[Video] Thương lắm miền Trung!

06/12/2020 06:12

Có dịp theo chân các nhóm thiện nguyện đi ủng hộ tại Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những khó khăn gian khổ của đồng bào miền Trung ruột thịt và tình cảm sẻ chia của người dân Hải Dương.


Các tình nguyện viên trao quà cho người dân ở thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)

Xót xa khi chứng kiến cảnh đồng bào miền Trung oằn mình chống lại bão lũ, người dân Hải Dương, các tổ chức, doanh nghiệp đã cùng chung tay ủng hộ với tinh thần "lá lành đùm lá rách".

Có dịp đi cùng các Nhóm thiện nguyện Thành Đông, Hội Từ thiện đền Mẫu Đông Giang và Nhóm thiện nguyện phường Lê Thanh Nghị (cùng ở TP Hải Dương) đến tận nơi ủng hộ người dân vùng bão lũ tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) mới thấy hết được những khó khăn, gian khổ của người dân miền Trung cũng như nghĩa tình cao đẹp của những tấm lòng hảo tâm.                                               

Không ngại nguy nan

- Bao khoai này nặng quá, cùng nâng lên nào!

- Cả áo phao nữa nhé các bạn ơi, áo phao là quan trọng nhất đấy!

- Khẩn trương, sắp đến giờ xuất phát rồi, cố lên cả nhà ơi…

Mướt mát mồ hôi nhưng nụ cười, sự hào hứng của các tình nguyện viên (TNV) 3 nhóm thiện nguyện trên như xua đi không khí se lạnh của một ngày mưa bão cuối tháng 10. Lần đầu tiên tổ chức chuyến đi chung nhưng các TNV không hề e ngại nhau mà đều sôi nổi tham gia. Tay chuyền tay, chỉ một lúc sau những bao gạo, tải khoai, thùng mỳ tôm, áo phao, nhu yếu phẩm… đã nằm ngay ngắn trên hai chiếc xe tải trong sân UBND phường Lê Thanh Nghị.

Xếp đồ xong, các TNV vừa kiểm đếm lại hàng hóa mang đi, vừa í ới hỏi thăm nhau đã mang đủ ủng, áo mưa, áo ấm chưa, ai quên thì tranh thủ đi mua cho kịp. “Ai cũng hào hứng. Được tham gia chuyến đi thiện nguyện ngay lúc người dân miền Trung gặp nhiều khó khăn nhất nên tôi thấy rất vui”, anh Bùi Minh Quân, một TNV của Nhóm thiện nguyện phường Lê Thanh Nghị chia sẻ.

Thời điểm đó, mưa bão vẫn diễn biến phức tạp nhưng các TNV đều rất quyết tâm. Trưởng Nhóm thiện nguyện Thành Đông cho biết chị nhận được rất nhiều lời khuyên không nên đi ngay do miền Trung vẫn còn mưa bão, nhiều điểm ngập sâu. Trước chuyến đi liên tục xuất hiện thông tin các chuyến xe thiện nguyện gặp tai nạn, mắc kẹt, phải đi vòng do lũ chưa rút, TNV phải đẩy xe ô tô, đi xuồng vào điểm cứu trợ nên đã có TNV bị thương, thậm chí tử vong… Xác định chuyến đi này có thể gặp nhiều nguy hiểm nên chị chỉ kêu gọi ai thực sự tự nguyện, sắp xếp được công việc, thời gian, bảo đảm về sức khỏe mới nên tham gia.

“Ngay khi quốc lộ 1 đã rút hết nước, trưởng các nhóm đã bàn bạc, thống nhất xuất phát để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân gặp khó khăn do mưa lũ. Trong tình hình đó vẫn có rất nhiều TNV đăng ký tham gia không ngại khó khăn, nguy hiểm”, Trưởng Nhóm thiện nguyện Thành Đông nhớ lại.

Đề phòng rủi ro, một nhà hảo tâm đã mua bảo hiểm cho tất cả các TNV tham gia chuyến đi này. Đúng 17 giờ chiều 30.10, 1 chiếc xe khách và 2 chiếc xe tải chở theo 35 người và 10 tấn hàng hóa xuất phát từ UBND phường Lê Thanh Nghị tiến về huyện Lệ Thủy và Phong Điền - hai trong những nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trên cả nước đợt mưa lũ kéo dài thời gian qua.

Xót xa

Dọc đường đi, ai nấy đều xót xa khi thấy ở hai bên đường là những khoảng trắng xóa mênh mông như giữa biển, nhiều nhà cửa, ruộng đồng thấp hơn quốc lộ ngập sâu trong nước lũ.

Thật may, tại cả 2 nơi đoàn đến nước vừa mới rút, người dân có thể đến nhận hàng cứu trợ. Điểm đến đầu tiên là nhà văn hóa thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy). Ở đây nước đã rút hết, nhưng dấu ấn của những ngày mưa lũ vẫn còn hiển hiện. Trên các bức tường của nhà văn hóa, nước lũ rút đi để lại những ngấn nước dập dềnh cao đến hơn 3 m, cao hơn nơi thường treo bằng khen và các bức ảnh về hoạt động nổi bật của địa phương. Vệt nước ngập cao quá đầu người xuất hiện khắp nơi từ nhà cửa, trạm y tế, trường học, UBND xã...

