Những người lính thầm lặng

12/04/2020 06:07

Những người lính ở khu cách ly tập trung của tỉnh luôn tất bật chăm sóc sức khỏe, khử khuẩn, phục vụ các bữa ăn cho hơn 200 công dân trở về từ các quốc gia có dịch đang lưu trú tại đây.

Những hộp cơm bảo đảm dinh dưỡng được các cán bộ, chiến sĩ ở khu cách ly chuẩn bị cho công dân trong thời gian lưu trú


Vì nhân dân phục vụ

Chúng tôi có mặt tại Trung đoàn 125 vào đúng dịp 214 công dân trở về từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 lưu trú tại đây đã hết thời gian cách ly. Sau khi làm các thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn, chúng tôi được các chiến sĩ trong tổ canh gác đồng ý cho tiếp cận vòng 3 (vòng cách ly đặc biệt). Gặp trung tá Bùi Huy Duyệt, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Bình Giang, phụ trách khu cách ly phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, thấy gương mặt anh sạm đi, quầng mắt trũng sâu, chúng tôi đoán được phần nào nỗi vất vả của các cán bộ, chiến sĩ trong những ngày qua. Đã 2 tháng sau khi nhận nhiệm vụ phụ trách khu cách ly, anh Duyệt và hơn 40 cán bộ, chiến sĩ ở đây chưa một lần được về thăm gia đình bởi ngoài yêu cầu nghiêm ngặt của khu cách ly, hơn hết là trách nhiệm của mỗi người lính khi đã nhận nhiệm vụ. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, trung tá

Duyệt nói: "Dù không được về nhưng hằng ngày anh em chiến sĩ vẫn thường xuyên gọi điện thoại cho gia đình, thấy được hình ảnh của người thân, mọi người đều yên tâm để tiếp tục công việc".

Khu cách ly có một tổ chống dịch gồm 45 cán bộ, chiến sĩ được huy động từ các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh và 2 bác sĩ của Trung tâm Y tế TP Chí Linh. Tổ phòng dịch gồm các bộ phận hậu cần, quân y, canh gác. Bộ phận nào cũng khó khăn, vất vả, song với tinh thần phục vụ, ai nấy đều làm hết trách nhiệm của mình. Trung tá Duyệt kể, có hôm 9 giờ tối, điện thoại trực ban khu cách ly tập trung rung lên dòng tin nhắn: "Nhờ các chú bộ đội mua giúp chai sữa tắm, hộp bánh quy, bịch bỉm cho trẻ em". Ngay lập tức đồng chí trực ban nhấc điện thoại gọi sang bộ phận phục vụ (vòng ngoài) đề nghị hỗ trợ. 30 phút sau, những vật phẩm cần thiết đã được chuyển tới trực ban để đưa về phòng cho công dân. Trung tá Duyệt nói thêm: "Khu cách ly thành lập tổ trực ban trực 24/24 giờ mỗi ngày để tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp, đề nghị hỗ trợ của công dân. Tại các phòng trong khu cách ly, chúng tôi đều ghi số điện thoại trực ban để công dân tiện liên lạc. Nhiều đồ dùng không có trong danh mục hỗ trợ của Nhà nước nên bà con có nhu cầu mua thêm gì dù ngày hay đêm chúng tôi đều sẵn sàng hỗ trợ. Phục vụ nhân dân là trách nhiệm của người lính!".

Hằng ngày, các bác sĩ quân y đến từng phòng kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt cho công dân 

Mỗi bộ phận trong tổ phòng dịch có nhiệm vụ khác nhau. Vất vả nhất là bộ phận hậu cần. Trời còn tối đen, các anh đã phải dậy lo cơm nước, từng chiếc móc áo, bánh xà phòng, cuộn giấy vệ sinh... cho bà con. Bộ phận hậu cần có 14 người làm nhiệm vụ nấu ăn, vận chuyển đồ ăn cho công dân và dọn rác thải. Một ngày của các anh bắt đầu từ 5 giờ sáng và thường kết thúc vào 19giờ tối. Sau khi chuẩn bị bữa sáng cho bà con ở khu cách ly, mọi người cùng vào bếp nấu bữa trưa. Đúng 11 giờ các suất ăn được đưa đến các tầng nhà. 14 giờ lại bắt tay vào chuẩn bị bữa tối. 17 giờ 30 chuyển cơm lên cho công dân. Sau mỗi bữa ăn, các anh lại đi đến từng tầng thu dọn rác thải, phân loại rồi đưa đi xử lý. Cuối mỗi ngày dọn dẹp, vệ sinh nhà bếp để hôm sau tiếp tục công việc. 

Gần đến giờ ăn trưa, 3 chiến sĩ phụ trách đưa thức ăn trong bộ đồ bảo hộ, đeo găng tay sẵn sàng có mặt tại cửa nhà bếp để chuyển cơm lên các tầng. Thời tiết cuối tháng 3 mưa nhiều, các anh xếp các hộp thức ăn vào thùng xốp rồi mới mang lên. Thiếu tá chuyên nghiệp Đoàn Văn Đôn cho biết mỗi bữa nấu hàng trăm suất ăn, sau đó đóng hộp chuyển lên các tầng trong bộ bảo hộ kín như bưng là điều không dễ dàng. Ngày lạnh còn đỡ, ngày nóng anh em mặc bộ đồ bảo hộ đi lại các tầng nhà, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng vì bảo đảm an toàn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Sau mỗi bữa ăn, anh em nhận được những lời động viên, cảm ơn của người dân là mọi mệt nhọc trong ngày tan biến hết. 

