Tâm huyết bảo tồn di sản

21/11/2020 18:01

Hải Dương hiện có hơn 3.000 di tích được xếp hạng, chủ yếu là đình, chùa, cơ sở thờ tự, tương ứng sẽ có cả nghìn thủ từ, thủ nhang… trông coi.


Ông Trần Xuân Thịnh - thủ từ ở đền Sượt, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) luôn trách nhiệm cao với công việc

Họ chính là những người đã ngày đêm lặng thầm cống hiến để gìn giữ kho di sản phong phú này.

Công việc thầm lặng

Quét dọn, làm lễ, tiếp đón khách… là chuỗi công việc quen thuộc của ông Trần Xuân Thịnh suốt 8 năm qua tại đền Sượt, phường Thanh Bình (TP Hải Dương). Khi chúng tôi đến, ông Thịnh vừa cần mẫn lau chùi các hiện vật ở đền vừa khoe niềm vui khi Lễ hội đình, đền Sượt cùng với Lễ hội đền Quát (Gia Lộc) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Sượt thờ Vũ Hựu đại vương - người có công phò vua Lê Chiêu Tông dẹp giặc Ai Lao ở thế kỷ thứ XV. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị cổ xưa như ngai thờ, bài vị, bức đại tự, bộ bát bửu, đôi câu đối... Trước đây, do chiến tranh và biến động xã hội, nhiều hiện vật từng bị thất lạc, sau đó nhân dân địa phương đã cất công tìm và bảo tồn đến nay. Với ông Thịnh, công việc không chỉ là trông coi, dọn dẹp để đền luôn "sạch cỏ đỏ hương" mà ông còn chịu khó tìm hiểu các giá trị của di tích để tuyên truyền đến người dân và du khách. Nhiều lần con cháu cản vì sợ ông tuổi cao, tiếp xúc với khói hương ảnh hưởng sức khỏe, công việc ở đền cũng phải sát sao, nhưng ông vẫn quyết làm và cảm thấy vui.

Từ ngày ông nhận nhiệm vụ trông coi ngôi đền, nạn trộm cắp ở đây giảm đi trông thấy. Trước đây, đền Sượt nhiều lần bị trộm đột nhập, ông cùng người dân đã bắt và giao nộp cho công an 8 tên trộm. Chọn một công việc có khi phải đối mặt với nguy hiểm nhưng ông Thịnh quan niệm được gắn bó với chốn linh thiêng là một cái duyên. “Năm nay, tôi cũng 64 tuổi rồi, góp được chút công sức của mình trong việc bảo tồn di sản của dân làng được chừng nào hay chừng đó”, ông Thịnh nói.

Tương tự, ông Vũ Thanh Tân, thủ từ miếu Lai Cầu, thôn Lai Hà, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cũng gắn bó với công việc này được hơn 3 năm. Miếu Lai Cầu thờ nữ tướng Nguyễn Thị Dực - người đã cải trang thành nam nhi, tập hợp nghĩa quân giúp vua Lê đánh tan giặc Tống ở thế kỷ thứ X. Ngôi miếu cổ còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như 5 sắc phong cổ từ thời Tự Đức đến thời Khải Định, tượng nữ tướng... 

Năm 2014, trộm đột nhập và lấy đi tượng nữ tướng nên từ đó đến nay, ai làm nhiệm vụ trông coi đền phải rất cảnh giác. Nhắc về quãng thời gian gắn bó, ông Tân bảo: "Tôi được người dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ trông nom, bảo vệ di tích. Là người sinh ra, lớn lên ở đây, tôi nhận thấy đây là trọng trách lớn với quê hương. Nhưng nhận nhiệm vụ mới biết việc trông coi di tích không hề đơn giản. Nhiều người nghĩ thủ từ chỉ là việc ra đình, miếu để trông nom nhang khói nhưng thực sự có nhiều khó khăn, nếu không tâm huyết thì khó làm được”. 

Làm việc không công

Hơn chục năm gắn bó với đền Quát, ông Phạm Quang Vĩnh được biết đến như một “pho sử sống” về những phong tục, lễ hội về ngôi đền này. Không chỉ trông coi di tích, mỗi lần có khách ghé thăm, ông lại như một hướng dẫn viên dẫn du khách tham quan, nhắc nhở người dân thực hiện các quy tắc như không đốt nhiều vàng mã; dâng hương, đặt lễ đúng quy định... góp phần giữ sự tôn nghiêm ở đền. Hơn 3 năm nay, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, ông được hỗ trợ 900.000 đồng/tháng. Ông Vĩnh chia sẻ: “Chúng tôi nhận làm công việc này không phải vì đồng tiền phụ cấp, nhưng được quan tâm chúng tôi cũng thấy phấn khởi”.

Nhưng không phải ai cũng được quan tâm như ông Vĩnh. Nhiều người cũng làm công việc này mà không có lương, không phụ cấp. Còn ông Tân chỉ được hỗ trợ 150.000 đồng/ tháng.

Theo danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh hiện có 3.199 di tích lịch sử văn hóa, tăng 992 di tích so với lần kiểm kê năm 2009. Để bảo tồn được những di sản ấy là đóng góp lớn của lực lượng thủ đền, thủ nhang... Thế nhưng, rất nhiều người trong số đó lại đang làm việc mà không được trả công. Kinh nghiệm từ các địa phương trên cả nước cho thấy nếu có sự quan tâm, ghi nhận của địa phương thì người trông coi cũng có trách nhiệm hơn với di tích, di sản. Các vấn đề như di tích xuống cấp, mối mọt, tình trạng mất cắp cổ vật… cũng được hạn chế. Rõ ràng cần khẳng định việc bảo vệ di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi vậy, đi liền với trách nhiệm thì nên có chế độ đãi ngộ hợp lý hơn cho lực lượng này.

HUYỀN ANH - NGUYỄN HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm huyết bảo tồn di sản