Tớ chưa mệt, vẫn chiến được

14/03/2021 06:40

Tham gia vào cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, sinh viên ngành y đã có thêm nhiều bài học vô giá cả trong chuyên môn lẫn cuộc sống.


Các sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tranh thủ "ngủ tại trận" trong quá trình đi lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương 

Cuộc tổng động viên chưa từng có

Ngày 27.1, đợt dịch Covid-19 thứ ba bất ngờ bùng phát, diễn biến phức tạp tại TP Chí Linh. “Giặc” tấn công bất ngờ, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở buộc phải kích hoạt trạng thái “chiến đấu” khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Các trường hợp F0 liên tục xuất hiện. Bệnh viện dã chiến hình thành. Một loạt trường học, doanh trại quân đội nhanh chóng chuyển thành các địa điểm cách ly y tế tập trung những người thuộc diện F1.

Bộ Y tế cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng tham gia chống dịch tại Đà Nẵng về hỗ trợ “mặt trận” Hải Dương. Các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh)… cũng chi viện đội ngũ các y, bác sĩ lành nghề tới tăng cường. Ở trong tỉnh, hàng nghìn chiến sĩ quân đội, công an, nhân viên y tế được huy động thần tốc tham gia truy vết, dập dịch, nhất là những nơi có yếu tố dịch tễ phức tạp như Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam (Chí Linh).

Nhưng "giặc" không có dấu hiệu "rút lui" mà từ TP Chí Linh đã nhanh chóng lan sang huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và sau đó là xuất hiện ở khắp các địa phương trong tỉnh. Chính phủ, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh xác định phải thần tốc, quyết liệt, mở rộng truy vết, xét nghiệm, đi trước một bước thì mới có thể khoanh vùng, dập dịch. Cơ sở vật chất, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, hậu cần cơ bản đáp ứng tốt. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ngành y trực tiếp tham gia lấy mẫu, xét nghiệm vẫn mỏng, cần tăng cường thêm mới đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn này.

Lấy đâu ra người khi nhân viên Trung tâm Y tế tuyến huyện, trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng đã và đang được huy động làm nhiệm vụ? Trong một buổi họp cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và TP Chí Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp đề xuất: “Ta cần nhanh chóng huy động lực lượng sinh viên ngành y tham gia, nhất là những em đã học được 2-3 năm trở lại tại Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Những sinh viên này ít nhiều đã được học kiến thức, tập huấn thêm là có thể đáp ứng được nhiệm vụ”. Lãnh đạo một ngành chuyên môn tiếp lời: “Hầu hết các em đang đi thực tập hoặc đã về quê ăn Tết rồi. Giờ huy động gấp lực lượng này e rằng khó, nhất là các phương tiện từ các địa phương khác giờ vào Hải Dương không dễ”. Khó như vậy nhưng chủ trương vận động sinh viên trường đại học trên trở lại Hải Dương để tham gia truy vết, xét nghiệm vẫn được thực hiện ngay sau đó. Hiệu trưởng nhà trường viết tâm thư gửi sinh viên trên website, Facebook. Cán bộ phụ trách khoa, giảng viên chủ nhiệm lớp gọi điện, nhắn tin vận động học trò.

Ngày 30.1, tốp 130 sinh viên Khoa Xét nghiệm của trường đang thực tập tại Hà Nội không ngần ngại trở lại Hải Dương. Hàng trăm sinh viên từ các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Tuyên Quang… vừa về nhà nghỉ Tết cũng lập tức quay trở lại trường để tiếp sức chống dịch. Chưa đến 1 tuần, nhà trường đã vận động được hơn 600 sinh viên từ năm thứ 2 trở lên về Hải Dương tham gia cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Nhớ lại giây phút đón sinh viên trở lại tiếp sức cho Hải Dương, Trưởng Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương Hồ Thị Thảo xúc động: “Có nhiều em đang trên đường trở về nhà ăn Tết cùng gia đình nhưng khi nhận được điện thoại đã không ngần ngại quay đầu. Có em chỉ kịp về qua nhà trong giây lát, chưa gặp hết người thân đã tạm biệt gia đình trở lại Hải Dương. Có em còn quên mang theo đồ dùng cá nhân. Trong thời bình, có lẽ đây là cuộc tổng động viên chưa từng có ở trường tôi”.

Sau khi đã được tập huấn, hơn 600 sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chia thành các nhóm tham gia truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm tại các địa phương và phục vụ ở Bệnh viện dã chiến số 2.


Một nhóm sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chụp ảnh lưu niệm trước khi về TP Chí Linh tham gia lấy mẫu xét nghiệm 

Đội quân thiện chiến

"Cô cần 50 bạn sinh viên tăng cường lấy mẫu cho Chí Linh, đi ngay 9 giờ tối nay, làm đêm" - tin nhắn của chị Thảo viết trên nhóm Zalo. Ngay lập tức, nhiều sinh viên vào trả lời: "Em cô ơi", "Em có kinh nghiệm từ đợt dịch trước, em đăng ký ạ", "Cậu làm liên tục mấy hôm rồi, hãy nghỉ ngơi một hôm lấy sức, nay để tớ đi cho", "Không. Tớ chưa mệt, vẫn chiến được"...