Tròn 2 tháng nay, ngày nào trung úy Đỗ Văn Thái cũng leo từ tầng 1 lên tầng 3 trong bộ đồ kín mít để phun khử trùng toàn bộ các phòng cũng như khuôn viên khu cách ly. Ngày nắng cũng như ngày mưa, vệ sinh cá nhân xong là anh phải mặc ngay đồ bảo hộ, mùi thuốc khử trùng xông thẳng vào mũi. Theo trung úy Thái, so với các bộ phận khác thì công việc của những người khử khuẩn, sát trùng trong khu cách ly nặng nhọc hơn vì ngoài mang trên mình bộ bảo hộ kín mít là chiếc máy khử trùng nặng 15 kg trên lưng. "Những ngày chưa tiếp nhận công dân, chúng tôi đã làm công việc này mỗi ngày rồi. Từ ngày họ về lưu trú, việc khử trùng được tăng từ 1 lần lên 2 lần/ngày nên rất vất vả. Nhưng được người dân yêu quý gọi tên, nói lời cảm ơn, nhiều lúc còn chụp ảnh về hoạt động hằng ngày của chúng tôi đưa lên Facebook, Zalo... để chia sẻ là chúng tôi thấy vui và quên đi mệt mỏi", anh Thái nói.

"Nhớ mãi 14 ngày"

Từ ngày 1.3-2.4, khu cách ly phòng chống dịch tỉnh đã có 2 đợt tiếp nhận hơn 400 công dân Việt Nam từ 12 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Trong đó có 8 trẻ em và 3phụ nữ mang thai. Suốt thời gian lưu trú tại đây, các công dân đều được kiểm tra sức khỏe hằng ngày, phục vụ miễn phí 3 bữa ăn/ngày...

Sau 14 ngày chấp hành quy định cách ly tập trung, tận mắt chứng kiến các chú bộ đội ngày đêm căng mình chăm sóc sức khỏe, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho bà con, trở về họ đã gửi lại các anh rất nhiều dòng thơ, trang nhật ký đầy xúc động. Tôi nhớ mãi hình ảnh nhỏ nhắn của em Nguyễn Thị Huyền, du học sinh Hàn Quốc trước khi rời khu cách ly trở về với gia đình đã xúc động viết lên trang nhật ký cách ly những câu thơ: "Nhìn Việt Nam cả thế giới tự hào/ Sao nhỏ bé mà oai hùng đến thế/ Họ biết rằng bao con người thế hệ/ Thức trọn đêm ngăn vi rút lan tràn"... Những dòng cuối cùng Huyền viết: "... Mỗi ngày ở khu cách ly nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ của các chú bộ đội em thấy mình thật may mắn. Sự quan tâm, chăm lo của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây là lời nhắc nhở mỗi người chúng em cần phải sống có trách nhiệm với bản thân, xã hội"...

Ngày nào trung úy Đỗ Văn Thái cũng leo từ tầng 1 lên tầng 3 trong bộ đồ kín mít để phun khử trùng toàn bộ các phòng khu cách ly 

Chị Dương Thị Hằng, quê ở Thái Nguyên trở về từ Thái Lan, có con nhỏ từng được sự hỗ trợ đặc biệt của những người lính tại khu cách ly ở Trung đoàn 125 chia sẻ: "Ngày đầu đến đây tôi rất lo lắng vì con tôi mới được 2 tuổi, nhưng mỗi ngày qua đi mẹ con tôi đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các cán bộ, chiến sĩ. Ngoài chuẩn bị đủ 3bữa cháo mỗi ngày cho bé với nhiều loại thịt, cá, tôm, rau củ quả, tôi còn được các cán bộ trang bị thêm ấm siêu tốc, phích nước nóng để tiện dùng khi pha sữa cho con. Điều này khiến tôi rất yên tâm khi lựa chọn trở về Tổ quốc và được cách ly tập trung trong doanh trại quân đội. Được về với gia đình nhưng những kỷ niệm ở khu cách ly sẽ còn mãi trong tôi".

Sinh ra trong gia đình có điều kiện khá giả, anh Nguyễn Đức Huy ở TP Hà Nội là du học sinh trở về từ Mỹ cho biết: "Tại đây chúng tôi được quan tâm, chăm sóc chu đáo đến từng bữa ăn, giấc ngủ, các điều kiện sinh hoạt bảo đảm đầy đủ cả về tinh thần và vật chất. Hằng ngày, các bác sĩ quân y đến từng phòng kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, ai đau bụng hay khó chịu ở đâu đều được khám, cấp thuốc kịp thời. Những ngày qua tôi đã học hỏi được nhiều điều, nhất là học cách cho đi, sự sẻ chia và hơn hết là tình người trong gian khó. Đây cũng sẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi".

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, các cán bộ, chiến sĩ ở khu cách ly tập trung, Trung đoàn125 tỉnh đã và đang hằng ngày cùng các lực lượng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Sự hy sinh thầm lặng của họ đã tô thắm thêm phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. 

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Những người lính thầm lặng