Những ngày mực nước lên cao, người dân chủ yếu phải ở trên gác xép, nóc nhà chờ được cứu trợ. Chính quyền nơi đây đã nhờ các đơn vị bạn nấu cơm, bánh chưng hỗ trợ nên cơ bản người dân không phải chịu đói khi bị cô lập. Đến lúc nước rút, tình cảnh bày ra trước mắt khiến ai cũng xót xa. Vật nuôi, trâu bò, gà lợn không còn, những tài sản có giá trị người dân phải chắt chiu nhiều năm mới sắm được như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy cũng hư hỏng toàn bộ. Người khá cũng như người nghèo đều mong nhận được sự hỗ trợ sau khi thoát cảnh màn trời chiếu đất trong những ngày nước lũ dâng cao. Bà Trần Thị Xoa bị mù cả hai mắt đang ở cùng con trai học THPT là một trong những hộ khó khăn nhất tại thôn Phan Xá. "Khu vực nhà tôi nước ngập cao 3 m trong 9 ngày liền, trước đây nhà đã không có vật gì giá trị, lũ qua rồi lại càng hoang tàn", vừa nói bà Xoa vừa chảy nước mắt khi nghĩ về gia cảnh của mình.

Cũng như thôn Phan Xá, nhiều người dân tổ dân phố Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) mất tài sản, công sức nhiều năm sau những trận bão lụt. Bà Hồ Thị Mậu ở đội 4, tổ dân phố Vĩnh Nguyên chia sẻ: "Nhà tôi bị ngập 2 m trong khoảng 20 ngày do 5 đợt mưa bão liên tiếp. Dù vợ chồng tôi đã cố chằng buộc nhưng gà lợn trôi hết, thóc, ti vi, tủ lạnh ngập lâu ngày đều hỏng, tổng thiệt hại khoảng 40 triệu đồng".

Thiệt hại trước mắt có thể tính ngay, nhưng người dân nơi đây còn phải đối diện với thiệt hại lâu dài hơn do bão lũ. Ở khu vực này, người dân chủ yếu sống dựa vào thu nhập từ vườn cây thanh trà, loại cây đặc sản tiến vua nổi tiếng và vườn bưởi da xanh. Sau những trận lũ, nguồn thu nhập này chắc chắn không còn. Ông Đồng Hữu Chiến, Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ dân phố Vĩnh Nguyên cho biết: "Những vườn bưởi da xanh, thanh trà đang tươi xanh thế kia nhưng khi nắng lên là cây sẽ chết hết. Người dân sẽ phải trồng vườn mới, ít nhất 4-5 năm nữa mới được thu hoạch, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đồng".

Trao yêu thương

Khi đoàn xe chúng tôi đến thôn Phan Xá, dù trời mưa to nhưng hàng trăm người dân đã tập trung tại nhà văn hóa thôn. Những chiếc nón, mũ cối, mũ áo mưa ôm lấy gương mặt khắc khổ, mỏi mệt của họ sau nhiều ngày chống chọi bão lũ.

Các TNV của đoàn nhanh chóng phối hợp với trưởng thôn và cán bộ địa phương để ổn định trật tự, phát quà, tiền lần lượt theo danh sách. "Cô tên gì cô ơi? Đây cô ra bàn này nhận tiền mặt sau đó sang bàn kia nhận quà hỗ trợ, xong rồi cô đi cửa hông giúp cháu để rộng lối cho người đằng sau cô nhé!". Cứ thế, hộ nghèo được nhận 1 triệu đồng, các hộ còn lại được nhận 500.000 đồng, cùng những phần quà thiết thực là mỳ tôm, nước uống, thuốc, nhu yếu phẩm, áo phao… Nhiều người dân đã bật khóc khi nhận được phần quà mang nặng nghĩa tình của người Hải Dương. “Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm thì không biết 4mẹ con tôi sẽ xoay xở thế nào để vượt qua khó khăn trước mắt”, chị Dương Thị Kiềm, 51 tuổi, ở xóm 2, thôn Phan Xá đang nuôi 3 con, chồng mất sớm nghẹn ngào nói.

Ở nhà văn hóa của tổ dân phố Vĩnh Nguyên, chính quyền địa phương lập danh sách người dân theo từng đội nên việc phát, nhận quà diễn ra rất trật tự. Các TNV đứng cạnh các thùng hàng hóa, nhanh tay trao cho người dân, bảo đảm không ai thiếu quà. 

Rời nhà văn hóa, ai nấy đều ôm theo một túi quà to với nụ cười rạng rỡ xua tan u ám thường trực trên khuôn mặt trong những ngày mưa bão. Lực lượng TNV tích cực hỗ trợ người già, trẻ nhỏ nhận quà, mang ra xe hoặc mang về tận nhà. Ông Đồng Hữu Chiến phấn khởi chia sẻ: “Nước vừa rút nên địa phương đã nhận được sự hỗ trợ nhu yếu phẩm của một vài đoàn thiện nguyện ủng hộ. Nhưng phần quà từ đoàn Hải Dương là giá trị nhất vì bên cạnh hàng hóa người dân còn được nhận thêm tiền mặt. Bão qua đi nhiều hộ khó khăn hơn nên với chúng tôi số tiền mặt này rất quý giá, bước đầu giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Tại 2 địa phương, 3 đoàn thiện nguyện đã trao 350 triệu đồng và hàng hóa với tổng trị giá gần 700 triệu đồng cho 626 hộ dân. Đoàn đã được vợ chồng anh Trần Quốc Đạt, chủ nhà hàng cơm Quảng Trị mời bữa cơm miễn phí, được nhiều nhà hàng khác giảm giá.

Ông Quảng Đình Thành, Trưởng Hội từ thiện đền Mẫu Đông Giang khẳng định 3 nhóm đã có một chuyến đi an toàn, ý nghĩa, kịp thời chia sẻ với đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn. Mang tấm lòng của người dân Hải Dương đến, các TNV càng ấm lòng hơn khi nhận về sự yêu thương của người dân vùng lũ. Yêu thương được chia sẻ, nhân lên là yêu thương còn mãi.

Xem clip

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Thương lắm miền Trung!