"Các em ấy chẳng khác gì đội quân thiện chiến, sẵn sàng lên đường bất kể ngày hay đêm. Có những em làm việc hơn 1 tháng chưa nghỉ ngày nào", chị Thảo cho biết.

Suốt từ tháng 2 tới nay, hàng trăm sinh viên của trường có mặt tại các vùng tâm dịch trong tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm, khi thì ở trụ sở UBND xã, trường học, lúc lại xuống các nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Hằng ngày, Nguyễn Thị Thủy Tiên, sinh viên năm 4, Khoa Xét nghiệm cùng nhóm sinh viên của trường thường lên đường lúc 5-6 giờ và trở về ký túc xá khi đã 21-22 giờ. Nhiều hôm do yêu cầu công việc lớn, nhóm của chị Tiên làm việc xuyên đêm, mỗi ngày lấy 5.000 mẫu đơn, có ngày 6.000 mẫu. Không ít hôm cả nhóm làm việc liên tục từ sáng sớm đến 2 giờ chiều mới ăn cơm trưa. Họ chỉ có 30-40 phút để ăn và nghỉ ngơi trước khi tiếp tục quay trở lại với nhiệm vụ. Chỗ nghỉ là lớp học, nhà văn hóa, hội trường xã nhưng có khi dưới tán cây, sân trường, tiện đâu thì ngả lưng ở đấy. Bộ đồ bảo hộ y tế mặc trên người kín như bưng khiến ai cũng cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. "Chúng em ai cũng mệt, nhiều bạn khản cả tiếng, gầy đi trông thấy nhưng vẫn giữ một tinh thần lạc quan đến lạ, động viên nhau quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ", chị Tiên chia sẻ.

Từ ngày 2.2 đến nay, chị Ngô Thị Hồng Nhung, sinh viên Khoa Xét nghiệm Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cùng nhóm bạn khoảng 30 người tham gia hỗ trợ cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Nhiệm vụ của chị Nhung là ngồi hút mẫu từ ống nghiệm đưa vào máy để xét nghiệm. Mẫu thường được gửi về đây vào ban đêm, lại phải trả kết quả sớm nên ngày nào mọi người cũng làm việc từ sáng đến tận 22-23 giờ đêm. Có hôm, chị Nhung và mọi người làm việc liên tục từ 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau. Những lúc mệt quá thì ngả lưng tạm ra nền nhà. Ngủ đủ giấc là điều quá xa xỉ với họ.

Phòng Sinh học phân tử thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nơi chị Nhung và mọi người làm việc không mấy rộng rãi, đã vậy còn chứa đủ loại máy xét nghiệm liên tục phát ra âm thanh khó chịu. "Em cũng đi thực tập nhiều nơi rồi nhưng chưa bao giờ phải đối diện với cường độ làm việc khủng khiếp như trong giai đoạn vừa rồi. Em bị sút mất mấy cân song không hề nản. Em biết rằng ngoài kia nhân dân đang mong chờ dịch bệnh sớm tiêu tan để những ngày tháng bình yên trở lại. Thế nên càng vất vả bao nhiêu em tự nhủ bản thân càng phải quyết tâm bấy nhiêu, chiến đấu hết mình và không lùi bước", chị Nhung bộc bạch.


Chị Ngô Thị Hồng Nhung, sinh viên Khoa Xét nghiệm Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tham gia hỗ trợ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 

Hành trang quý giá

Tết Tân Sửu 2021 là cái Tết xa nhà đầu tiên của hầu hết sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Ở khu ký túc xá, nhà trường cũng mua đào, quất, bánh kẹo. Cán bộ, giảng viên của trường bảo nhau nhường hết số bánh chưng, giò, chả được nhà trường tặng cho các sinh viên vui Tết, đón xuân. Anh Hoàng Mạnh Long, sinh viên năm 3 nói đầy lạc quan: "Xa gia đình giúp chúng em rèn khả năng tự lập. Được bên bạn bè, thầy cô trong dịp này thấy rất đặc biệt. Tình cảm giữa trò với trò, trò với thầy cô chẳng khác nào người nhà".

Nhiều lần xuống cơ sở lấy mẫu xét nghiệm, điều khiến chị Nguyễn Thị Thủy Tiên xúc động nhất là sự quan tâm của bà con. Mọi người chia sẻ, cảm thông với sự vất vả của lực lượng tuyến đầu. Nhà ai có bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt đều mang ra cho. "Trong lúc quê hương gặp khó khăn, chúng em càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống đoàn kết, đùm bọc, yêu thương của dân tộc ta. Tham gia đợt dịch này đã giúp em rút ra nhiều bài học quý giá của cuộc sống", chị Tiên nói.

Với sinh viên ngành y, tham gia cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 lần này tại Hải Dương là một trải nghiệm đầy bổ ích, giúp họ có thêm hành trang quý giá cho chặng đường tương lai phía trước. Ở đó, các bác sĩ, kỹ thuật viên tương lai không chỉ được củng cố về kiến thức, tay nghề mà còn phát huy khả năng sáng tạo, làm việc theo nhóm, giải quyết những vấn đề khó khăn mà thực tiễn đặt ra... 

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Tớ chưa mệt, vẫn chiến được