hà Nội trong vòng 2 tuần và cả những giáo sư, tiến sĩ vừa kết thúc các bài giảng ở Bloomington như Andreas Ahauskre, Kery Krutilla, Ken Richards, James L.Pery... Những cái bắt tay thật chặt, những câu chuyện giản dị, đời thường và cả những đau đáu đóng góp cho một Việt Nam phát triển thịnh vượng, vững bền, cho mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng được cải thiện, ấm nồng, hiệu quả hơn...

NGUYỄN TRI THỨC

(0) Bình luận
Những học giả Mỹ yêu Việt Nam