Phí tăng, thu gom rác vẫn khó

03/04/2018 07:06

Mặc dù phí thu gom rác thải sinh hoạt (RTSH) đã tăng nhưng hoạt động của các tổ thu gom vẫn gặp khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn.


Do thu nhập của tổ viên thấp nên hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn chưa thường xuyên

Chỉ là làm thêm

Thời gian qua, mức thu phí vệ sinh môi trường ở các địa phương không cố định. Tùy tần suất, địa hình thu gom, quãng đường vận chuyển RTSH, mức thu ở mỗi địa phương dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/khẩu/tháng. Một số ít địa phương kinh tế phát triển, lượng rác thải phát sinh nhiều nên có mức thu cao hơn nhưng cũng không vượt quá 5.000 đồng/khẩu/tháng. Với mức thu này, thu nhập bình quân của người thu gom, vận chuyển RTSH còn thấp, chỉ khoảng 700.000 đồng/người/tháng.

Thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) hiện thu tiền thu gom RTSH theo khẩu với mức 2.000đồng/tháng. Gia đình bà Phạm Thị Nịnh thuộc diện khó khăn nên bà được thôn tạo điều kiện tham gia tổ thu gom rác thải để có thêm thu nhập. Do mức phí đóng góp của người dân còn thấp, thu nhập của tổ viên chưa bảo đảm nên bà chỉ có thể tranh thủ thời gian thu gom chứ chưa thực hiện được theo chu kỳ, tần suất cố định. "Nếu thu nhập bảo đảm, tôi sẽ sắp xếp thời gian, việc nhà hợp lý để làm tốt việc thu gom rác cho thôn. Nhưng đằng này tiền công ít quá nên chủ yếu phải đi làm việc khác để có thu nhập", bà Nịnh cho biết.

Nhiều năm nay, các thành viên tổ thu gom RTSH thôn Nam Khê, xã Hồng Phong (Nam Sách) được lãnh đạo thôn trả 150.000đồng/người cho mỗi buổi thu gom. Mỗi tuần, tổ thu gom 1 lần, thời gian thu gom không cố định. Theo bà Trần Thị Bình, tổ viên tổ thu gom RTSH của thôn thì tính ra thu nhập mỗi tháng của 1 thành viên tổ thu gom chỉ khoảng 600.000đồng, thấp so với mặt bằng chung hiện nay. Nếu mức phí vệ sinh môi trường được điều chỉnh tăng, thu nhập của các tổ viên cũng tăng lên, chắc chắn việc thu gom sẽ được thực hiện thường xuyên, môi trường trong thôn bảo đảm sẽ tốt hơn. "Đến giờ, chúng tôi cũng chưa biết chủ trương tăng phí vệ sinh môi trường của UBND tỉnh. Nếu muốn tăng, chúng tôi sẽ phải xin ý kiến của các hộ dân. Việc tăng phí giúp các tổ viên toàn tâm toàn ý với công việc hơn, môi trường trong thôn sẽ được bảo đảm hơn so với trước kia", bà Bình cho biết.  

Điều chỉnh chưa phù hợp

Gần đây RTSH phát sinh lớn, địa bàn phụ trách rộng nên mỗi tổ, đội thu gom thường phải vận chuyển từ 2 - 6 chuyến xe/lần thu gom. Quãng đường vận chuyển rác từ hộ dân đến các bãi rác từ 5 - 10 km. Nhân lực mỏng, thu nhập thấp, thiết bị thô sơ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH ở các địa phương. 

Là thành viên của tổ thu gom RTSH thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) hơn 2 năm nay, anh Lưu Văn Diến chỉ thấy khối lượng công việc tăng lên chứ chưa thấy thu nhập được cải thiện. Theo anh Diến, lượng RTSH của người dân ngày càng tăng cao. Mỗi tuần phải thu gom 3 buổi nhưng phí hiện tại vẫn là 4.000 đồng/hộ/tháng như trước. Thôn có hơn 1.000 hộ sinh sống, nếu chia đều cho 2 thành viên trong tổ, mỗi tháng anh nhận được hơn 2triệu đồng. Chia theo ngày công thực tế, anh nhận được khoảng 180.000 đồng/ngày, chưa bằng tiền công của một ngày đi phụ xây. Khi nhận công việc này, anh Diến được UBND xã trang bị cho xe ba gác để vận chuyển rác. Nhưng do lượng rác nhiều, mỗi lần thu gom hơn 7 tấn nên anh em trong tổ phải mua xe lôi. “Trừ chi phí đầu tư phương tiện, tiền xăng xe, thu nhập hằng tháng không đáng là bao. Chúng tôi cũng nghe nói nhiều nơi đã tăng phí thu gom rác. Điều này là cần thiết để có thể động viên và giúp người thu gom rác gắn bó hơn với công việc”, anh Diến cho biết.

Theo ông Bùi Quang Bồng, Giám đốc Công ty CP Môi trường Seraphin - APT Hải Dương, công ty đang đặt vấn đề với một số địa phương trong tỉnh để thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH theo đề án của UBND tỉnh. Nhưng theo tính toán của doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chưa đủ bù đắp chi phí vận chuyển rác thải từ nơi tập kết về nhà máy xử lý. Trong khi đó, mức đóng góp của người dân chỉ đủ để trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác từ các hộ dân ra điểm tập kết. Việc tăng phí vệ sinh môi trường là cần thiết để người dân chung tay cùng Nhà nước thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải một cách triệt để. Tuy nhiên, mức tăng như quy định mới của UBND tỉnh chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Để giảm dần chi từ ngân sách nhà nước, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 20.10.2017 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển RTSH sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo quyết định này, giá thu áp dụng cho các hộ không kinh doanh tại các xã ngoài địa bàn TP Hải Dương và thị xã Chí Linh từ 3.000 - 4.000đồng/khẩu/tháng. Mặc dù mức thu này đã cao hơn so với quy định cũ từ 1.500 - 2.000đồng/khẩu/tháng nhưng so với thực tế lượng rác phát sinh, thiết bị vận chuyển, quãng đường di chuyển ở khu vực nông thôn hiện nay còn thấp, chưa bảo đảm thu nhập cho người tham gia thu gom, vận chuyển, dẫn đến việc thu gom, vận chuyển RTSH khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay.  

VỊ THỦY - NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phí tăng, thu gom rác vẫn khó